Sử dụng tiền vay không đúng mục đích: Vay tiền thế nào để không vi phạm ?

24/09/2022 11:44 GMT+7

Theo chuyên gia, để tránh vi phạm pháp luật, tổ chức, cá nhân vay tiền cần sử dụng đúng mục đích số tiền vay và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ.

Như Thanh Niên đã thông tin, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thành Hiếu (44 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất xây dựng Hiếu Anh - gọi tắt là Công ty Hiếu Anh, trụ sở tại H.Bình Chánh, TP.HCM) về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thành Hiếu, Giám đốc Công ty Hiếu Anh

VIỆN KSND TỈNH PHÚ YÊN

Theo điều tra ban đầu, ngày 6.1.2010 và ngày 16.3.2010, BIDV Phú Yên đã ký 2 hợp đồng tín dụng cho Công ty Hiếu Anh vay 40 tỉ đồng. Hiếu biết rõ tiền vay để trả nợ thay cho Công ty CP xuất nhập khẩu nông thổ sản An Bình và phương án kinh doanh không đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn nhưng Hiếu vẫn thống nhất cùng với cán bộ, lãnh đạo BIDV Phú Yên lập hồ sơ vay nhằm giúp BIDV Phú Yên thu hồi nợ của Công ty An Bình số tiền hơn 30 tỉ đồng, số tiền giải ngân còn lại Hiếu rút sử dụng không đúng theo phương án kinh doanh đã đăng ký vay và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, 7 lãnh đạo và cán bộ BIDV Phú Yên đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố, điều tra về cùng tội danh trên.

Vay vốn, sử dụng vốn vay thế nào để không phạm luật ?

Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) quá trình vay tiền, người vay và ngân hàng thỏa thuận điều kiện vay vốn, mục đích sử dụng tiền vay, cách thức giải ngân, lãi suất, thời hạn vay, phương thức và kỳ hạn trả nợ. Ngoài ra, các bên còn thỏa thuận việc chuyển nhượng hợp đồng, giá trị tài sản đảm bảo và biện pháp xử lý tài sản trong trường hợp bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.

Theo LS Tuấn, để tránh vi phạm pháp luật, tổ chức và cá nhân vay tiền cần sử dụng đúng mục đích số tiền vay và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ.

Điều 280, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu người vay không có khả năng trả nợ, ngân hàng có thể khởi kiện đòi tài sản, sau đó cơ quan thi hành án sẽ kê biên tài sản đã thế chấp phục vụ cho nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp vay tín chấp (không thế chấp tài sản) nếu không có khả năng trả nợ, người vay tiền có thể bị kiện đòi tài sản. Bên cạnh đó, căn cứ vào hành vi, mục đích vay tiền, quá trình sử dụng khoản vay cũng như quá trình thanh toán, hành vi bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khung hình phạt đến 7 năm tù.

Có thể bị phạt tù đến 20 năm nếu sai phạm

Theo LS Tuấn, trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có sai phạm khi câu kết với các cá nhân, tổ chức lập hợp đồng vay vốn để kinh doanh, đầu tư nhưng lại mua bất động sản, trả nợ khoản vay... thì không riêng các lãnh đạo, cán bộ tại ngân hàng mà các tổ chức, cá nhân lập hợp đồng vay vốn sẽ bị tội đồng phạm về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điều 206, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Điều 206, các hành vi bị nghiêm cấm của tội này, gồm: Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, không có bảo đảm; Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng; Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng; Vi phạm về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng; Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có; Vi phạm về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng...

Tùy theo tính chất mức độ của hành vi, thấp nhất có thể bị phạt tiền đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù đến 3 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng - dưới 1 tỉ đồng, thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Thiệt hại về tài sản từ 1 tỉ đồng - dưới 3 tỉ đồng, thì bị phạt tù từ 7 - 12 năm.

Trường hợp gây thiệt hại về tài sản 3 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.