Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ 2022

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
30/01/2022 07:08 GMT+7

Với chủ đề “Xuân quê hương, ấm tình nhân ái”, Đường hoa Nguyễn Huệ tết Nhâm Dần 2022 ghi đậm dấu ấn về một “giai đoạn lịch sử” khó quên của TP.HCM đang từng bước hồi sinh sau khi là tâm dịch của cả nước.

Khác với các năm trước, linh vật cổng chào Đường hoa 2022 không nằm ở vị trí trung tâm mà được chuyển dời sang hai bên với hình tượng “Song hổ tương phùng” cao 3 m, dài gần 7 m, được tạo thành từ những lát thép, lát inox cắt gọt tinh tế. Trên Đường hoa còn tái hiện hình ảnh “chúa tể sơn lâm” cao 4,6 m, dài hơn 10 m với sự kết hợp hài hòa giữa kính cường lực, mica và rêu cỏ, tạo nên hiệu ứng thoắt ẩn thoắt hiện của hổ.

Hàng ngàn người tham quan đường hoa Nguyễn Huệ trong đêm mở cửa

Đường hoa năm nay sử dụng 12 màn hình led được bố trí trên các trụ cao khoảng 4 m, tạo thành vòng tròn diện tích khoảng 140 m2, bên trên là bông hoa lớn 4 màu được kết bởi các sợi dây đan dài 15 m chạy dọc theo hệ thống cáp và sợi cước. Cách đó chỉ vài bước chân, chú hổ đất mũm mĩm với nụ cười đáng yêu cao hơn 1,8 m sẽ là nơi đón nhận đóng góp, sẻ chia của người dân và du khách dành cho những hoàn cảnh khó khăn vì Covid-19. Dọc theo khu vực Đường hoa còn bố trí những tấm bảng với mã QR Code để sẵn sàng đón nhận sự sẻ chia của mọi người qua hệ thống ví điện tử.

Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 tại TP.HCM

BTC

Thực hiện khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ tết Nhâm Dần 2022 khuyến nghị khách thưởng ngoạn tuân thủ biện pháp 5K an toàn phòng chống dịch, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian tham quan Đường hoa và ở nơi công cộng.

Đường hoa Nguyễn Huệ tết 2022 được chia thành 3 phân đoạn, gồm: Về rừng sâu - Thiên nhiên tươi xanh, Xuân nghĩa tình - Tự hào Việt Nam Ra biển lớn - Nước non hội ngộ. Dài hơn 600 m, Đường hoa Nguyễn Huệ tết 2022 sử dụng nhiều chất liệu thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng như kim loại, xốp, mây, tre, nứa, gạch, lưới, dây đan… cùng khoảng 80 loại hoa, gần 97.000 chậu, giỏ hoa các loại. Đường hoa Nguyễn Huệ tết Nhâm Dần mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19 giờ ngày 29.1 đến 17 giờ ngày 4.2 (tức từ 27 tháng chạp âm lịch đến mùng 4 tết).

Sân khấu náo nức đón xuân

Sau 2 năm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, tết năm nay các sân khấu TP.HCM vui mừng khi được hoạt động trở lại.

Do không kịp thời gian dựng kịch tết nên nhiều đơn vị lấy vở cũ ra diễn lại. Nói là cũ chứ thực ra mới dựng năm rồi và chỉ diễn vài suất đã nghỉ dịch nên tính ra vẫn mới toanh. Chẳng hạn Bạch Hải Đường (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), Rồi mắc cái gì cười, Đẹp lắm nha (Sân khấu 5B), Ngược gió, Cuộc chiến sắc đẹp (Sân khấu Thế Giới Trẻ)... Một số vở cũ hơn nhưng từng ăn khách cũng được diễn lại như Sài Gòn có một ngã tư, Bao giờ sông cạn, Nửa đời ngơ ngác (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), Ngũ quý kỳ phùng, Cậu đồng (IDECAF), Người vợ ma, Ma nữ không chồng, Thân sâu hồn bướm (Sân khấu Phú Nhuận), Bao giờ mẹ lấy chồng, Lò võ tiếu lâm (Sân khấu Thế Giới Trẻ), Tía ơi con lấy chồng, Tin thì linh, không tin cũng linh (Sân khấu 5B).

Vở Ngôi nhà trên thuyền, Sân khấu Phú Nhuận

H.K

Đặc biệt, vài đơn vị dựng vở mới tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc thì sẵn đó lấy ra diễn, cũng có chút khí thế. Sân khấu Hồng Vân có Ngã rẽ, Ngôi nhà trên thuyền, Sân khấu Sen Việt có Mảnh vỡ, Chuyện làng và dựng thêm chương trình tổng hợp Nghệ sĩ mừng xuân. Sân khấu 5B dựng chùm hài kịch mới Sướng quá xuân…

Năm nay tuy không thấy vở hoành tráng kiểu như Nàng Xê Đa nhưng cải lương vẫn có nhiều tác phẩm cho khán giả thỏa mãn. Nhà hát Trần Hữu Trang có Đứa con họ Triệu, Tiếng trống Mê Linh, đoàn Vũ Luân có Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Dương Quý Phi (đều diễn tại nhà hát này). Nhóm Chí Linh - Vân Hà thì chọn Nhà hát TP.HCM diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Đoàn Huỳnh Long tái ngộ khán giả tại rạp Hồng Liên với vở Mạnh Lệ Quân. Và Sân khấu Sen Việt làm mới vở Nhật thựcđể diễn tại lầu 2 Hội Sân khấu TP.HCM.

Đường sách tết TP.HCM Xuân Nhâm Dần 2022 khai mạc chiều 29.1

Lễ hội Đường sách tết là hoạt động thường niên của TP.HCM, nhằm tạo không gian văn hóa, giải trí cho người dân thành phố và du khách đến du xuân, thưởng lãm trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, khai mạc chiều 29.1.

Phối cảnh khu vực cổng vào và giới thiệu các tựa sách hay về tết

BTC

Lễ hội Đường sách tết 2022 (từ ngày 29.1 đến 4.2 với chủ đề Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái) diễn ra trên các tuyến đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, trưng bày 50.000 tựa sách của các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu các chuyên đề: Trưng bày tư liệu, hình ảnh chuyên kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2022); Giới thiệu các tựa sách đạt giải thưởng sách Quốc gia giai đoạn 2017 - 2021 của các NXB thành phố; Trưng bày các ấn phẩm báo Xuân dưới dạng phiên bản điện tử để bạn đọc có trải nghiệm mới; Trưng bày, giới thiệu không gian sách nói - audio book,

Ngoài những xuất bản phẩm viết về đại dịch Covid-19, Lễ hội Đường sách tết sẽ trưng bày bộ tranh của họa sĩ Lê Sa Long Sài Gòn thời giãn cách gồm gần 40 bức tranh với chất liệu arcylic - pastel và màu nước, chỉ đơn giản là những tranh ghi lại nhịp sống của TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19; những hình ảnh của ATM Oxy, ATM thực phẩm…

Lễ hội Đường sách tết 2022 bố trí 9 cổng ra vào và 4 lối đi chung với Đường hoa để tạo thuận tiện cho khách tham quan và đảm bảo công tác kiểm soát phòng, chống dịch.

Đề xuất mở cửa du lịch ngay, không chờ đến 1.5

Bộ VH-TT-DL dự kiến mở cửa du lịch vào dịp 1.5. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia độc lập đều cho rằng có thể mở sớm hơn và mở ngay.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đọc báo cáo mở màn hội nghị bàn về Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và đề xuất phương án, lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế, do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 24.1 tại Hà Nội. Theo đó, nhìn lại thời gian thí điểm, cả nước chỉ có 9.500 khách. Cũng có những hạn chế như du khách mong muốn được tự do di chuyển và lựa chọn dịch vụ do cộng đồng dân cư địa phương cung cấp, ngay sau khi nhập cảnh và có kết quả xét nghiệm âm tính. Chương trình cũng chưa cho đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển. Trong khi đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua 2 hình thức này rất tiềm năng.

Hình ảnh quảng bá du lịch Huế

BẢO NHÂN

Ông Khánh cho biết, Bộ VH-TT-DL đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế thành 2 giai đoạn. Từ nay đến 30.4: tiếp tục chương trình thí điểm giai đoạn 2. Từ 1.5: mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, Bộ VH-TT-DL nên nghiên cứu đề xuất mở cửa chính thức và hoàn toàn trong lĩnh vực du lịch. “Dự thảo là ngày 1.5, nhưng chúng tôi mạnh dạn nếu mở thời điểm này thì đề xuất sớm hơn, khoảng 1.4 để có đủ thời gian 1 tháng chuẩn bị phục vụ kỳ nghỉ lễ cũng như hoạt động thể thao Đông Nam Á”, ông Quyền nói.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không, đề xuất: “Đề nghị chúng ta bắt đầu nhận khách từ 1.2. Nếu muốn có khách tháng 9 thì bây giờ phải công bố rồi. Như thế mới có khách châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, chứ không phải tuyên bố là vào ngay”. Ông cũng đề nghị chính sách visa cởi mở như năm 2019.

Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch, quy định hiện tại làm doanh nghiệp chết, người Việt Nam về nước cũng khó khăn. “Tôi đề nghị mở cửa du lịch quốc tế vào 1.3”, ông Kiên nói.

Chuyên gia độc lập về y tế, TS-BS Nguyễn Thu Anh cho rằng hiện tại mở cửa rất thuận lợi nhờ vắc xin phủ tốt. Theo bà Thu Anh: “Chúng ta hoàn toàn có thể mở cửa ngành du lịch không phải tháng 4, tháng 5 mà từ ngày hôm nay nếu chúng ta có thể đảm bảo an toàn”. Các biện pháp được đưa ra là thẻ vắc xin, xét nghiệm trước khi bay, bảo hiểm y tế của khách.

Trốn tìm thắng lớn, Mỹ Anh sở hữu chiếc cúp Làn sóng xanh đầu tiên

Chiếm 62% số phiếu, tân binh Mỹ Anh đã vượt qua Wren Evans, Hoàng Duyên, Juki San, và Kay Trần để mang về chiếc cúp Làn sóng xanh đầu tiên trên con đường ca hát của mình; trong khi đó Trốn tìm (Đen và MTV) thắng lớn ở 3 hạng mục.

Ban tổ chức Làn sóng xanh vừa công bố kết quả giải thưởng Làn sóng xanh lần thứ 24, năm 2021 sau thời gian làm việc của 200 thành viên hội đồng bình chọn.

Mỹ Anh đã vượt qua Wren Evans, Hoàng Duyên, Juki San, và Kay Trần để mang về chiếc cúp Làn sóng xanh đầu tiên

BRC

Kết quả, Bài hát hiện tượng là hạng mục so kè quyết liệt nhất khi 5 đề cử có tỉ lệ phiếu bầu rất sát sao, nhất là giữa Sài Gòn đau lòng quáTình bạn diệu kỳ. Cuối cùng, Tình bạn diệu kỳ với số phiếu chiếm 32,2% đã thắng giải.

Ở hạng mục Ca sĩ đột phá, 3 gương mặt đều có sự trở lại mạnh mẽ. Với số liệu lần lượt là 27,3% (Soobin), 29,4% (Vũ) và 43,4% (Văn Mai Hương), chiến thắng thuộc về gương mặt nữ duy nhất trong bảng là Văn Mai Hương. Năm 2021, Văn Mai Hương đã có những dấn ấn mạnh mẽ về cả âm nhạc lẫn độ ảnh hưởng. Bên cạnh Ca sĩ đột phá, Văn Mai Hương cũng là chủ nhân giải thưởng Nữ ca sĩ của năm, với số phiếu 35% đến từ Hội đồng bình chọn. Ngoài ra, ca khúc Hương cũng nằm trong Top 10 ca khúc được yêu thích. Lần gần nhất Văn Mai Hương đoạt giải Làn sóng xanh là năm 2012 với giải Top 10 ca sĩ được yêu thích nhất.

Với hạng mục Gương mặt mới xuất sắc, chiếm 62% số phiếu, tân binh Mỹ Anh đã vượt qua Wren Evans, Hoàng Duyên, Juki San, và Kay Trần để mang về chiếc cúp Làn sóng xanh đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình.

Hạng mục Hòa âm phối khí dành riêng cho Hội đồng chuyên môn (là các nhà sản xuất và các ca sĩ bình chọn) đã gọi tên nhà sản xuất SlimV cùng phần hòa âm phối khí cho phiên bản trình diễn đặc biệt của Soobin - E.P The Playah (người chiến thắng hạng mục này năm ngoái là Hoàng Touliver).

MV Trốn tìm (Đen ft MTV band) thắng lớn ở ba hạng mục: Top 10 ca khúc được yêu thích, Ca khúc của năm MV của năm. Đen đồng thời còn giành thêm giải Sự kết hợp xuất sắc (cùng với Justa Tee, Hứa Kim Tuyền, Xuân Ty) và Ca khúc được yêu thích trên radio với Đi về nhà cùng Justa Tee, Hứa Kim Tuyền. Anh cũng chiến thắng hạng mục quan trọng Nam ca sĩ của năm với tỷ lệ cao ngất ngưởng 73,4%. 2021 là một năm bội thu của Đen với sự thành công của nhiều sản phẩm xuyên suốt.

Hứa Kim Tuyền giành 7 chiếc cúp ở 4 hạng mục: Top 10 ca khúc được yêu thích (Sài Gòn đau lòng quá, Tình bạn diệu kỳ, Đi về nhà Hương), Bài hát hiện tượng (Tình bạn diệu kỳ), Sự kết hợp xuất sắc (Đi về nhà) và Ca khúc được yêu thích trên radio (Đi về nhà). Có thể xem đây là lần đầu tiên một nhạc sĩ gặt hái được nhiều thành tựu nhất tại Làn sóng xanh.

Sony Music mua quyền phát hành ca khúc của Bob Dylan

Ngày 24.1, Sony Music Entertainment cho biết đã mua quyền phát hành các bản nhạc ghi âm của Bob Dylan.

Thỏa thuận trên bao gồm màn trình diễn các bài hát nổi tiếng như Blowin 'in the Wind, Knockin' on Heaven's Door và quyền phát hành trong tương lai ca khúc mới của Bob Dylan.

Đây là hợp đồng mới nhất trong mối quan hệ kéo dài 6 thập kỷ của Sony Music với Bob Dylan bao gồm phát hành toàn bộ tác phẩm của danh ca Mỹ kể từ năm 1962. Các nguồn tin cho biết trị giá hợp đồng từ 150 đến 200 triệu USD. Cả Sony và đại diện của Bob Dylan đều không bình luận về các điều khoản thỏa thuận.

Danh ca Bob Dylan

REUTERS

Bob Dylan (80 tuổi) nằm trong nhóm các nghệ sĩ lão thành, bao gồm Neil Young, Stevie Nicks, Bruce Springsteen, Paul Simon... đã bán bản quyền các sáng tác của họ cho các nhà đầu tư đang tìm cách tận dụng cơ hội khi phát trực tuyến âm nhạc.

Trước mắt, Sony và Bob Dylan xác nhận sẽ hợp tác phát hành lại danh mục ca khúc từ năm 1991, bao gồm 14 bản nhạc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.