Startup bùng nổ ở 'thung lũng Silicon' Việt Nam

08/09/2016 21:36 GMT+7

Khi một sinh viên Việt Nam muốn tìm giáo viên dạy Anh ngữ, đã có ứng dụng cho điều này. Để tìm kiếm quán bán phở ngon nhất ở địa phương, cũng có một ứng dụng làm điều đó, theo AFP.

Một thập niên trước, công nghệ như trên có thể được phát triển ở Thung lũng Silicon, bang California (Mỹ). Song ngày nay, những ứng dụng đó đang được khu vực khởi nghiệp của Việt Nam khuấy động. Đây là ngành công nghiệp được thúc đẩy bởi các nhà kỹ thuật địa phương, được đào tạo ở nước ngoài rồi hồi hương tìm cơ hội.
Sức tăng trưởng của mảng startup trong một quốc gia trẻ “đói công nghệ” lọt vào mắt xanh của nhiều doanh nghiệp ngoại. Hôm 7.9, Tổng thống Pháp Francois Hollande đến thăm công ty công nghệ Pháp Linkbynet ở TP.HCM, trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam. Phần lớn công nghệ, trong đó gồm mảng trò chơi trên di động phổ biến và phần mềm thương mại điện tử, được sản xuất cho người tiêu dùng địa phương Việt Nam, nơi độ tuổi trung bình là 30 và kết nối internet đang mở rộng nhanh chóng.
Ông Eddie Thai thuộc hãng 500 Startups, một liên doanh với 10 triệu USD trong tay để đầu tư cho các hãng công nghệ dành cho người Việt hoặc của các nhà phát triển Việt, cho biết: “Thị trường nội địa lớn, trẻ, phát triển nhanh chóng và chưa được khai thác hết”. Doanh nhân 31 tuổi này thuộc hàng ngũ tiên phong, những người đã đến để cung cấp công nghệ cho đất nước nơi Intel và Samsung đã có chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp phần cứng.
Việt Nam có dân số 90 triệu người, 45 triệu người dùng internet, 30 triệu người dùng smartphone và mức sử dụng internet hiện bằng 10 lần so với một thập kỷ trước. Năm 2012, ông Thai về nước làm việc cho một công ty và cuối cùng gia nhập 500 Startups, đơn vị tài trợ nhiều sản phẩm công nghệ như ứng dụng học ngôn ngữ Elsa và nền tảng bán vé trực tuyến Ticketbox. Các ứng dụng khác được phát triển ở Việt Nam bao gồm Lozi cho những người yêu thích thực phẩm và UKYS.
Phần lớn tài năng Việt Nam là “cây nhà lá vườn”. Thiếu niên Việt xếp hạng cao hơn thiếu niên Mỹ, Anh và Thụy Điển trong môn toán và khoa học, theo khảo sát mới nhất được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiến hành năm 2012. Lực lượng lao động được giáo dục trên, đi kèm với lương bổng thấp nếu so với Trung Quốc hay Singapore, là hai yếu tố khơi gợi sự quan tâm từ các sếp công nghệ như CEO Google Sundar Pichai. Ông Pichai từng dành thời gian nghỉ hồi tháng 12.2015 để đến nói chuyện với các doanh nhân công nghệ ở Hà Nội.
Số liệu toàn diện chính thức hiện chưa có, song truyền thông Việt Nam cho biết doanh thu ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ IT là 3 tỉ USD năm ngoái, tăng từ mức 2 tỉ USD năm 2010. Chính phủ Việt Nam cũng vạch ra chiến lược riêng cho lĩnh vực này, thành lập Thung lũng Silicon Việt Nam vào năm 2013 để tạo ra “hệ sinh thái của đổi mới và thương mại hóa công nghệ”.
Ông Hollande hoan nghênh ngành công nghiệp trong chuyến thăm đến nhà cung cấp dịch vụ IT Linkbynet, vốn được thành lập trong một garage tại Pháp. “Những gì đập vào mắt tôi là tính toàn cầu… Đây là Việt Nam nhưng đó là môi trường toàn cầu, với khách hàng thế giới”, ông Hollande nói. Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng giới đầu tư nên thận trọng với những quảng cáo thổi phồng, đề cập đến các ràng buộc doanh nghiệp và luật định chưa minh bạch của Việt Nam.
Chuyên gia Anh-Minh Do thuộc hãng Vertex Venture Holding ở Singapore nói: “Việt Nam có tiềm năng công nghệ cao, nhưng họ có thể mất 5 năm nữa để thực sự tạo ra các doanh nghiệp rất lớn có ảnh hưởng toàn cầu”. Dù khu vực startup Việt vẫn còn nhỏ hơn so với Indonesia và Malaysia, có hy vọng cho thấy đất nước đang nhanh chóng phát triển từ các ngành công nghiệp xuất khẩu như may mặc hay sản xuất các loại hàng hóa như cà phê.
“Việt Nam góp mặt trong lĩnh vực công nghệ trong vài năm nhưng giờ đây họ đang đi lên trong chuỗi giá trị”, giám đốc khu vực Đông Nam Á Romain Caillaud của hãng FTI Consulting nói. Ông Thai cho biết thêm: “Khu vực này đang phát triển nhờ Việt Nam thực hiện những bước chiến lược về lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài”. Ông thừa nhận đường đi sẽ không bằng phẳng, nhưng lạc quan rằng văn hóa khởi nghiệp của Việt Nam sẽ vượt qua nhiều trở ngại để tiến bộ đáng kể.
“Nhìn chung, Việt Nam thỉnh thoảng lùi một bước về phía sau nhưng tiến hai bước về phía trước. Hy vọng rằng trong 5 hay 10 năm tới, tình hình sẽ tốt hơn”, ông Thai chia sẻ.

tin liên quan

Khởi công 'thung lũng Silicon' của TP.HCM
Ngày 30.8, dự án Saigon Silicon City Center rộng hơn 11.000 m2, với tổng mức đầu tư 480 tỉ đồng đã được khởi công tại khu công nghệ cao TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.