Sử dụng hiệu quả tiền công đức

26/07/2023 06:53 GMT+7

Từ xa xưa, dân gian đã ngợi ca những việc "đúc chuông, tô tượng, xây chùa". Có người bỏ món tiền lớn, nhưng cũng có những người bỏ chút ít tùy tâm.

Có những người thong dong ra đền, chùa để dâng lên đó vài đồng bạc nhỏ. Nghĩa là, bên cạnh những người rõ ràng có mục tiêu bỏ tiền để đúc tượng, thì cũng có người chỉ góp chút lòng chia sẻ giản đơn.

Những khoản tiền đó, sau này được góp lại để làm những việc thiện mỹ cụ thể.

Đến nay, điều này chắc cũng không thay đổi.

Chính vì thế, để kiểm kê triệt để tiền công đức ra - vào như dòng tiền của một doanh nghiệp chắc chắn khó, thậm chí là không thể. Không thể, vì có những khoản người làm công đức muốn ẩn danh. Không thể, vì có những khoản họ bỏ ra để biếu riêng quý thầy để lo sức khỏe, hay biếu riêng vì yêu mến nhà tu hành. Những khoản tiền như vậy, thường là trao tay, và có thể lớn hơn nhiều so với những đồng tiền đặt lên đĩa giọt dầu hoặc hòm công đức. Nhiều người làm công đức, vì thế, không quan tâm lắm đến chuyện phải có "sao kê" như câu chuyện từ thiện của showbiz thời gian vừa qua.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những người nhận tiền công đức mà dùng tiền đó để làm việc sai trái. Ở chùa làng Chàng Sơn (Hà Nội), từng có sư thầy nhận tiền rồi bỏ tượng cổ, đúc tượng Phật mới giống mình, khiến dân làng nổi giận. Thậm chí xây nhà để xe trái phép trong khuôn viên chùa, rồi dùng tiền dân làng công đức mua xe riêng. Trong khi đó, việc của nhà sư chỉ là việc của chùa làng, ít cần di chuyển. Đồng tiền công đức, khi đó, đã bị dùng sai mục đích. Tiền công đức là thiện, mà lại thành công cụ của việc không lành.

Vì vậy, khi người dân càng muốn công đức nhiều, càng muốn làm việc thiện nhiều, càng cần có những công cụ để đảm bảo tiền thiện đó không thành vô nghĩa. Số tiền đó nên được ghi chép, được sử dụng đúng pháp luật, và đôi khi là để chia sẻ trong nội bộ các giáo hội từ nơi thuận lợi đến nơi khó khăn hơn…

Hiện tại, khi pháp luật về ủy thác còn chưa chi tiết, thì việc nhận và chi tiêu tiền công đức là một việc khó với người nhận. Khó để làm sao quản lý chi tiêu sao cho đúng pháp luật, sao cho hợp lý. Chẳng phải đã có trường hợp dùng tiền công đức xây dựng trái luật trong chùa nên phải phá bỏ, hoàn nguyên trạng hay sao? Chẳng phải đã có lo ngại về việc mua cá phóng sinh nhưng lại mua nhầm loại nguy hiểm cho sinh vật bản địa hay sao? Trước thực trạng đó, cách tốt để quản lý tốt tiền thiện nguyện chính là công khai khoản thu chi để chính những người đã đóng góp có thể cùng theo dõi và góp ý việc chi tiêu ấy. Nhiều người góp sức sẽ giúp cho các nhà tu hành chưa thể chuyên sâu về tài chính, về dự án xây dựng tu bổ di tích… có thể có quyết định đúng đắn cho việc mình cần làm.

Nhà nước cũng nên sớm hoàn thiện pháp luật về ủy thác, để những người nhận tiền công đức theo đó mà biết mình nên làm gì cho đúng với tinh thần pháp luật. Tinh thần đó là tiền được chi đúng, chi đủ cho những điều người gửi tiền công đức mong muốn. Khoảng trống luật này nếu được lấp sớm sẽ thúc đẩy hơn việc lan tỏa việc thiện, thúc đẩy việc tiền công đức được sử dụng hiệu quả. Đó cũng là một việc thiện - mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.