Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Phim ‘Em và Trịnh’ gây tranh cãi

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
19/06/2022 07:00 GMT+7

Sau gần một tuần công chiếu, tác phẩm Em và Trịnh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của Phan Gia Nhật Linh thu hút sự chú ý của công chúng lẫn giới văn nghệ sĩ.

Với kinh phí sản xuất trên 50 tỉ đồng, phim Em và Trịnh được xem là “bom tấn” của điện ảnh Việt khi có sự đầu tư lớn, kỹ lưỡng trong quá trình sản xuất, như có tới 5 năm chuẩn bị, 40 diễn viên chủ chốt, 3.000 diễn viên quần chúng, 1.000 bộ trang phục trong suốt 65 ngày quay...

Nhà sản xuất phim Vũ Quỳnh Hà cho biết thêm: “Thường phim khác chỉ có 2 ca khúc nhạc phim, còn phim về Trịnh Công Sơn được làm nhạc tới 39 ca khúc. Đó là sự kỳ công và kinh phí sản xuất Em và Trịnh đương nhiên cao gấp nhiều lần các phim khác. Bên cạnh đó, bối cảnh trải dài từ Huế, Lâm Đồng, Sài Gòn xưa trong phim đều phải dựng mới lại, rất tốn kém”.

Avin Lu vào vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ và Bùi Lan Hương vai ca sĩ Khánh Ly

Galaxy

Em và Trịnh giàu cảm xúc và đẹp với hình ảnh lãng mạn xưa cũ được phục dựng, tiểu tiết mỹ thuật ở đạo cụ hoen màu thời gian, cùng âm nhạc vốn đã rất hay qua những ca khúc do Trịnh Công Sơn sáng tác được nhạc sĩ Đức Trí hòa âm - phối khí mới. Nhưng phim lại ôm đồm tình tiết, thiếu kết nối cho những mẩu chuyện nhỏ, khiến phim dàn trải, lê thê suốt 136 phút thông qua lối kể chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ - từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn qua cuộc trò chuyện với cô nghiên cứu sinh người Nhật Michiko Yoshii đang làm luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, từng lớp ký ức được lần giở. Nhiều khán giả bày tỏ điều hạn chế nhất của Em và Trịnh chính là “nhà làm phim đã quên đi việc phải tạo ra ít nhất một điểm nhấn cao trào ấn tượng nhất trong toàn bộ phim, để “đẩy” cảm xúc nhớ mãi hay vỡ òa cho người xem”.

Quái kiệt harmonica huyền thoại Tòng Sơn qua đời ở tuổi 92

Quái kiệt harmonica huyền thoại Tòng Sơn, nghệ sĩ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam" (năm 2005) vừa qua đời hôm 12.6 tại TP.HCM ở tuổi 92 do tuổi cao sức yếu.

Quái kiệt Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, sinh năm 1930, ông là nghệ sĩ có biệt tài vừa thổi kèn harmonica bằng mũi và vừa… ăn chuối. Ông từng một thời tạo nên bộ ba quái kiệt: saxophone Huỳnh Hoa, trống Huỳnh Hiệp, kèn harmonica Tòng Sơn nổi danh như cồn, được khán giả vô cùng yêu thích. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam và trao tặng danh hiệu này cho ông năm 2005.

Quái kiệt harmonica huyền thoại Tòng Sơn

T.L

Hồi còn khỏe, quái kiệt Tòng Sơn sống một mình trong căn phòng thuê chật chội tại khu Bàn Cờ (Q.3), gia cảnh lại đang thiếu thốn trăm bề khi tuổi cao sức yếu nên gần đây nghệ sĩ Tòng Sơn được người em đưa về ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho tiện bề chăm sóc.

Trước đây quái kiệt Tòng Sơn đã từng nhiều lần nhập viện do không ăn được. Ngoài loét bao tử, ông còn bị viêm phổi nên gây ho, khó thở, do đó cũng làm khó ngủ. Không ăn không ngủ được, lại tuổi cao sức yếu, nên bệnh tình ông không thuyên giảm và sức khỏe ngày càng yếu hơn. Việc nói năng, cử động cũng khó khăn và thần sắc cũng rất kém.

Theo gia đình quái kiệt Tòng Sơn cho biết, ông bị nhiều chứng bệnh cùng lúc như: xuất huyết bao tử, viêm phổi và suy thận... nên nhiều mấy ngày nay được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt tại BV Trưng Vương, dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao, sức yếu và mắc nhiều chứng bệnh cùng lúc như loét, xuất huyết bao tử, viêm phổi và suy thận... nên được các bác sĩ khuyên người nhà đưa nghệ sĩ harmonica huyền thoại Tòng Sơn về nhà, nếu không muốn ông mất trong bệnh viện.

Có cần thêm danh hiệu “Kiến trúc sư Ưu tú”, “Nhà văn Nhân dân”...?

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao chất lượng chứ không phải thêm danh hiệu vào luật Thi đua khen thưởng.

Góp ý về dự thảo luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, cho rằng việc có 3/9 chuyên ngành nghệ thuật còn chưa được tặng danh hiệu NSND, NSƯT là chưa hợp lý. Điều này chưa đánh giá đúng và đầy đủ sự cống hiến của các loại hình văn học nghệ thuật đối với xã hội, nói đúng hơn là đối với sự nghiệp cách mạng, vô tình làm giảm sức sáng tạo và sự cống hiến của văn nghệ sĩ.

Tác phẩm Nữ pháo binh Ngư Thủy của nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng. Ông đã nhận giải thưởng nhà nước về nhiếp ảnh

LƯƠNG NGHĨA DŨNG

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học là “vấn đề mới”. Trong suốt quá trình soạn thảo, Bộ Nội vụ không nhận được đề nghị này. Bà Trà cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho lấy phiếu để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.

Nguồn tin từ Bộ VH-TT-DL cho biết bà Trần Thị Thu Đông cũng từng chia sẻ với đồng nghiệp về băn khoăn tại sao những lĩnh vực như nhiếp ảnh, văn học, kiến trúc chưa có danh hiệu NSND, NSƯT. Một vị nguyên là lãnh đạo Bộ VH-TT-DL nhìn nhận “đó là 2 sân chơi khác nhau. Một bên là sáng tác, một bên là biểu diễn”.

GS-TS Nguyễn Quốc Thông, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư, cho biết không thiếu các giải thưởng tôn vinh kiến trúc sư. Trong số đó, tôn vinh của một hội nghề nghiệp rất quan trọng. Hằng năm, Hội Kiến trúc sư VN vẫn có các giải thưởng cho các công trình, các nghiên cứu kiến trúc. Chính vì thế, trước giờ cũng không ai đề xuất vấn đề bổ sung danh hiệu Kiến trúc sư Ưu tú, Kiến trúc sư Nhân dân cả. “Có đủ thứ rồi”, GS Thông nói.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, cũng cho rằng không nên đặt ra danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú. Theo ông Nguyên, nếu cứ đòi các ngành nghệ thuật phải có tôn vinh như thế thì âm nhạc cũng phải có Nhạc sĩ Nhân dân, Nhạc sĩ Ưu tú chứ đâu chỉ có nhà văn. Chưa kể còn các nhà thiết kế nữa. “Đó chỉ nên là danh hiệu trao cho nghệ thuật biểu diễn, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh. Trong điện ảnh, trong sân khấu, chỉ trao cho người biểu diễn thôi”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cũng cho rằng, muốn tôn vinh nhà văn, kiến trúc sư… và các tác phẩm, đã có các hội chuyên ngành. “Hằng năm đều có giải thưởng Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ… Tốt nhất là tìm cách nâng cao chất lượng giải thưởng này thì hơn là thêm danh hiệu”, ông Nguyên nói.

Lần đầu tiên giải thưởng điện ảnh Cánh diều đến với thành phố biển Nha Trang

Ngày 16.6, tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Giải thưởng Cánh diều 2021 dành cho tác phẩm, nghệ sĩ, người làm phim xuất sắc.

Tại buổi họp báo, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19, Lễ trao Giải thưởng Cánh diều năm 2020 mãi tới tháng 12.2021 Hội Điện ảnh mới có điều kiện tổ chức khiến thời gian của Cánh diều 2021 cũng phải lùi lại một khoảng thích hợp (đến giữa năm 2022).

Diễn viên Mai Thu Huyền phát biểu tại buổi họp báo

THẾ QUANG

Giải thưởng Cánh diều 2021 quy tụ 147 tác phẩm tham dự, trong đó có 11 phim truyện điện ảnh, 14 phim truyện truyền hình (gồm 657 tập, trong đó có phim Hương vị tình thândài tới 131 tập), 45 phim tài liệu (có phim dài 660 phút), 10 phim khoa học, 28 phim hoạt hình, 35 phim ngắn và 3 công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh. "Có thể nói, Cánh diều 2021 trước hết đã thành công về số lượng tác phẩm dự giải và cho thấy Điện ảnh Việt Nam đã thực sự vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19", ông Tú nói.

Để thẩm định các tác phẩm dự Giải thưởng Cánh diều 2021, Hội thành lập Hội đồng giám khảo (gồm 6 ban giám khảo phim ngắn, phim tài liệu và khoa học, phim hoạt hình, phim truyện truyền hình, phim truyện điện ảnh và công trình nghiên cứu lý luận phê bình) và mời các nhà chuyên môn có trình độ, uy tín nghề nghiệp tham gia. Điểm chấm của giám khảo là cơ sở để Ban tổ chức ra quyết định trao giải cho các tác phẩm và cá nhân xứng đáng.

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, với mong muốn làm mới hình ảnh, Ban tổ chức giải thưởng điện ảnh Cánh diều dịch chuyển địa điểm tổ chức, kết hợp nội dung chuyên môn của Giải thưởng với các hoạt động mang tính cộng đồng. Năm nay giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Trước đó giải thưởng chỉ tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.

Chương trình Cánh diều 2021 tại Nha Trang gồm những hoạt động như: họp báo giới thiệu Giải thưởng Cánh diều 2021; công chiếu (miễn phí) tại các rạp chiếu phim của TP.Nha Trang giới thiệu những tác phẩm phim truyện điện ảnh dự Cánh diều 2021... Tối ngày 9.8, tổ chức Lễ trao Giải thưởng Điện ảnh - Cánh diều 2021 (dự kiến tại Anna Marina; Đài PTTH Khánh Hòa tổ chức truyền hình trực tiếp và nối sóng tới các đài khác) với sự tham gia của các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình và nghệ sĩ từ các lĩnh vực biểu diễn khác.

Tour giã biệt của danh ca Khánh Ly

Như một lời chia tay là chủ đề được danh ca Khánh Ly cùng ca sĩ Quang Thành, người đồng hành cùng bà, cân nhắc rất nhiều trước khi lựa chọn để đặt cho tour diễn năm 2022, cũng là tour xuyên Việt chính thức cuối cùng của bà trên quê hương.

Có không ít khán giả, người hâm mộ khi nghe tên chương trình - Như một lời chia tay, đã bày tỏ rằng "sao buồn quá"; thậm chí có độc giả gọi đến tòa soạn để xác nhận thực hư tour diễn "chia tay" này của Khánh Ly.

Poster chương trình

nscc

Trả lời Thanh Niên, cũng là gửi đến người yêu mến tiếng hát và quan tâm đến chương trình, Khánh Ly bảo rằng: "Có nhiều cuộc hẹn đôi khi phải đợi cả hàng chục năm, cả 100 năm, vậy nên bây giờ nếu làm được gì cho nhau, ta hãy cố gắng làm tốt nhất khi có thể. Với sức khỏe và tinh thần còn cho phép ở tuổi 77 như tôi, với sự mong chờ được gặp lại nhau trên quê hương mình sau đại dịch, chúng ta hãy đón nhận nhau như một lời chia tay, như ông Trịnh Công Sơn đã nói, để nếu không có lần sau thì cũng không hối tiếc…".

Ca sĩ Quang Thành cũng cho biết: “Từ đầu năm nay, cô Khánh Ly đã nói với tôi: Thành à, làm được gì mình hãy làm ngay đi, như một lời chia tay. 77 tuổi, mình không thể chờ đợi điều gì xa xôi được. Nếu sau này có gặp lại, Khánh Ly có hát ở đâu đó, được mời tham gia chương trình nào đó tại quê nhà..., thì xem như là được thêm thôi”. Anh cho biết, đây là tour diễn cho chính gia đình Vòng tay nhân ái (mà lâu nay Khánh Ly đã đồng hành) cùng các đơn vị tổ chức ở từng địa phương kết hợp thực hiện; cùng nhân vật chính, mỗi tỉnh thành sẽ có những khách mời phù hợp.

Điểm mở đầu cho chuỗi live show Như một lời chia tay là Đà Lạt - nơi “ nữ hoàng chân đất" gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đã bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình. Kế đến, là TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... Mỗi nơi đi qua, Khánh Ly sẽ hát và có những hoạt động thiện nguyện cùng gia đình Vòng tay nhân ái; riêng tại TP.HCM, như Quang Thành cho biết, dự kiến chương trình sẽ đóng góp một phần nhỏ để gửi đến các em mồ côi vì đại dịch Covid-19.

Quang Thành thông tin thêm, sau tour diễn trong nước, dự kiến tháng 10 tới chương trình sẽ đến với khán giả ở châu Âu, tháng 11 là Úc và New Zealand, sau đó đầu năm 2023 sẽ thực hiện tại Mỹ.

"Tour diễn Như một lời chia tay cũng là chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm ca hát của Khánh Ly. Như cô nói, như một lời chia tay nhưng không phải chia tay sân khấu, mà ở tour diễn này, ở những live show của Khánh Ly, chúng tôi muốn làm những điều tốt nhất cho năm nay. Về sau Khánh Ly có thể hát nhưng chỉ trong chương trình thiện nguyện chứ không làm live show nữa", người đồng hành cùng Khánh Ly chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.