Sự bất thường của giá vàng

30/12/2023 06:38 GMT+7

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 28.12, giá vàng rớt một mạch 6 triệu đồng/lượng chỉ sau một đêm, còn người mua ở đỉnh 80 triệu đã mất tới 9 triệu đồng/lượng.

Một tiệm vàng tại TP.HCM thậm chí mua vào thấp hơn bán ra tới 5 triệu đồng/lượng, một khoảng cách không tưởng và không hiểu nổi. Chênh lệch mua vào - bán ra ở các thương hiệu khác cũng nới lên 3 triệu đồng/lượng. Nghĩa là người mua vàng hôm qua ngay lập tức lỗ 3 - 5 triệu đồng/lượng. Nhưng đó không phải là rủi ro cuối cùng. Sau chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, giá vàng sẽ còn rớt đến đâu là điều chưa ai lường trước được bởi so với giá thế giới, vàng miếng SJC vẫn đang đắt hơn đến 13 - 14 triệu đồng/lượng. Và so với chính vàng nhẫn 4 số 9 cùng thương hiệu, vàng miếng SJC cũng đắt hơn đến 13 triệu đồng/lượng. Đáng nói, những chuyện phi lý và vô lý này thực tế đã kéo dài cả năm nay...

Xem nhanh 12h ngày 31.12: Giá vàng ngày 31.12.2023: Hết 1 năm, người mua vàng lãi hay lỗ?

Trước khi lên tới đỉnh 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn thế giới tới 20 triệu đồng/lượng ngày 26.12, giá vàng đã có cả tháng tăng giảm bất thường; khoảng cách với giá thế giới cứ mỗi ngày gia tăng; chênh lệch giá mua giá bán được nới rộng tùy thuộc vào các công ty vàng mà chẳng có quy luật nào. Nguyên nhân của tình trạng này đã được phân tích rất nhiều lần, chủ yếu do khan hiếm vàng SJC bắt nguồn từ Nghị định 24/2012/NĐ-CP (NĐ24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị độc quyền nhập khẩu thì nhiều năm nay lại không nhập khẩu vàng dẫn đến việc thiếu nguồn cung. Cũng vì thế, một số doanh nghiệp phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, khiến vàng SJC đã khan hiếm lại càng trở nên khan hiếm hơn. Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA) đã nhiều lần kiến nghị phương án xử lý với NHNN nhưng vẫn chưa được giải quyết. Việc sửa NĐ24 cũng được các đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường từ kỳ họp giữa năm 2022 và kỳ họp mới nhất hồi tháng 10 vừa rồi vì sau hơn 10 năm đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trả lời các đại biểu khi đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ chưa tổ chức thực hiện nhập khẩu về để can thiệp nhưng đã xây dựng phương án. Trong trường hợp cần thiết sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để nhập khẩu vàng về can thiệp.

Thị trường cứ thấp thỏm trước khả năng can thiệp của NHNN nhưng giá vàng lên 70 triệu đồng/lượng vẫn chưa thấy, 75 triệu đồng/lượng cũng không động tĩnh gì và như nói trên, khi vàng miếng SJC lên tới 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng một cách bất thường thì Chính phủ đã chính thức vào cuộc. Có thể nói, với vai trò quản lý thị trường vàng, NHNN đã quá chậm trễ trong việc đưa ra các giải pháp để bình ổn giá vàng, tương tự với việc sửa đổi, điều chỉnh NĐ24 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Biến động vàng ngày 29.12: Vàng tiếp tục rớt giá chí mạng

Chỉ đạo của Chính phủ một lần nữa cho thấy bất cập của NĐ24 và việc cấp thiết sửa đổi các quy định không còn phù hợp. Sửa đổi, điều chỉnh như thế nào, các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề liên quan đã kiến nghị nhiều lần, thiết nghĩ không cần phải nói thêm ở đây. Nhưng giá vàng biến động từng giờ, từng ngày và tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, tỷ giá... thì việc quản lý thị trường này cần linh hoạt, kịp thời để bình ổn thị trường, tránh tạo rủi ro cho người dân.

Hôm qua, NHNN cho biết trong tháng 1.2024 sẽ trình báo cáo tổng kết NĐ24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới. Hy vọng là những giải pháp lần này sẽ tạo ra một thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.