Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Chùa Hương bất ngờ mở cửa sớm hơn dự kiến

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
13/02/2022 07:00 GMT+7

Chính quyền địa phương đề xuất cho mở cửa chùa Hương vào ngày 16.2 và được đồng ý. Tuy nhiên, sáng 11.2, khu di tích danh thắng này bất ngờ bán vé, đón khách.

Sáng 11.2, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, H.Mỹ Đức, Hà Nội), cho biết chùa Hương đã chính thức mở cửa đón khách sớm hơn dự kiến (dự kiến mở vào 16.2 âm lịch).

Lý giải việc mở cửa sớm hơn dự kiến, ông Hiển cho rằng không muốn bất cứ đoàn khách nào đến chùa Hương phải ngậm ngùi quay về. Chính vì vậy, các tiểu ban đã ra quân từ 5 giờ ngày 11.2 để hướng dẫn người dân, tiếp đón du khách đến với chùa Hương.

“Trước đó, nhiều đoàn khách đến phải ra về. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo, lên các phương án và ra quân từ 5 giờ sáng nay để đón khách. Hôm nay thời tiết đẹp, nhưng khách không đông, chỉ khoảng 2.000 khách. Dự kiến phải ngoài 16.2, lượng khách mới đông”, ông Hiển nói.

Thuyền chở khách trên suối Yến, tham quan Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn sáng 11.2

TRẦN CƯỜNG

Ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Đức, cho biết chùa Hương mở cửa sớm hơn dự kiến khiến người dân địa phương vô cùng phấn khởi, và là niềm mong muốn từ nhiều ngày nay. Mọi người đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón khách. Đã có khoảng 4.000 chiếc đò sẵn sàng phục vụ du khách.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn phải đóng cửa để phòng dịch.

Huyện ủy Mỹ Đức sau đó đã có tờ trình đề xuất mở cửa, tổ chức đón khách về tham quan chùa Hương trong điều kiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".

Nội dung tờ trình nêu rõ, ở thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và H.Mỹ Đức đã cơ bản được khống chế. Trong khi đó, nguyện vọng của nhân dân xã Hương Sơn, du khách thập phương và ý kiến của trụ trì chùa Hương mong muốn được mở cửa, đón khách tham quan, chiêm bái lễ Phật đầu năm tại khu di tích. Thời gian mở cửa, tổ chức đón du khách đến với chùa Hương được H.Mỹ Đức đề xuất là ngày 16.2.

Đến ngày 8.2 vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã đồng ý về việc cho mở cửa đón khách nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đúng hướng dẫn của T.Ư và thành phố.

Lãnh đạo, người dân Thừa Thiên - Huế dự lễ hội đền Huyền Trân

Trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ hội đền Huyền Trân mở đầu cho chuỗi các hoạt động, sự kiện của Festival bốn mùa năm 2022 tại Huế.

Sáng 9.2, lãnh đạo và nhiều người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trang phục áo dài truyền thống và khẩu trang nghiêm ngặt đã có mặt để khai mạc lễ hội đền Huyền Trân tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP.Huế).

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trang phục áo dài và khẩu trang tham dự lễ hội

T.M

Lễ hội năm nay diễn ra trong 2 ngày 8 và 9.2 (nhằm ngày 8 - 9 tháng giêng âm lịch). Lễ khai mạc được tổ chức trọng thể theo nghi thức truyền thống trong sáng nay 9.2, với sự có mặt của ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế; ông Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh... cùng đông đảo người dân và du khách.

Các cán bộ lãnh đạo tham dự buổi lễ cùng nhiều người dân, du khách tham dự lễ hội đều mặc áo dài truyền thống và đeo khẩu trang nghiêm túc.

Lễ khai hội được mở đầu bằng chương trình biểu diễn nghệ thuật sử thi đặc sắc, tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của công chúa Huyền Trân, con gái của vua Trần Nhân Tông, người đã hy sinh tình riêng để gây dựng nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân.

Công chúa Huyền Trân là nhân vật lịch sử với hiếu nghĩa vẹn toàn, kiên cường mà lại hiếu hòa, sống tận lực vì nước, được nhân dân kính ngưỡng, thác hiển linh phò trợ giúp dân nên được người dân Thuận Hóa từ lâu dựng đền để thờ phụng, ghi nhớ công lao.

Theo ban tổ chức, lễ hội đền Huyền Trân xuân Nhâm Dần 2022 không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn là nơi để mọi người tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi, cầu mong cho mọi sự tốt lành đến với mọi người trong năm mới.

Sau lễ khai mạc và nghi thức đánh trống khai hội, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng người dân địa phương đã dâng hương tưởng niệm, tri ân đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.

Vĩnh biệt NSƯT Tiến Hợi, người ghi dấu ấn với những vai diễn Bác Hồ

NSƯT Tiến Hợi, người đã hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong những vở diễn kịch nói, phim truyền hình, phim điện ảnh trong sự nghiệp hơn 30 năm diễn xuất của mình, đã qua đời vào lúc 4 giờ ngày 10.2 tại Hà Nội sau thời gian điều trị bệnh.

Không chỉ ghi dấu ấn với những vai diễn Bác Hồ trên sân khấu, trên màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ, NSƯT Tiến Hợi đã hàng trăm lần vào vai Bác Hồ trong những chương trình kỷ niệm, lễ hội…

NSƯT Tiến Hợi vai Nguyễn Tất Thành trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn

T.L

NSƯT Tiến Hợi, tên thật là Nguyễn Văn Hợi, sinh năm 1959, công tác tại đoàn 2 - Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1988.

Năm 1987, NSƯT Tiến Hợi lần đầu tiên thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vai diễn trong vở kịch Đêm trắng (tác giả Lưu Quang Hà; đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) với sự tham gia của đoàn nghệ thuật Trường Sơn quân khu 2.

Hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Hợi được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ thành công từ hình ảnh gương mặt đến giọng nói, để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.

Năm 2013, sách Kỷ lục Guinness của Việt Nam đã xác nhận NSƯT Tiến Hợi là "nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ qua nhiều thể loại nhất".

Trong sự nghiệp diễn xuất, ông đã tham gia vào nhiều vở kịch của nhà hát Kịch Hà Nội: Xin lĩnh án tử hình, Vùng lạnh, chùm hài Oái oăm Đời, Sám hối, Vòng đời, Vị thánh trong mơ, Những người con Hà Nội…

Những bộ phim điện ảnh, truyền hình có sự góp mặt của ông có thể kể đến: Nội - mùa đông 46, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hoa ban trắng, Hoa ban đỏ, Dãy bàn 4 người, Cảnh sát hình sự, Người phán xử, Bi kịch chưa đặt tên…

NSƯT Tiến Hợi đã nhận Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 với vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Xin lĩnh án tử hình. Ngoài ra, ông cũng nhận Huy chương bạc với vai ông Sinh trong vở Vùng lạnh tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc năm 2018.

Bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo, công nhận hai bảo vật quốc gia

Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (An Giang) đã được Thủ tướng ra quyết định bảo tồn, đồng thời công nhận hai bảo vật quốc gia.

Ngày 10.2, tại Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo (H.Thoại Sơn), UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê và quyết định của Thủ tướng về việc công nhận hai bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá được trưng bày tại lễ công bố

TRẦN NGỌC

Theo quyết định của Thủ tướng khu quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích quy hoạch là 433,2 ha nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã phát lộ của di tích. Đồng thời, nghiên cứu, khảo sát di tích trong mối liên hệ với các di tích, di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa, văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của tỉnh An Giang.

Qua nhiều năm khai quật tại khu di tích, các nhà khoa học thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị, trong đó tỉnh An Giang đã chọn lựa, đề nghị và được Thủ tướng công nhận hai bảo vật quốc gia gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, niên đại thế kỷ thứ III-IV trước Công Nguyên và Nhẫn Nandin Giồng Cát, niên đại thế kỷ V trước Công Nguyên. Cả hai bảo vật quốc gia này hiện được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo.

Cũng tại buổi lễ, tỉnh An Giang giới thiệu 2 quyển sách: Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông của Louis Malleret và Na Phật Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam do PGS.TS Đặng Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng TP.HCM làm chủ biên. Đây là những tài liệu quý giá, tạo tiền đề cho nhiều nghiên cứu về sau.

Hà Nội cho phép mở lại rạp chiếu phim từ 10.2

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản về việc thực hiện Kết luận của Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 7.2. Đáng chú ý, Ban cán sự Thành ủy yêu cầu Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng chỉ đạo cho phép rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hoá nghệ thuật mở cửa đón khách trở lại từ ngày 10.2.

Hà Nội mở lại rạp chiếu phim từ ngày 10.2

T.N

Bên cạnh đó, triển khai phục vụ các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân tại khu di tích - thắng cảnh chùa Hương trước rằm tháng giêng cũng như các điểm tham quan, di tích văn hóa lịch sử khác trên địa bàn thành phố (không tổ chức lễ hội) phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Ngoài ra, nội dung Kết luận cũng nêu rõ các phó chủ tịch UBND TP căn cứ lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, chỉ đạo các đơn vị quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2022...

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, qua đời

Theo thông tin từ gia đình, tác giả của ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, đã qua đời lúc 9 giờ 7 phút ngày 11.2, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936, tại xã Thanh Văn, H.Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ông nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống cách mạng và kết hợp giữa âm nhạc dân gian và hiện đại. Những ca khúc được biết đến nhiều nhất của ông có thể kể đến: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn, Lời ca gửi Noọng, Suối Mường Hum còn chảy mãi…

Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của âm nhạc cách mạng Việt Nam, được viết khi ông mới 23 tuổi.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ chia sẻ, ông viết ca khúc này khi chưa một lần đặt chân đến Cao Bằng, Pác Bó, mà với những cảm xúc dạt dào từ tình cảm lớn dành cho Bác Hồ. Ca khúc đi vào lòng người không chỉ với những lời ca mà còn từ âm nhạc được ông đưa vào chất liệu dân ca Tày, Nùng.

Tiếng hát giữa rừng Pác Bó được NSND Quốc Hương thu âm lần đầu tiên vào năm 1959 tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác (19.5.1959). Sau này, nhiều nghệ sĩ khác đã thể hiện thành công ca khúc, như NSND Lê Dung, NSƯT Bích Liên, NSƯT Vi Hoa, NSND Thanh Huyền, NSƯT Tuyết Thanh…

Ca khúc Xa khơi được ông bắt đầu viết từ năm 1961. Với ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được đánh giá là người phát triển ví, dặm xứ Nghệ. Hàng chục năm qua, Xa khơi không chỉ được biểu diễn trên nhiều sân khấu nghệ thuật mà còn là ca khúc dùng làm bài thi trong những trường âm nhạc chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật đợt 1 (2001), Huân chương Lao động hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam…

Phim The Power of the Dog nhận 12 đề cử tại giải Oscar 2022

Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) vừa công bố danh sách đề cử Oscar 2022 chính thức. Phim The Power of the Dog của đạo diễn Jane Campion nhận tổng cộng 12 đề cử, “càn quét” các hạng mục lớn bao gồm Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc (cho Jane Campion), Nam diễn viên chính xuất sắc (tài tử Benedict Cumberbatch), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (minh tinh Kirsten Dunst) và Nam diễn viên phụ xuất sắc (cho Jesse Plemons và Kodi Smit-McPhee).

Phim trực tuyến The Power of the Dog nhận tổng cộng 12 đề cử tại mùa giải Oscar lần thứ 94

NETFLIX

Bom tấn Dune của nhà làm phim Denis Villeneuve theo sau với tổng cộng 10 đề cử, bao gồm đề cử Phim xuất sắc nhưng trượt các đề cử quan trọng khác là Đạo diễn xuất sắc và các hạng mục về diễn xuất.

Hai phim Belfast của đạo diễn Kenneth Branagh và West Side Story của nhà làm phim Steven Spielberg cùng nhận 7 đề cử, bao gồm Phim xuất sắc. Hạng mục này năm nay đồng thời cũng gọi tên tác phẩm không nói tiếng Anh là Drive My Car của nhà làm phim người Nhật Ryûsuke Hamaguchi. Phim Drive My Car là phim châu Á duy nhất trong hạng mục Phim xuất sắc, tranh giải với 9 phim còn lại mà đa phần là các phim Mỹ.

Phim châu Á năm nay có Drive My Car gây chú ý tại giải Oscar 2022. Không quá bất ngờ với 4 đề cử mà tác phẩm của nhà làm phim Ryûsuke Hamaguchi nhận được, bao gồm Đạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Tác phẩm với thời lượng gần 3 tiếng này được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Haruki Murakami trong tập truyện Những người đàn ông không có đàn bà. Phim A Hero của nhà làm phim Iran Asghar Farhadi bất ngờ không được gọi tên tại đề cử Phim quốc tế xuất sắc. Cũng ở hạng mục này, phim Lunana: A Yak in the Classroom đến từ Bhutan do Pawo Choyning Dorji chỉ đạo được gọi tên.

Lễ trao giải Oscar 2022 dự kiến diễn ra ngày 27.3 tại Nhà hát Dolby, Los Angeles (Mỹ) và được phát sóng trên kênh ABC. Hiện ban tổ chức chưa công bố người dẫn chương trình chính thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.