Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Đất di tích quốc gia Bạch Dinh bị sử dụng trái phép

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
01/11/2020 05:30 GMT+7

Đất di tích lịch sử văn hóa quốc gia Bạch Dinh (TP.Vũng Tàu) bị các hộ kinh doanh quán cà phê, quán nhậu sử dụng trái phép nhiều năm liền nhưng chưa bị thu hồi triệt để.

Di tích quốc gia bị xâm hại

Ngày 4.8.1992, Bạch Dinh được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hiện nay, Bạch Dinh là nơi trưng bày nhiều cổ vật của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và hàng ngàn cổ vật được vớt từ chiếc tàu đắm tại vùng biển Hòn Cau, Côn Đảo thế kỷ 17. Đây là một trong những di tích nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hằng năm thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Tuy nhiên năm 2011, đất vùng 2 của khu di tích Bạch Dinh được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký hợp đồng cho các hộ dân thuê mở quán cà phê giải khát. Để làm thành các quán cà phê giải khát, các hộ kinh doanh đã “xẻ núi” bê tông hóa đất di tích quốc gia.
Ngày 9.11.2016, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập Tổ thanh lý hợp đồng (thời gian hết hợp đồng là 31.10.2016), nhưng các hộ kinh doanh có đơn kiến nghị xem xét tái ký hoặc gia hạn hợp đồng. Bảo tàng tỉnh trả lời bằng văn bản, theo đó do thời hạn hợp đồng đã hết nên các hộ kinh doanh phải bàn giao mặt bằng trước ngày 20.11.2016. Tiếp đến tháng 4.2017, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra thông báo thu hồi mặt bằng và yêu cầu người dân phải bàn giao trước ngày 15.5.2017. Thế nhưng đến nay, các hộ kinh doanh vẫn không chịu trả mặt bằng.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết các quán cà phê, quán nhậu trên đất khu di tích Bạch Dinh kinh doanh nhiều năm nay đã hết thời hạn hợp đồng. Các hộ kinh doanh cũng không đóng tiền thuê mặt bằng từ khi hết hạn hợp đồng với bảo tàng tỉnh năm 2016. Ông Trung cho biết thêm vào tháng 5.2019, Thanh tra Sở VH-TT Bà Rịa-Vũng Tàu đã lập biên bản đối với các hộ kinh doanh về hành vi sử dụng trái phép đất di tích lịch sử văn hóa và ra quyết định xử phạt hành chính, buộc chấm dứt việc sử dụng trái phép này. Ngoài ra, Thanh tra Sở VH-TT còn phát hiện các hộ kinh doanh tự ý sang nhượng phần diện tích đất kinh doanh cà phê, vi phạm hợp đồng mà các hộ kinh doanh đã ký với bảo tàng tỉnh năm 2011. Cũng theo ông Trung, Thanh tra sở này đã thu hồi các giấy phép kinh doanh của quán cà phê, quán nhậu tại Khu di tích Bạch Dinh, thậm chí đề nghị cắt điện, nước nhưng đến nay các hộ kinh doanh vẫn hoạt động bình thường mà chưa bị cơ quan chức năng nào xử lý triệt để.

Nhạc sĩ Văn Ký của Bài ca hy vọng qua đời

Nhạc sĩ Văn Ký, một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đã từ trần ngày 26.10 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhạc sĩ Văn Ký

ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Di sản âm nhạc mà ông để lại có khoảng 400 tác phẩm gồm ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng… cho thấy sự đa dạng trong sáng tác và sức làm việc của người nhạc sĩ. Bài ca hy vọng có lẽ là ca khúc được nhắc đến nhiều nhất của Văn Ký, không chỉ bởi ý nghĩa của lời ca, vẻ đẹp của giai điệu mà còn bởi hành trình lịch sử đi cùng dân tộc, đất nước từ khi ra đời cách đây hơn 60 năm.
Những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Ký: Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình, Bài ca hy vọng, Trời Hà Nội xanh… Cùng với mảng ca khúc, nhạc sĩ Văn Ký sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc quy mô như nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô, ca kịch Nhật ký sông Thương, tổ khúc thiếu nhi cho piano, tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí. Ông còn viết nhạc cho các bộ phim truyện như Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, phim tài liệu Bác Hồ muôn vàn tình yêu
Nhạc sĩ Văn Ký được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt đầu tiên vào năm 2001 với 5 bài hát: Trời Hà Nội xanh, Bài ca hy vọng, Tây nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về; Huân chương Độc lập hạng ba (năm 1961), Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...

Ra mắt hai cuốn sách về Sài Gòn

Đó là 2 cuốn: Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề và Loanh quanh Sài Gòn (đều do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) của 2 tác giả Lê Văn Nghĩa và Lê Công Sơn.

Bìa 2 quyển sách về Sài Gòn

ẢNH: NXB TH TP.HCM

Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề dẫn đưa độc giả khám phá nhiều câu chuyện thú vị về đất Sài Gòn như Nhà văn ký vào sách đầu tiên cho độc giả; Hẻm văn nghệ sĩ ở Sài Gòn vào tiểu thuyết; Những cặp vợ chồng nhà văn; Ba nhà văn thân quen của Dưỡng trí viện Biên Hòa; Hai nhà văn nữ là chị em ruột; Cơm không lành canh không ngọt giữa Duyên Anh và Lê Hoàng Hoa; Bùi Giáng điên vì đâu; Nhà văn ứng cử dân biểu…
Là nhà văn trào phúng nổi tiếng nhưng lần này Lê Văn Nghĩa chuyển sang viết… khảo cứu. Ông phát hiện nhà văn đầu tiên ở Sài Gòn ký tặng sách cho độc giả không phải Duyên Anh mà là… Bình Nguyên Lộc! Tác giả “nói có sách, mách có chứng” bằng hàng loạt tư liệu quý. Tác giả Lê Văn Nghĩa lý giải chuyện một cư xá ở Sài Gòn từng được mệnh danh là “cái rốn của vũ trụ” như sau: “Sở dĩ cư xá (cư xá Chu Mạnh Trinh ở 215 Chi Lăng, Q.Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là đường Đoàn Thị Điểm, Q.Phú Nhuận) này nổi tiếng vì nhiều cư dân là văn nghệ sĩ “khủng”. Gia đình nghệ sĩ Năm Châu có lẽ đến sớm nhất từ năm 1957, rồi sau đó những nhà văn, nhạc sĩ cũng dần dần kéo về đây: “phù thủy âm nhạc” Phạm Duy, mẹ con ca sĩ Minh Trang - Quỳnh Giao, các nhạc sĩ: Hoàng Nguyên, Tuấn Khanh, Song Ngọc, Anh Tài (Tài ngò), nhà báo Hồng Tiêu - nhà văn Bà Tùng Long, nhà văn Vũ Mộng Long, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc…
Cũng có xuất phát điểm là nhà báo như Lê Văn Nghĩa, Lê Công Sơn lại có góc nhìn khác về Sài Gòn. Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách mà Lê Công Sơn ấp ủ gần 30 năm qua, ngay từ khi bước chân vào nghề báo, để thể hiện lòng yêu thương và sự tri ân thành phố này. Là nhà báo chuyên viết mảng văn hóa, Lê Công Sơn với lối viết nhẹ nhàng, như một người kể chuyện dẫn người đọc quay về quá vãng, “loanh quanh” dạo bước giữa Sài Gòn xưa. Anh giúp người đọc nhìn lại lịch sử Sài Gòn không bằng những con số, những sự kiện khô khan mà lồng vào câu chuyện về những dinh thự, kiến trúc, hiền nhân Sài Gòn những thông tin thú vị, như các trang về Thành Gia Định, Thảo Cầm Viên Sài Gòn tròn 150 năm tuổi, ngôi trường Quốc vương Campuchia từng học tại Việt Nam, bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ, chuyện hậu trường trùng tu nhà thờ Đức Bà...
400 trang của Loanh quanh Sài Gòn gồm 4 phần chính: Miền ký ức - di tích và kiến trúc cổ Sài Gòn; Chốn tâm linh - đình chùa, lăng mộ, nhà thờ cổ; Chuyện người Sài Gòn - kể về những nhân vật như chú Hỏa, cụ Vương Hồng Sển, cô Năm Sa Đéc…; Di sản và báu vật - các cổ vật quý hiếm, bảo tồn di tích. Không chỉ dành cảm xúc, tình cảm cho mảnh đất Sài Gòn, Lê Công Sơn - với tư cách một nhà báo - còn có những kiến nghị, “hiến kế” việc bảo tồn nhiều di tích qua các bài viết như Metro… né di tích, Khi di tích chống gậy, Bàn cách “đánh thức” di sản, Hiến kế bảo tồn Dinh Thượng Thơ…

Nhà sản xuất xin lỗi vụ admin Cậu Vàng Movie mắng fan "nghèo hèn ngu dốt"

Đạo diễn Trần Vũ Thủy viết thư xin lỗi công chúng sau khi admin trang Cậu Vàng Movie lên tiếng phản bác, mạt sát khán giả khi bày tỏ ý kiến trái chiều về tác phẩm điện ảnh chuyển thể Cậu Vàng.

Hình ảnh cậu Vàng trong phim gây tranh cãi vì khán giả cho là giống chó lai, không sát bản gốc

ẢNH: ĐPCC

Phim điện ảnh Cậu Vàng dựa trên tác phẩm văn học Lão Hạc của nhà văn Nam Cao vừa trình làng những hình ảnh đầu tiên khiến người hâm mộ thích thú. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, tác phẩm cũng nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Đáng chú ý, đa số ý kiến cho rằng nhà sản xuất không tôn trọng bản gốc khi để nhân vật chính là chú chó giống ngoại thay vì giống chó đặc trưng của Việt Nam. Ngoài ra, ngoại hình khá mập mạp, đáng yêu của cậu Vàng, khác xa hình ảnh đói khổ, gầy guộc trong bản chính cũng bị khán giả đề cập. Đồng thời, nhiều người còn kêu gọi tẩy chay bộ phim vì làm sai lệch truyện ngắn của nhà văn Nam Cao.
Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện trở nên cao trào khi admin (quản lý) fanpage Cậu Vàng Movie lên tiếng đáp trả gây sốc dư luận khi thẳng thừng gọi một tài khoản là “nghèo hèn ngu dốt” lúc tranh cãi trong một bài đăng.
Trước làn sóng phản đối gay gắt từ dư luận vì hành vi của admin, đại diện ban quản trị cho biết đã gỡ bỏ quyền quản lý trang của admin cũ và gửi lời xin lỗi chủ tài khoản bị người này mắng. Song song đó, đại diện cho đơn vị sản xuất - đạo diễn Trần Vũ Thủy cũng gửi thư xin lỗi đến công chúng. Bên cạnh đó, ông Trần Vũ Thủy cũng khẳng định mọi chuyện xảy ra là ngoài ý muốn, không hề nằm trong kế hoạch “truyền thông bẩn” nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Đạo diễn Cậu Vàng thừa nhận thiếu sót trong khâu quản lý và bày tỏ tiếc nuối khi sự việc trở nên lùm xùm trước thời điểm phim ra rạp.
Theo tiết lộ của nhà sản xuất, kịch bản phim Cậu Vàng do chính cố NSND Bùi Cường, người được biết đến với vai diễn Chí Phèo trong bộ phim kinh điển Làng Vũ Đại ngày ấy, chấp bút trước khi qua đời nhằm tưởng nhớ, tri ân cố nhà văn Nam Cao. Phim quy tụ hàng loạt diễn viên nổi tiếng như: Viết Liên, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Chiều Xuân, Khánh Huyền, Băng Di, Will, Trần Lê Nam, Trần Doãn Hoàng…

Như chưa hề có cuộc chia ly trở lại trên nền tảng trực tuyến

Vào tháng 6.2020, sau khi hoạt động thiện nguyện Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) thông báo dừng vì hết nguồn kinh phí thực hiện, cộng đồng người quan tâm đã chung tay giữ lại NCHCCCL (trong đó ca sĩ Hà Anh Tuấn và những người bạn đã ủng hộ 3 tỉ đồng).

NCHCCCL gây xúc động cho người trong cuộc lẫn khán giả

ẢNH: Ê KÍP CUNG CẤP

Đến nay, NCHCCCL chính thức trở lại vào 20 giờ thứ hai đầu tháng, bắt đầu từ ngày 2.11 và đặc biệt chương trình không còn phát sóng trực tiếp trên VTV như suốt 13 năm qua mà phát trực tiếp trên ứng dụng, fanpage, kênh YouTube chính thức của NCHCCCL. Ê kíp thực hiện cho biết sẽ mở rộng các kênh tiếp sóng bằng cách chia sẻ nội dung với các đài truyền hình, các hệ thống mạng xã hội, giúp khán giả có thể theo dõi NCHCCCL trong giai đoạn mới trên nhiều nền tảng khác nhau.
“Bằng mọi nỗ lực, chúng tôi mong NCHCCCL có nhiều cơ hội lan tỏa tinh thần nhân văn thông qua các câu chuyện chia ly - đoàn tụ. NCHCCCL số 135 là số đầu tiên chúng tôi thực hiện mà không có logo của nhà tài trợ nào. Tất cả được vận hành bởi chính những nguồn lực mà cộng đồng mang lại trong thời gian qua. Việc thay đổi kênh phát sóng cũng là một việc chúng tôi buộc phải làm để thích nghi với giai đoạn mới”, nhà báo Thu Uyên - nhà sáng lập NCHCCCL, chia sẻ.

Hà Anh Tuấn trồng rừng giúp cải thiện môi trường

Rừng Việt Nam là một dự án cộng đồng mà ca sĩ Hà Anh Tuấn vừa tiến hành thực hiện với nguồn kinh phí hoạt động được chủ động tự nguyện trích ra từ những sản phẩm và hoạt động nghệ thuật của anh.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn (trái) tham gia trồng cây gây rừng

ẢNH: NSCC

Sau thời gian tích cực triển khai hợp tác cùng với các địa phương, Hà Anh Tuấn thông tin đã khởi trồng xong 2 cánh rừng đầu tiên. Đó là cánh rừng thứ nhất tại tiểu khu 227A, xã Lát, H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với 1.500 cây mai anh đào được trồng từ ngày 8.8 và hỗ trợ chăm sóc toàn bộ cây thông ba lá đang tái sinh tự nhiên trên diện tích 23.000 m2; Cánh rừng thứ hai tại tiểu khu 64, bán đảo Sơn Trà, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng vừa được trồng vào ngày 23.10 với 305 cây gồm các loại cây bản địa như cây sao đen, cây dầu rái, cây chò đen trên diện tích 2.500 m2.
Nam ca sĩ cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với địa phương trong việc theo dõi, chăm sóc và bổ sung kịp thời các nguồn lực nhằm phát triển bền vững các khu rừng nhỏ này. Dự án Rừng Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đến với những địa phương khác nhằm góp phần cải thiện môi trường và giảm thiểu thiên tai.

“James Bond” Sean Connery qua đời

Tài tử Sean Connery, người đầu tiên đóng điệp viên James Bond, qua đời vào ngày 31.10, thọ 90 tuổi. Tài tử Scotland là người đầu tiên đóng nhân vật điệp viên 007 trên màn ảnh, từ năm 1962 đến 1983.

Tài tử huyền thoại Sean Connery qua đời ở tuổi 90

ẢNH: THE TIMES

Ông đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh lớn như Oscar, Quả Cầu Vàng, BAFTA... Tờ The Sunday Herald từng vinh danh ông là "người Scotland vĩ đại nhất". Ông cũng đoạt danh hiệu "người đàn ông quyến rũ nhất" năm 1989 của tạp chí People.
Sean Connery đã bảy lần thủ vai điệp viên 007 trên màn ảnh từ năm 1962 tới 1983 với Dr. No, From Russia with Love, Goldfinger, Thunderball, You Only Live Twice, Diamonds Are Forever Never Say Never Again. Tên tuổi Sean Connery còn gắn liền với thành công của các bộ phim Murder on the Orient Express (1974), Highlander (1986), Indiana Jones and the Last Crusade (1989), The Hunt for Red October (1990), The Rock (1996)...
Tờ The Guardian (Anh) hôm 10.8 từng đăng tin Sean Connery được khán giả bình chọn vào vai James Bond hay nhất trong cuộc thăm dò của tạp chí Radio Times (Anh).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.