Sri Lanka lao đao trong khủng hoảng kinh tế

Bảo Vinh
Bảo Vinh
01/04/2022 14:30 GMT+7

Khủng hoảng kinh tế đang gây ra cảnh thiếu thốn nhiều mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân Sri Lanka.

Cúp điện toàn quốc, khó khăn nhiều bề

Kể từ hôm qua 31.3, Sri Lanka bắt đầu chế độ cúp điện 13 giờ mỗi ngày trên cả nước trong bối cảnh thiếu nhiên liệu để sản xuất điện. Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ công ích nhà nước Janaka Ratnayake cho biết đã đề nghị chính phủ cho phép toàn bộ nhân viên lĩnh vực công làm việc tại nhà trong 2 ngày tới để có thể quản lý tình trạng thiếu nhiên liệu và điện tốt hơn.

Chế độ tiết kiệm điện đã được áp dụng từ đầu tháng này khi các nhà máy điện không đủ nguồn dầu mỏ và than để chạy máy phát vì nhà nước không còn đủ ngoại tệ để trả cho các nhà cung cấp. Bộ trưởng Năng lượng Pavithra Wanniarachchi hôm qua cho biết việc cúp điện có thể kéo dài đến tháng 5 khi mùa mưa bắt đầu làm đầy các hồ thủy điện.

Người dân xách can chờ mua nhiên liệu tại Colombo

Reuters

Nguồn dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka đã giảm khoảng 70% từ tháng 1.2020 và tính đến tháng 2.2022 chỉ còn khoảng 2,3 tỉ USD, trong khi nước này phải trả các khoản nợ đến 4 tỉ USD đáo hạn trong năm nay, theo Đài DW. Việc thiếu ngoại tệ đồng nghĩa nước này phải chật vật để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men.

Những hàng người rồng rắn chờ mua nhiên liệu xuất hiện ở nhiều địa phương, thậm chí có nơi còn xảy ra cảnh chen lấn, tranh giành xô xát khiến nhà chức trách phải triển khai binh sĩ giữ trật tự. Ngành báo giấy và in ấn bị ảnh hưởng vì thiếu giấy, khiến nhiều tờ báo ngừng xuất bản, còn các kỳ thi bị tạm hoãn. Theo AFP, nhiều bệnh viện đã thông báo ngừng các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp vì thiếu thuốc và các hóa chất khác để xét nghiệm.

Chỉ số cổ phiếu chính của Sri Lanka chốt phiên ngày 30.3 với mức giảm 3,6%, sau khi giảm hơn 7% trong ngày khiến Sở giao dịch Colombo hoãn giao dịch đến 2 lần.

Cầu viện quốc tế

Chiến lược gia trưởng Udeeshan Jonas của Hãng nghiên cứu chứng khoán CAL Research (Sri Lanka) cho rằng thị trường đang phản ứng trước cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc cắt giảm thuế không đúng thời điểm, đại dịch Covid-19 và khả năng quản trị tài chính không hiệu quả của chính quyền.

Người dân Colombo thắp nến vì bị cúp điện

AFP

Chính sách giảm thuế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng từ năm 2019 của chính quyền đã giảm mạnh nguồn thu thuế, gia tăng áp lực lên ngân sách nhà nước trong bối cảnh đất nước vốn đang gồng gánh khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỉ USD. Đại dịch Covid-19 xảy ra sau đó bồi thêm một đòn chí mạng cho nền kinh tế Sri Lanka khi làm điêu đứng ngành du lịch, chiếm hơn 12% tổng sản lượng kinh tế đất nước. Nợ công của Sri Lanka ước tính đã tăng từ mức 94% GDP vào năm 2019 lên thành 119% GDP vào năm 2021.

Chính quyền đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng không thiết yếu nhằm tiết kiệm nguồn ngoại tệ để trả nợ. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến cảnh thiếu hụt nhiều hàng hóa và khiến giá cả tăng cao. Lạm phát lương thực chạm mức kỷ lục 25% vào tháng 1.

Để đối phó, chính quyền đã tiếp cận Ấn Độ và Trung Quốc để tìm kiếm các khoản hỗ trợ tín dụng nhằm nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu và tái cấu trúc nợ. Chính quyền gần đây thông báo sẽ đối thoại với Quỹ Tiền tệ quốc tế để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng, dù trước đó tuyên bố sẽ không cầu viện các tổ chức tài chính quốc tế để cam chịu những điều khoản bất lợi cho lợi ích quốc gia.

Trước sự bất mãn ngày càng lớn trong dân chúng, Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa gần đây lên tiếng kêu gọi sự thông cảm, theo AP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.