Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ 15 - 2022

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
07/08/2022 07:00 GMT+7

“Những người làm báo phát thanh vẫn đang ngày đêm giữ gìn và phát huy bản sắc của tiếng nói Việt Nam. Đó là tiếng nói của chính nghĩa, sự thật, cảm xúc, là tiếng nói thấm dần, thấm sâu, là người bạn đồng hành thân mật với thính giả để cùng chia sẻ và giải bày mọi vấn đề trong cuộc sống”.

Đó là nhìn nhận của ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM trong phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ 15 - 2022 (do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND TP.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức) diễn ra ở Nhà hát TP.HCM tối 4.8.

“Chắc hẳn các đồng chí và quý vị chưa quên, cách đây khoảng 1 năm, TP.HCM và rất nhiều địa phương khác đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, mọi hoạt động trực tiếp bị ngưng trệ, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy sức mạnh hiệu quả to lớn...”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã mở đầu bài phát biểu như thế, cũng như đề cập đến vai trò của phát thanh: “Với tư cách là một phương tiện truyền thông phổ cập toàn cầu, phát thanh có tính đồng nhất, đặc biệt là phổ cập tới những khu vực nghèo, khu vực nông thôn, miền núi. Ở những nơi đó, đài phát thanh vẫn là một trong số ít những nguồn thông tin giải trí sẵn có, chi phí thấp mà lại đáng tin cậy. Đối với một số khu vực, đây còn là nguồn thông tin duy nhất”.

Ban Tổ chức Liên hoan vinh danh Ban giám khảo, những nhà báo có uy tín, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, những người góp phần quan trọng vào thành công của Liên hoan

HUỲNH TỶ ĐIỂU

Đánh giá cao chủ đề của Liên hoan Phát thanh Toàn quốc năm nay là “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng "đây cũng là nội dung quan trọng mà ngành phát thanh Việt Nam cần quan tâm trong những năm tiếp theo. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí truyền thống là báo viết, báo nói và báo hình, các loại hình báo chí mới như báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống. Vì thế, Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới để vượt lên".

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng, ngành phát thanh Việt Nam nói chung và những người làm báo phát thanh cả nước cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh phát thanh vẫn là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã đánh trống khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XV - năm 2022.

Trong lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc, các đại biểu và khán giả cũng được nghe, xem những phóng sự xúc động, được giao lưu với những nhà báo về những câu chuyện tác nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ cả nước chống dịch Covid-19. Liên hoan Phát thanh Toàn quốc trao các giải thưởng vào Lễ bế mạc, tổ chức vào 20 giờ ngày 6.8 tại Nhà hát TP.HCM.

Tới dự Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ 15 có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; ông Trần Quốc Cường, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.HCM.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch với nhiều hoạt động ý nghĩa tại Bạc Liêu

Ngày 4.8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang.

Sinh hoạt đờn ca tài tử ở Bạc Liêu

PHAN THANH CƯỜNG

Ông Phan Thanh Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và lễ hội Dạ cổ hoài lang sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 27 - 29.11. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1.1.1997 - 1.1.2022), nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về đất và người Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và văn hóa, du lịch tỉnh nhà nói riêng....

Ngày hội sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động chính như: Khai mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022; Ngày hội tôm và muối Bạc Liêu; Liên hoan đờn ca tài tử; Khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh; Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer; tổ chức không gian “Hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền”; Công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL...

Hoa hậu Thể thao tặng 150 triệu đồng cho gia đình 3 chiến sĩ cứu hỏa hy sinh

Top 3 Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 - Miss Fitness Vietnam đã dành món quà ý nghĩa đầu tiên sau khi đăng quang là gửi tặng 150 triệu đồng cho gia đình 3 chiến sĩ lính cứu hỏa hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Vừa qua, sau đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022, Top 3 Hoa hậu, Á hậu cùng Công ty Multimedia JSC đã có buổi chia sẻ về hoạt động đầu tiên sau ngày đăng quang. Đó chính là, cả 3 người đẹp mong muốn có thể góp sức, chung tay thể hiện sự biết ơn trước hành động quả cảm của các chiến sĩ cứu hỏa đã hy sinh khi chữa cháy tại Hà Nội ngày 1.8.

Top 3 Miss Fitness Vietnam 2022: Thu Thủy (giữa), Phương Thảo (bìa trái), Chu Ánh bày tỏ sự biết ơn đến các chiến sĩ PCCC đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ

MULTIMEDIA

Top 3 Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 cho biết, họ muốn cùng nhau chung tay trích một khoản tiền trong giải thưởng để thể hiện lòng biết ơn các chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, Hoa hậu Đoàn Thu Thủy chia sẻ về câu chuyện thương tâm vừa xảy ra với 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc đội Cảnh sát PCCC (Công an Q.Cầu Giấy, Hà Nội) và muốn cùng Á hậu 1 Lê Phương Thảo, Á hậu 2 Chu Thị Ánh trích 150 triệu đồng trong tiền thưởng của mình sau đăng quang để gửi tặng gia đình các chiến sĩ. Cả 3 người đẹp đều mong muốn có thể chia sẻ và đỡ đần một phần mất mát của gia đình 3 đồng chí chiến sĩ trên. Có thể thấy, nghĩa cử đẹp và tấm lòng nhân ái của Top 3 Miss Fitness Vietnam 2022 đã biến thành hành động đầy ý nghĩa để lan tỏa tình yêu thương với mọi người xung quanh.

Thừa Thiên - Huế: Xây lại lăng mộ bà Tài nhân họ Lê bị san ủi làm bãi xe

Ngày 2.8, nguồn tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chính thức có văn bản cho phép triển khai lại dự án Bãi đỗ xe tham quan Lăng vua Tự Đức - Đồng Khánh, đồng thời thống nhất chủ trương xây dựng lại lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê, phi tần của vua Tự Đức tại ngay vị trí phát hiện bị san ủi trước đó.

Văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, ký ban hành ngày 1.8, ghi rõ: "Thống nhất chủ trương triển khai dự án Bãi đỗ xe tham quan Lăng vua Tự Đức - Đồng Khánh theo phương án giữ nguyên vị trí khu lăng mộ bà Tài nhân họ Lê, sắp xếp, khoanh vùng có diện tích khoảng 200m2 để sử dụng cho việc khôi phục, xây dựng lại ngôi lăng mộ, trồng cây xanh, tạo cảnh quan và lối ra vào lăng mộ".

Vị trí ngôi mộ bà Tài nhân họ Lê sau khi bị san phẳng được tìm thấy và đánh dấu trong công trình san ủi

BÙI NGỌC LONG

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm việc với Sở VH-TT tỉnh, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Chuỗi Giá Trị (đơn vị đầu tư dự án) và các cơ quan liên quan thống nhất phương án, thủ tục, trách nhiệm các bên liên quan trong việc triển khai dự án và xây dựng lại lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê (phi tần của vua Tự Đức).

Trước đó, ngày 22.3, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị cũng đã có văn bản gửi Hội đồng Nguyễn Phúc tộc cam kết phối hợp xây dựng lại lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê, bậc Cửu giai, thụy Thục Thuận, phi tần của vua Tự Đức, tại ngay vị trí đã phát hiện.

Như vậy, sau hơn 5 năm ngôi lăng mộ bị san phẳng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có một quyết định hợp đạo lý đối với tiền nhân và người đã khuất khi đồng ý chủ trương xây dựng lại ngay vị trí ngôi mộ được phát hiện.

Xôn xao ngôi “nhà trọ” của văn nghệ sĩ Hải Phòng

Giới văn nghệ sĩ TP.Hải Phòng đang xôn xao trước thông tin cơ quan Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật của họ sắp "được" chuyển từ một tòa biệt thự Pháp khá đẹp đến một căn nhà cấp 4 cơi nới mà họ gọi là “nhà trọ” hoặc “chuồng bò”.

Những ngày này, các diễn đàn mạng, các trang Facebook cá nhân, các hội nhóm văn nghệ ở Hải Phòng… nóng rực thông tin về trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) Hải Phòng. Lý do là họa sĩ nổi tiếng Đặng Tiến người Hải Phòng ngày 21.7 đã đăng trên trang cá nhân hình ảnh của một ngôi nhà cấp 4 đang được cơi nới bằng gạch ba banh, lợp tôn. Ông Tiến cho biết đó là trụ sở tương lai của Hội LHVHNT Hải Phòng ở số 6-8 Minh Khai, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng.

Ngôi nhà cấp 4 cơi nới bằng gạch ba banh, lợp tôn bị văn nghệ sĩ Hải Phòng ví như "nhà trọ", "chuồng bò" có thể sẽ là trụ sở Hội LHVHNT Hải Phòng

FACEBOOK HỌA SĨ ĐẶNG TIẾN

Thực ra, chuyện Hội LHVNTN Hải Phòng có “trụ sở mới” đã râm ran từ cuối năm 2021, khi một văn bản được UBND TP.Hải Phòng gửi đến các hội đặc thù của thành phố, trong đó thông báo Hội LHVHNT Hải Phòng sẽ được chuyển trụ sở về số 6-8 phố Minh Khai cùng một số hội khác. Đồng thời, thu hồi trụ sở của các hội (hầu hết đều là các biệt thự cổ, văn phòng ở mặt tiền các phố trung tâm như Hội LHVHNT, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật đều ở phố Trần Hưng Đạo) để “thực hiện việc sắp xếp và xử lý tài sản theo quy định theo hướng ưu tiên sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ nhân dân. Trường hợp không thể sử dụng vào các mục đích công cộng sẽ bán đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố”.

Đáng chú ý, trụ sở Hội LHVHNT Hải Phòng hiện tại là một biệt thự Pháp xinh đẹp, từng gắn với nhiều tên tuổi nổi tiếng. Ở đấy còn bộ bàn ghế mà từ năm 1964 nhà văn Nguyên Hồng đã ngồi làm việc, nơi nhạc sĩ Văn Cao đã ngậm ngùi cảm xúc “Sinh ra tôi đã có Hải Phòng”, nơi nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng thao thức để rồi bật ra lời thơ đau đáu “Hải Phòng ơi đêm nay bỗng nhớ/Tiếng còi tàu sông Cấm chiều hôm”, nơi nhạc sĩ Trần Hoàn viết: “Anh lại đưa em về thăm thành phố Hoa phượng đỏ”. Tuy nhiên, nơi này cũng từng bị doanh nghiệp nhòm ngó hòng thôn tính cho một dự án 72 tầng, gồm cả chung cư, cạnh Nhà hát lớn Hải Phòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.