Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn bị dừng

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
06/12/2020 08:00 GMT+7

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 , nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn bị buộc phải tạm dừng.

Dừng show ca nhạc, vở diễn

Theo công văn mới nhất về việc tạm ngưng biểu diễn nghệ thuật của UBND tỉnh Lâm Đồng, chương trình The music dairy concert - Nguồn yêu của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường diễn ra tối 5.12 tại TP.Đà Lạt vừa bị hủy.
Đêm nhạc khác cũng tại TP.Đà Lạt của ca sĩ Lân Nhã nhân kỷ niệm 10 năm ca hát của anh Nhã - Hẹn phố sương mù vào ngày 12.12 cũng bị hủy nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dù mọi chuyện xảy ra khá đột ngột và gây không ít tổn thất nhưng Lân Nhã và ê kíp cho rằng đây là một quyết định cần thiết để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lân Nhã và ê kíp cho biết sẽ hoàn vé 100% cho khán giả trong thời gian sớm nhất có thể.
Một số sân khấu tại TP.HCM như Sân khấu Hồng Vân, Nhà hát Thế giới trẻ đã hủy các suất diễn cuối tuần này cho đến ngày 6.12. Ở Đường sách TP.HCM, chương trình Du hành vui cùng sách: Đọc sách mang lại lợi ích gì cho học sinh? do Đường sách TP.HCM tổ chức cho học sinh Trường THCS Phước Bình, THCS Đặng Tấn Tài (Q.9) lúc 8 giờ ngày 5.12; chương trình giao lưu, ra mắt sách Trăng mật với bản thân - bí kíp du lịch một mình của travel-blogger Lý Thành Cơ (NXB Kim Đồng tổ chức) lúc 9 giờ ngày 5.12; chương trình giao lưu và ký tặng sách Em rắc thính anh thả tình của nhà văn Dương Thụy lúc 9 giờ ngày 6.12; giao lưu và ký tặng sách Thay đổi cuộc sống với Nhân số học của tác giả Quỳnh Hương (First News tổ chức) vào 14 giờ ngày 6.12 cũng tạm dừng.

Một tác phẩm sơn dầu bị xước mặt

ẢNH: NSCC

Tranh bị rạch xước, họa sĩ rút khỏi Triển lãm mỹ thuật toàn quốc

Nhiều tranh bị rạch xước, phủ sơn, có tác phẩm điêu khắc bị vỡ khi dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020. Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, một trong những tác giả có tranh bị xước, đã rút tác phẩm về vào chiều 30.11.
Họa sĩ chuyên sơn mài Nguyễn Quốc Huy rất bức xúc khi nói về tác phẩm Địa linh nhân kiệt của mình. “Nó rất tệ vì vết xước rất sâu. Nó có 5 vết xước. Đối với sơn mài thì có nghĩa là phải làm lại chứ không phải là chữa. Tôi không chấp nhận cách làm việc cẩu thả và vô trách nhiệm thế được”, ông Quốc Huy nói. Ông Huy cũng đã yêu cầu lập biên bản về tình trạng tranh. Biên bản ghi nhận tác phẩm Địa linh nhân kiệt bị xước 5 vết. Ba bên là Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội - địa điểm treo tranh) và ông Quốc Huy cùng ký biên bản này vào chiều 30.11. Ông Huy sau đó đã rút tranh về.
Ông Huy cho rằng cách bảo quản và trưng bày tác phẩm rất tùy tiện. Điều này dẫn đến hỏng hóc tác phẩm của ông. “Vết xước đó do bị tì lên mặt khi vận chuyển. Tranh của tôi bám bụi đen xì. Họ treo tranh bằng một sợi dây thép lỏng lẻo, ở dưới lại bắt một con vít vào khung. Chả có quy chuẩn gì cả”, ông Huy nói.
Không chỉ có tranh của ông Huy bị xước như vậy, nhiều tác phẩm khác cũng bị hỏng hóc. Trong đó, một tác phẩm chân dung bằng sơn dầu bị vết xước cắt ngang mặt nhân vật và kéo rất dài; có tác phẩm lại bị “mưa sơn” trắng tinh phủ lên bề mặt tranh; có tác phẩm điêu khắc đã bị vỡ... Họa sĩ có tác phẩm bị sơn bắn trên mặt tranh là ông Phúc Lợi cũng đã lập biên bản ba bên ghi nhận tình trạng này.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy cho biết tác phẩm của ông dự triển lãm có giá khoảng 50.000 USD. Ông Huy cũng sẽ yêu cầu ban tổ chức Triển lãm mỹ thuật toàn quốc phải bồi thường vì làm xước tác phẩm.
Trái với phản ứng của ông Huy, ông Mã Thế Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), lại cho đó là chuyện không có gì lớn. “Nó xước xát tí. Cục tổ chức nhưng phối hợp với Trung tâm Vân Hồ. Bên kia người ta dàn dựng thì năm nào cũng xước. Nó kiểu như quá trình vận chuyển xước một chút có gì đâu!”, ông Thế Anh nói.
Ông Bùi Kỳ Đà, Phó giám đốc Trung tâm triển lãm Vân Hồ, cho biết cả trung tâm và Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cùng chịu trách nhiệm chung về tác phẩm. Việc chuyển tác phẩm do trung tâm thuê bốc vác và cho người đi theo giám sát. Về yêu cầu bồi thường tiền, ông Đà nói: “Khi ký hợp đồng thi công với Cục, nói thật chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện bồi thường, chỉ nghĩ anh em làm thì phối hợp nên trách nhiệm bồi thường chưa rõ ràng lắm”.
Ông Thế Anh cũng cho hay các tác phẩm gửi dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đều không được mua bảo hiểm. Về việc khắc phục các tác phẩm bị xước hỏng, ông Thế Anh nói: “Các anh vẫn treo và sửa sau. Có một chút xước thì vẫn treo”.

Tác phẩm bị mất của ông Hùng Anh

ẢNH: NSCC

Mất tranh tượng ở Triển lãm mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ Hùng Anh đến Triển lãm mỹ thuật Việt Nam ngay ngày khai mạc 1.12 vì có tác phẩm được lựa chọn treo. Tuy nhiên, trong khu Triển lãm văn hóa Hoa Lư (còn gọi là Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội) không có bức tranh ông đã gửi. Ông Hùng Anh cho biết đó là một tác phẩm vẽ bút sắt trên giấy, kích thước 159 x 238 cm. “Tôi đến hôm khai mạc và không tìm thấy tác phẩm của mình. Sau đó 1 ngày, tôi có gọi cho ban tổ chức. Ban tổ chức bảo đã cho người đi tìm nhưng vẫn không thấy”, ông Hùng Anh nói.
Trong khi đó, tác giả điêu khắc Triệu Ngọc Thạch gửi tới Triển lãm mỹ thuật Việt Nam một bộ tượng gồm 7 bức nói về nỗi đau của người mẹ. Ngày khai mạc triển lãm, ông sững sờ khi thấy bộ tượng của mình chỉ còn 6 bức, trong đó 1 bức đã bị sứt vỡ một mảng. “Bộ tượng tôi làm trong 5 năm, năm 2017 đã được giải khu vực rồi. Năm nay cũng được giải của Hội Mỹ thuật. Bộ tượng như là con người, thiếu một cánh tay thì không toàn vẹn, không theo ý tưởng của mình nữa. Trong khi nếu bán cả bộ thì giá cả trăm triệu đồng”, ông Thạch nói.
Số lượng tác phẩm “bị thương” cũng không ít. Vào buổi họp báo trong ngày khai mạc triển lãm, PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi về số tranh tượng bị xước, bị bắn sơn và vỡ nứt. Khi đó, ông Mã Thế Anh, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) đồng thời là Trưởng ban tổ chức triển lãm, cho biết có 5 tác phẩm “bị thương”. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm bị xước, dính sơn, vỡ nứt còn cao hơn thế rất nhiều lần.
Không khó để thấy bức sơn dầu Cái nhìn từ bên trong (tác giả Lê Thị Quế Châu) đã bị vấy sơn trắng. Bức Sức sống bình thường mới (gỗ mộc bản, Thanh Liêm) vừa bị xước, vừa bị sơn vấy. Bức Đoàn quân hai bánh (sơn dầu, Nguyễn Thị My) cũng vấy sơn trắng. Bức Mùa hạ trên cao (sơn dầu, Nguyễn Minh Đồng) đầy sơn trắng, bức Sen (sơn dầu, Phùng Mỹ Trâm) cũng tương tự. Bức Dưới trăng (sơn dầu, Lê Duy Triệu) vừa bị sơn trắng dây vào, vừa bị thủng tróc màu tranh. Bức Kéo lưới bắt cá (sơn dầu, Vũ Quý) bị cào xước, tác phẩm Mầm (phù điêu, Trần Minh Châu) nứt và thủng tróc... Còn rất nhiều tác phẩm khác bị dính sơn và xước không thể liệt kê hết ở đây.
Chưa kể, nhiều tác phẩm được trưng bày rất cẩu thả. Tác phẩm của họa sĩ Thu Trần được sáng tạo với đèn chiếu từ lòng tranh, tác giả đã chuẩn bị dây cắm điện nhưng tranh lại được bày ở chỗ... không có ổ cắm điện. Nhiều tác phẩm bụi phủ đầy hoặc bị treo ngược, trong đó có Vô hình - Hữu hình (Nguyễn Trí Minh Tuyết).
Sáng 3.12, ông Mã Thế Anh cho biết cán bộ của Cục còn đang thống kê số tác phẩm hư hại cụ thể, sau đó ban tổ chức sẽ làm việc với các họa sĩ.
Ông Hùng Anh, họa sĩ bị mất tranh, cho biết: “Đến ngày 3.12, một số người trong ban tổ chức có gọi điện trước cho tôi để hỏi giải quyết theo hướng tình cảm. Nhưng tôi không chấp nhận. Tôi muốn có văn bản của ban tổ chức trả lời cụ thể”.
Ông Ngọc Thạch chưa lập biên bản ghi nhận mất mát song đã gọi điện nói chuyện với trưởng ban tổ chức. “Ông Mã Thế Anh cũng nói là trước tiên ông ấy xin lỗi, sau triển lãm sẽ họp để giải quyết vấn đề này. Tôi nói Cục phải có trách nhiệm với tác phẩm của chúng tôi. Việc đền bù phải thỏa đáng”, ông Thạch nói và cho biết nếu ban tổ chức không có ý kiến, ông sẽ làm đơn gửi Thanh tra Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết có thể tạm xác định việc họa sĩ gửi tranh đến dự triển lãm là một loại hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo đó, bên nhận gửi giữ là ban tổ chức phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đảm bảo tính toàn vẹn của tác phẩm. Trong trường hợp bị mất, bị xước, bị rách, bị giảm giá trị, đương nhiên phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp phát hiện người làm hỏng thì người đó liên đới chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Tú, có hai trường hợp mà ban tổ chức không có trách nhiệm đền bù. Một là trong hợp đồng hoặc thỏa thuận gửi giữ (chẳng hạn biên nhận tác phẩm), các nghệ sĩ thừa nhận nếu có hỏng hóc mất mát thì ban tổ chức không phải chịu trách nhiệm. Hai là trường hợp ban tổ chức nói trước nếu hỏng hóc, mất mát họ không chịu trách nhiệm và nghệ sĩ đồng ý.
Về việc ông Thế Anh nói các triển lãm mỹ thuật vẫn làm xước tranh bao năm qua tại buổi họp báo 1.12, ông Tú cho rằng: “Không thể nói ngày hôm qua nó vẫn xước, ngày hôm kia nó vẫn xước, bao năm nay vẫn thế. Nếu anh không đảm bảo an toàn được cho tác phẩm, anh đừng tổ chức”.
Về việc đền bù tác phẩm, ông Tú cho rằng: “Ban tổ chức thuộc Bộ VH-TT-DL thì Bộ VH-TT-DL đền. Ở đây không phân biệt tổ chức ấy là gì, trực thuộc ai, là ai cũng đều phải đền hỏng hóc, mất mát tác phẩm cho họa sĩ. Dưới góc độ pháp luật dân sự thì một bên gửi giữ là các họa sĩ, bên nhận gửi giữ là ban tổ chức. Ban tổ chức có thể là nhà nước hoặc công ty tư nhân hay cá nhân thì ý nghĩa pháp lý không thay đổi”.

Dinh Độc Lập xưa, nay là Hội trường Thống Nhất

ẢNH: GIẢN THANH SƠN

Những hé lộ ít người biết về chuyện phong thủy ở Dinh Độc Lập

Công trình kiến trúc Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, xây dựng năm 1962 (sau khi dinh cũ bị ném bom) được xem như đỉnh cao của thẩm mỹ kiến trúc Sài Gòn (1954 -1975), với những bí mật về phong thủy ít người biết.
Được biết, trước khi có tên gọi là Dinh Độc Lập thì Dinh Norodom đã được người Pháp xây dựng từ năm 1868. Sau khi Ngô Đình Diệm tái đắc cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa mới quyết định đổi tên thành Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất).
Kể những câu chuyện về phong thủy của Dinh Độc Lập, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Mười hé lộ nhiều “thâm cung bí sử” hấp dẫn qua cuốn Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 vừa được tái bản, bổ sung (do NXB Mỹ thuật ấn hành - 2020).
Sách đã dẫn cho biết: “Ngày 27.2.1962, hai viên phi công của quân đội Sài Gòn thuộc phe đảo chính là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái hai chiếc máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh thiệt hại nặng đến mức không thể khôi phục, vì vậy chính quyền Ngô Đình Diệm mới chủ trương cho xây dựng lại Dinh Độc Lập mới và thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tuyển chọn trong số 6 phương án dự thi”.
Dù là công trình đầu tay của một người trẻ vừa tốt nghiệp ở phương Tây nhưng kiến trúc sư Ngô Viết Thụ không thực hiện cứng nhắc theo phong cách hiện đại mà kết hợp độc đáo với triết học Đông phương, thể hiện qua những lam bê tông mặt tiền là biểu tượng của những lóng trúc, bên cạnh các chiết tự chữ Hán: CÁT, KHẨU, TRUNG, TAM, CHỦ, HƯNG có ý nghĩa mang đến sự tốt lành, hưng thịnh.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Mười phân tích: “Công trình đi sâu về phong thủy với mặt bằng Dinh bố cục theo hình chữ CÁT – có nghĩa là tốt lành, may mắn. Toàn bộ mặt tiền của Dinh, gồm: mặt trước dinh thự, toàn bộ bao lơn tầng 2 và tầng 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính, cùng với hai cột bọc gỗ phía dưới mái hiên, tạo thành chữ HƯNG mang ý nghĩa cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh muôn đời. Mặt bằng, mặt đứng có giải pháp bố cục theo chiết tự chữ Hán một cách thâm thúy, tạo nên nền tảng vững chắc tạo thế cho kiến trúc. Lầu thượng mang tên Tứ phương vô sự lâu hình chữ KHẨU có ý nghĩa đề cao sự giáo dục và tự do ngôn luận”.
Điều độc đáo về phong thủy ở Dinh Độc Lập là hình chữ KHẨU của Tứ phương vô sự lâu cùng với cột cờ chính giữa như một nét sổ dọc, tạo thành chữ TRUNG. Điều này được ông Mười lý giải: “Tứ phương vô sự lâu không dùng để tiếp tân hay giải trí mà chỉ dùng cho vị nguyên thủ quốc gia tĩnh tâm với mỗi chữ TRUNG. Các nét gạch ngang được tạo bởi: Mái hiên lầu Tứ phương vô sự lâu, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh, tạo thành chữ TAM rất đẹp mắt, theo như quan niệm dân chủ hữu tam: viết nhân, viết minh, viết võ. Chữ TAM được nối liền bằng nét sổ dọc tạo thành chủ chữ VƯƠNG và kỳ đài trên cùng tạo ra nét chấm trên chữ VƯƠNG, tạo thành chữ có ý nghĩa cho chủ quyền đất nước: chữ CHỦ”.
Như vậy, với công trình kiến trúc Dinh Độc Lập hiện đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, có thể khẳng định kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là một người am hiểu Hán học một cách thâm thúy, sâu sắc. Ông đã biết vận dụng linh hoạt, đảm bảo các yếu tố về phong thủy để tạo nên một tác phẩm kiến trúc độc đáo, tuyệt tác có một không hai nơi vùng đất phương Nam hào sảng và lộng gió, đã làm cho Dinh Độc Lập trở thành hồn cốt không thể thiếu trong không gian đô thị Sài Gòn – TP.HCM từ khi công trình này ra đời cho đến nay.

A Promised Land - tự truyện nổi tiếng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đang 'gây sốt' trên toàn cầu

ẢNH: FIRST NEWS

Tự truyện đang “sốt” ở Mỹ của Barack Obama được mua bản quyền tại Việt Nam

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại Mỹ nhưng cuốn tự truyện A Promised Land (tựa Việt: Miền đất hứa) của cựu Tổng thống Barack Obama đã phát hành hơn 3 triệu bản ngay khi ra mắt và đang tạo nên “cơn sốt'” với hơn 890.000 bản được bán trong ngày đầu tiên. Ở Việt Nam, sách vừa được First News - Trí Việt mua bản quyền và sẽ ra mắt trong nay mai.
Theo tin từ đại diện Công ty văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt, hiện đơn vị này đã tiếp nhận đầy đủ file cuốn hồi ký đang gây sốt của cựu Tổng thống Obama từ nhà xuất bản Penguin Random House - nơi nắm giữ bản quyền tác phẩm, vừa được chuyển về từ New York (Mỹ). Dự kiến, hồi ký của cựu Tổng thống Barack Obama sẽ được First News biên dịch và xuất bản phục vụ bạn đọc Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Hồi ký A Promised Land dày 768 trang, là tập đầu tiên trong bộ hai tập sách của cựu Tổng thống Barack Obama. Tác phẩm viết về những bước đầu trong sự nghiệp chính trị của ông, chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 và kết thúc với sự kiện cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Nhà xuất bản Penguin Random House dự đoán số người đặt mua sách rất lớn nên đã in 3 triệu bản sách tại thị trường Mỹ. Để dự phòng số đơn hàng tăng cao hơn, nhà xuất bản này đã đặt in thêm 1 triệu bản tại Đức và sắp xếp vận chuyển trên ba con tàu, trong 112 container để đưa về Mỹ.
Thời gian qua, ông bà Obama đã bán bản quyền những cuốn hồi ký của mình cho đơn vị xuất bản tại Mỹ với giá lên đến 65 triệu USD và gây được những thành công vang dội. Năm ngoái, First News - Trí Việt đã tham gia đấu giá Royalty Auction quốc tế, vượt qua hàng chục nhà xuất bản trong nước để mua bản quyền hai cuốn hồi ký BecomingA Promised Land để xuất bản bằng tiếng Việt. Bộ đôi hồi ký là sách có giá bản quyền cao nhất lịch sử xuất bản Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng cuốn hồi ký Becoming của cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã tạo nên hiện tượng xuất bản tại Việt Nam về thể loại hồi ký phu nhân nguyên thủ thế giới sau Hồi ký Hilary Clinton, cũng do First News - Trí Việt chuyển ngữ phát hành ở Việt Nam.
Với sự sôi động của chính trường Mỹ hiện nay, đại diện đơn vị mua bản quyền kỳ vọng A Promised Land - tác phẩm nổi tiếng của cựu Tổng thống Barack Obama, sẽ có thể viết tiếp những kỷ lục sách mới ở Việt Nam trong thời gian tới.

“Ông lớn” Warner Bros. đưa tất cả 17 phim của hãng sắp tới lên nền tảng trực tuyến HBO Max cùng thời điểm phim ra rạp

ẢNH: WARNER BROS.

Warner Bros. tung các bom tấn chiếu trực tuyến cùng ngày ra rạp trong 2021

Ngày 3.12, tạp chí Hollywood Reporter cho biết hãng Warner Bros. trong năm tới sẽ đưa tổng cộng 17 phim lên nền tảng trực tuyến song song với việc phát hành tại rạp, trong đó các bom tấn như Dune, Godzilla vs. Kong, Tom&Jerry...
Tạp chí Hollywood Reporter gọi hành động Warner Bros. đưa tổng cộng 17 phim (đều phát hành từ năm 2021) lên nền tảng chiếu phim trực tuyến HBO Max từ năm sau là “không thể đoán trước”. 17 phim trong danh sách bao gồm: Cry Macho, King Richard, The Many Saints of Newark, Reminiscence, In the Heights, The Conjuring: The Devil Made Me Do It, Those Who Wish Me Dead, Mortal Kombat, Tom&Jerry, Judas and the Black Messiah, Little Things, Dune, Godzilla vs. Kong, Space Jam: A New Legacy, Malignant, The Suicide Squad The Matrix 4.
Động thái này của hãng Warner Bros. tiếp nối thông tin trước đó là hãng đưa bom tấn Wonder Woman 1984 của nữ đạo diễn Patty Jenkins lên HBO Max từ ngày 25.12 năm nay. 17 phim đã liệt kê được chiếu trên HBO Max cùng ngày được xuất xưởng tại các rạp Mỹ vào năm sau. Các phim này có thời gian ra rạp khác nhau. Nguồn tin của Hollywood Reporter cho biết các phim trên sẽ trình làng khán giả trên HBO Max trong khoảng thời gian 31 ngày.
Ông Toby Emmerich, người đứng đầu hãng Warner Bros., cho biết động thái của hãng là tốt cho việc kinh doanh phim ảnh trong mùa dịch như hiện tại. Ông lý giải, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, khán giả sẽ chọn những phim bom tấn, được đầu tư “khủng” để xem tại rạp nhưng việc này không khiến các phim nhỏ hơn về quy mô bị thua thiệt vì chúng đã được chiếu trên HBO Max.
Còn bà Ann Sarnoff, một trong những người đứng đầu của công ty WarnerMedia (sở hữu Warner Bros.), thì trả lời báo chí rằng, động thái của Warner Bros. là tầm nhìn xa và thức thời vì theo bà, trong năm tới, nhiều rạp chiếu của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục giảm sức chứa do ảnh hưởng của Covid-19. Bà gọi hành động của các nhà kinh doanh phim ảnh ở hiện tại là đang cố gắng “cân bằng” tình thế giữa phim chiếu rạp lẫn phim chiếu trực tuyến để không hình thức nào gây tác động tiêu cực đến các dự án, đồng thời vị này không quên nhấn mạnh rằng hình thức phát hành tại rạp vẫn là hơi thở chính của sinh hoạt điện ảnh dù ở thời điểm nào chăng nữa.
Sau thông báo của Warner Bros., giờ đây, truyền thông bắt đầu hướng sự chú ý vào hãng Disney khi nền tảng chiếu phim trực tuyến của hãng này là Disney+ đang trên đà tăng trưởng mạnh về số lượng người xem thời gian qua. Câu hỏi mà phía truyền thông nhắm vào Disney đó là hãng có “ăn theo” Warner Bros. trong việc đưa các phim sẽ ra rạp từ năm 2021 lên nền tảng trực tuyến hay không, mà “vũ trụ điện ảnh” Marvel với rất nhiều dự án (bên cạnh các dự án truyền hình đã được lên lịch trên Disney+) chuẩn bị “chinh chiến” từ năm sau trở đi. Hiện phía Disney vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin gì về đường hướng phát hành phim điện ảnh của hãng trên Disney+ sắp tới như Warner Bros.
Trở lại câu chuyện của Warner Bros., cũng trong ngày 3.12, tạp chí Hollywood Reporter dẫn lại lời nhận định của AMC, chuỗi rạp chiếu lớn nhất thế giới rằng hệ thống rạp này gọi hành động của Warner Bros. chẳng khác nào “tự hy sinh”. Đó là lời của ông Adam Aron, Giám đốc điều hành chuỗi rạp chiếu AMC, khi trả lời trước truyền thông. Ông nhấn mạnh Warner Bros. rõ ràng đang nhắm đến con đường nhiều rủi ro khi đưa 17 phim lên HBO Max vì rất nhiều phim trong số này có khả năng sinh lời rất cao tại phòng vé thời gian tới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.