Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Cần linh hoạt để luật Điện ảnh thực thi được

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
17/10/2021 06:30 GMT+7

Đó là nội dung được các đại biểu nhắc tới trong tọa đàm về luật Điện ảnh sửa đổi đối với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam diễn ra chiều 15.10.

Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân và Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông phối hợp tổ chức. TS Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, đưa ra mô hình nhiều nghề phụ trợ cho công nghiệp điện ảnh. Và ở đó, theo ông, rất cần việc cụ thể hóa dịch vụ điện ảnh nào cần xin phép, dịch vụ nào không.

TS Đồng cũng cho rằng công nghiệp điện ảnh đang phát triển kiểu “kim tự tháp ngược”, nghĩa là nhà nước đang thiếu chính sách thúc đẩy “nền móng” - hệ sinh thái dịch vụ phim cũng như hệ sinh thái sáng tạo nội dung. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, nhận định sự phát triển của các công nghiệp phụ trợ này ngày càng mạnh và điều đó cũng thể hiện rõ trong các phim.

Đoàn làm phim bom tấn Kong: Skull Island (Mỹ) đến Quảng Bình để thực hiện các cảnh quay tại Việt Nam hồi năm 2016

T.Q.NAM

Bà Phương Thảo (Thảo Lê Entertainment) thì cho biết đơn vị của bà đã hoạt động 25 năm ở Việt Nam, đưa nhiều chương trình truyền hình và phim nước ngoài về trong nước. “Chúng ta chỉ là đơn vị riêng lẻ trong thế giới mà các nước khác đã liên kết thành tổng thể”, bà Thảo nói sau khi chia sẻ về việc nhiều đoàn phim nước ngoài do giấy phép làm lâu mà khó vào Việt Nam.

TS Nguyễn Quang Đồng cũng nêu ra nhiều vấn đề đang tồn tại trong quy định của luật Điện ảnh. Chẳng hạn, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ phim cho nước ngoài, không nhất thiết yêu cầu doanh nghiệp tham gia phải có kịch bản phim bằng tiếng Việt; việc yêu cầu doanh nghiệp đóng quỹ phát triển điện ảnh cũng nên cân nhắc. Ông cũng đề nghị xem lại quy định tỷ lệ phim Việt Nam trên các nền tảng truyền hình nước ngoài…

Trong khi đó, ông Fraser Thompson (Công ty Alpha Beta từ Singapore) lại dành nhiều thời lượng để nói về truyền hình trực tuyến theo yêu cầu (VOD). Theo ông, đây là một phần vô cùng quan trọng của kinh tế sáng tạo trong tương lai. Khả năng phát triển dịch vụ này ở Việt Nam cũng rất lớn. Chính vì thế, ông Thompson đưa ra một số đề xuất để phát triển dịch vụ này. Chẳng hạn, cần phát triển các giải pháp tự phân loại theo tiêu chí phân loại được chuẩn hóa nói chung, bởi nó phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới.

Ông Fraser Thompson cho biết Singapore bỏ khâu kiểm duyệt phim, chuyển sang phân loại phim. Họ có cho cơ chế tự phân loại với sản phẩm VOD, qua đó, nhà sản xuất tự phân loại, giảm thiểu gánh nặng của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cũng cho biết việc sửa đổi luật Điện ảnh hướng tới việc tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành vừa là ngành sáng tạo, vừa là kinh tế, đồng thời nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân.

“Giải” hai câu Nôm bí hiểm trên tranh đấu giá tại Pháp của nhà văn Nhất Linh

Tin vui là hai hàng chữ Nôm “bí hiểm” lâu nay trên bức tranh khắc gỗ hiếm hoi của nhà văn Nhất Linh đã được 'giải mã" xong, khiến giới mỹ thuật thở phào nhẹ nhõm. Tác phẩm vừa đấu giá thành công ngày 30.9 ở mức khoảng 270 triệu đồng

Tham dự phiên đấu giá Peintres & Arts du Vietnam của nhà Aguttes tại Pháp, bức tranh khắc gỗ của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) được gõ búa 8.000 euro, thêm 29% phí và thuế thì giá thành tương đương khoảng 270 triệu đồng. Đây cũng là bức khắc gỗ khá hiếm hoi của ông chủ bút tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay...rất nổi tiếng với văn chương.

"Bức tranh này có lẽ được vẽ khi Nguyễn Tường Tam còn học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, nghĩa là khoảng 1925-1926", nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định

T.L

Điều đặc biệt bức tranh nổi tiếng của Nhất Linh (có mấy chữ "Nguyễn Tường Tam ấn" - chữ Nguyễn ở góc trên phải) đã từng triển lãm ở Pháp năm 1931. Tranh có hai dòng chữ Nôm bên phải nhưng trước nay chưa thấy ai đọc được.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết: "Bức tranh này có lẽ được vẽ khi Nguyễn Tường Tam còn học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, nghĩa là khoảng 1925 - 1926. Trên tranh, bên góc dưới phía trái có hai triện và dòng chữ ký bằng tiếng Hán. Triện chữ nhật màu đen, “大南高等美術學堂” (Đại Nam Cao đẳng Mỹ thuật học đường), là triện của trường Mỹ thuật Đông Dương. Dưới triện đen là triện đỏ hình vuông, có 4 chữ, anh Phạm Hoàng Quân đọc được là “阮祥三印” (Nguyễn Tường Tam ấn).

Theo ông Khôi: “Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân lý giải, cạnh bên triện là hàng chữ “南民畫意” (Nam dân họa ý/Bức vẽ người dân Nam); thêm một hàng chữ rất nhỏ khó nhận rõ nét, có thể đoán là “第五之百本” (Đệ ngũ chi bách bản/ Bức thứ 5 trong 100 bức). Xin ghi chú thêm, do anh Phạm Hoàng Quân không có ảnh chụp chi tiết mà chỉ có ảnh chụp toàn thể bức tranh nên không đọc rõ. Thật ra phải là “第三之百本” (Đệ tam chi bách bản/ Bức thứ 3 trong 100 bức)…"

Điều vui nhất là hai câu Nôm bí hiểm ghi trên tranh đấu giá tại Pháp của nhà văn Nhất Linh sau khi nhà nghiên cứu Hoàng Dũng nêu ra trên mạng xã hội đã được anh Lâm Hán Thành và Lam Điền đã đọc ra. Đó là bốn câu lục bát: "Việc chi mưa Sở gió Tần/Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng/Trăm năm cho vẹn chữ tòng/Lòng nào lòng nỡ phụ lòng ấy vay".

Nhóm rap báng bổ Phật giáo bị xử phạt 45 triệu đồng

Ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, cho biết vừa ký quyết định xử phạt nhóm R.N.L 45 triệu đồng. Quyết định xử phạt được đưa ra sau khi nhóm R.N.L lưu hành sản phẩm “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo”.

Theo Nghị định 38/2021/NĐ - CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mức xử phạt với nhóm rap này là 45 triệu đồng, bên cạnh đó là yêu cầu buộc tiêu hủy bản ghi âm.

Trước đó chiều 7.10, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục Nghệ thuật biển diễn, cho biết Cục này đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xem xét, xử lý vi phạm của những rapper đã phát hành những sản phẩm có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, vi phạm pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Cục NTBD cũng đề nghị Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) xem xét xử lý với những kênh đăng tải những sản phẩm vi phạm trên, trong đó có việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm.

Nhiều tuần trước, cộng đồng mạng giận dữ trước video nhạc rap mang tên T.C.M.C được lan truyền trên mạng xã hội. Clip này được thực hiện bởi một số thành viên nhóm R.N.L, đăng tải trên kênh N.H.H.Đ.Đ từ tháng 6, có nội dung báng bổ Phật giáo. Cùng với video nhạc rap T.C.M.C của nhóm R.N.L, cộng đồng mạng còn lên tiếng về 1 ca khúc ca khúc khác chứa ngôn từ dung tục, cổ súy loạn luân do rapper C.C thực hiện.

Ông Phạm Cao Thái cho hay Thanh tra Bộ đang tiếp tục làm việc, xem xét, xử lý với sản phẩm vi phạm.

Đà Nẵng dốc sức trùng tu, tôn tạo di tích

Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn TP.Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 do UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành đã dành kinh phí hơn 800 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn (tăng hơn 3 lần so với giai đoạn 2016 - 2020).

Trong 5 năm qua, TP.Đà Nẵng đã tập trung đầu tư cho công tác bảo tồn, trùng tu các di tích trên địa bàn với nguồn kinh phí hơn 250 tỉ đồng dành để trùng tu 35 di tích. Giai đoạn này, lần đầu tiên TP.Đà Nẵng được công nhận đến 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (thành Điện Hải và danh thắng Ngũ Hành Sơn), 1 di tích quốc gia (di tích Hải Vân quan) và 14 di tích cấp TP.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.Đà Nẵng đầu tư 500 tỉ đồng cho dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn

HOÀNG SƠN

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh, công tác kiểm kê, xếp hạng chưa kịp thời dẫn đến tình trạng khi di tích có giá trị bị xâm hại được cộng đồng lên tiếng thì chính quyền địa phương mới vào cuộc để đề nghị xây dựng hồ sơ di tích. Bên cạnh đó, khâu khảo sát, đo đạc, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc di tích triển khai còn chậm, chưa theo kịp thực tế phát sinh cũng làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và bảo vệ di tích; công tác lập quy hoạch di tích còn chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa khiến nhiều di tích, công trình có giá trị bị hủy hoại hoặc mất đi yếu tố nguyên gốc...

Vì vậy, để phát huy các di sản văn hóa nổi bật được quốc tế, quốc gia công nhận và bảo tồn các di sản mang tính đặc trưng, UBND TP.Đà Nẵng quyết định chi hơn 800 tỉ đồng cho công tác trùng tu, tôn tạo 11 di tích và cụm di tích trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó tập trung vốn cho những dự án đang triển khai như tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải giai đoạn 2 (dành 84 tỉ đồng); tu bổ, tôn tạo các nhà cổ (50 tỉ đồng); đầu tư một số di tích xuống cấp (100 tỉ đồng); bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích đồi Trung Sơn (20 tỉ đồng)... Đáng chú ý, giai đoạn này TP.Đà Nẵng cũng triển khai dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn với tổng kinh phí lên đến 500 tỉ đồng.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM dần mở cửa trở lại ra sao từ tháng 10?

TP.HCM cho phép các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mở cửa dần trở lại với điều kiện đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch từ ngày 1.10.

Theo NSƯT Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, TP.HCM vừa trải qua cao điểm chống dịch bệnh với nhiều khó khăn, vất vả, mất mát. Việc thành phố từng bước kiểm soát được dịch bệnh, người dân dần thích nghi với cuộc sống bình thường mới một cách an toàn là tín hiệu rất tích cực.

NSƯT Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM: "Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được hoạt động trở lại với những quy định chặt chẽ là cách chúng ta thích ứng một cách thận trọng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường"

T.L

Bà cho rằng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và các lĩnh vực khác được hoạt động trở lại với những quy định chặt chẽ là cách chúng ta thích ứng một cách thận trọng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, đồng thời cũng tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ nói riêng và người dân thành phố nói chung tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần, tiếp tục sáng tạo các giá trị nghệ thuật và lan tỏa những yếu tố tích cực trong toàn xã hội.

Trong thời gian này, cùng với các hoạt động sản xuất game show, phim ảnh… đang được ráo riết chuẩn bị khai máy sau giai đoạn “đóng băng”, Cuộc vận động sáng tác Chung một niềm tin chiến thắng do Sở VH-TT TP.HCM phát động vẫn đang tiếp tục nhận tác phẩm tham gia.

Người đẹp Vân Anh đại diện Việt Nam dự thi Miss Earth 2021

Người đẹp đến từ Hưng Yên - Nguyễn Thị Vân Anh bất ngờ được chọn làm đại diện của Việt Nam tham gia cuộc thi Miss Earth quốc tế năm nay.

Trong bối cảnh nhiều cuộc thi hoa hậu quốc tế phải hoãn tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, Miss Earth quốc tế đi tiên phong trong việc tổ chức bằng hình thức trực tuyến với các vòng thi bài bản, chuyên nghiệp. Năm nay, Miss Earth tiếp tục diễn ra với các vòng thi online, quy tụ dàn thí sinh ấn tượng đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Người hâm mộ đang trông ngóng xem người đẹp nào sẽ là đại diện Việt Nam tham gia Miss Earth 2021.

Người đẹp Vân Anh sở hữu lợi thế về nhan sắc quyến rũ, vóc dáng chuẩn, kinh nghiệm trình diễn, chụp ảnh, trình diễn catwalk

NGUYỄN LONG

Mới đây, đơn vị được ủy quyền lựa chọn đại diện Việt Nam tham gia Miss Earth là Công ty A Sen Kovi chính thức công bố Nguyễn Thị Vân Anh sẽ là người đẹp mang dải sash Việt Nam (băng đeo trước ngực giới thiệu tên nước) “chinh chiến" tại đấu trường Miss Earth lần thứ 21.

Từ 14.10, Miss Earth sẽ bắt đầu những buổi gặp gỡ để thí sinh các khu vực giao lưu cùng nhau. Đến đầu tháng 11, Miss Earth lần thứ 21 chính thức khởi động các phần thi đầu tiên với hình thức online được thí sinh tự quay và gửi cho ban giám khảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.