Sót lại nụ cười - Truyện ngắn của Hồ Loan

17/04/2022 08:30 GMT+7

Tôi nhẹ đẩy cánh cửa, một mùi hôi khét xộc thẳng vào mặt.

Thoáng chút sững người, tôi nghiêng đầu ngó vào. Căn buồng rộng chừng chục mét vuông. Không cửa sổ. Không thông gió. Không có bất kỳ một lỗ nhỏ thoát khí nào. Tường gạch, mái lợp tôn Fibro xi măng, nền được tráng cẩu thả. Mùa hè mà ở trong cái nhà kho này thì mọi thứ đều khô quánh, giòn rụm.

Chiếc chõng tre được kê sát tường. Chị ngồi đó, tay phe phẩy tấm khăn cáu bẩn, đôi mắt trắng dờ vẩn đục. Khuôn mặt không chút cảm xúc. Chị cứ phe phẩy chiếc khăn như kiểu đuổi ruồi muỗi bản năng. Bên góc kia là chiếc xe quạt lúa có dăm chú gà gật gù loáng quáng dưới ánh điện mờ. Phân gà ở khắp nơi, cả trên chiếc giường chị ngồi.

Tôi còn đang lưỡng lự bởi thứ mùi nồng nặc thì út Việt đã lách người bước vào. Anh tiến lại gần, miệng nở nụ cười thật hiền:

Minh họa: Tuấn Anh

- Nhớ con không, cô Mót? Con đây mà!

- ...

- Không nhớ con thật à?

Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng muỗi o o, tiếng phẩy khăn đều đặn. Tiếng những chú gà phàn nàn hai vị khách không mời.

Tôi lặp lại lời út Việt:

- Chị nhớ ai không? Người này chị biết mà, chị nhớ lại xem.

Tôi cố dẫn dụ chị về lại ngày xưa, cái ngày tụi tôi chơi năm mười trốn quanh các ngách.

Nhà út Việt thuộc hàng có của ăn của để. Vẫn thường san sẻ rau dưa mắm muối cho người hàng xóm nghèo khổ là mẹ con chị. Nên khi nghe nhắc đến, mặt chị giãn ra, môi mím mím thương đến lạ. Một hồi lâu, có tiếng trả lời lí nhí nơi cuống họng:

- Út, út Việt mà!

Lúc này út Việt đã bước ra ngoài ngó nghiêng căn buồng. Anh xem có cách nào lắp chiếc quạt máy đuổi muỗi và giảm khí nóng cho chị.

Tôi mừng rỡ gọi nhỏ:

- Chị nhận ra út Việt kìa.

Thoáng nụ cười hạnh phúc trên môi, anh tiến lại gần. Vẫn ánh mắt bẽn lẽn ấy, vẫn khuôn mặt hiền ngây dại ấy. Thoáng chốc đã hơn bốn chục năm đi qua. Thời gian không lấy đi tất cả, thời gian chỉ phủ bụi lên những trang ký ức, và thời gian có sức bào mòn mọi thứ.

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.

Ngày ấy…

Chắc hẳn vì sinh sau đẻ muộn, lúc tuổi đã chớm chiều, lúc nhựa sống trong cái cơ thể già nua cằn khô vì thiếu ăn ấy mà bà Hòe đặt luôn tên con là Mót. Cũng vì lẽ đó, Mót chậm chạp khờ khạo hơn chúng bạn cùng trang lứa. Đi đâu làm gì Mót cũng nép sau vạt áo mẹ. Những buổi sáng hai mẹ con thường lang thang đến từng vườn nhà xin nhặt tàu cau về làm chổi bán kiếm sống qua ngày.

Bà Hòe đâu có niềm vui gì ngoài việc hút thuốc. Loại thuốc có lá to phơi khô, xé ra cuốn lại như ngón tay cái, bập từng hồi cho quên cơn đói. Mót cũng nghiện món đó từ lúc nào không hay biết. Mót thèm thuốc lá đến dại người. Chỉ cần cho thuốc thì bảo chi cũng làm. Từ gánh nước, bửa củi, đến nói linh tinh làm trò cho thiên hạ. Bởi cái cách nói ngọng nghịu cùng với vẻ mặt thẹn thùng mắc cỡ khi bị chơi trò gán ghép.

Mà thương nhất là những hôm người ta thuê chú Ba đi chẻ lạt. Chú Ba bị mù từ bé, mọi sinh hoạt đều lặng lẽ dưới đôi tay tài hoa vi diệu. Nhưng đó là lúc ở nhà, chú đã quen thuộc từng nếp, còn khi ra ngoài mọi thứ trở nên khó khăn tệ. Mót trở thành đôi mắt của chú. Mỗi người một đầu gậy cứ thế dò dẫm từng bước trong làn sương sớm. Khuôn mặt ngây ngô gắn lên thân hình đã thiếu nữ khiến Mót chỏi ra giữa bọn chúng tôi. Mỗi lúc đi cùng chú Ba, Mót thường lẳng lặng ra một góc lấy que vạch đất. Rủ chơi gì Mót cũng lắc đầu cười e thẹn. Vẻ khờ khạo hiền lành của Mót cũng trở thành một tính từ cho cách mắng con của nhiều ông ba bà mẹ khi thấy con mình kém lanh lợi, thiệt tội.

Với Mót mà nói, ngoài bà Hòe ra, tới chú Ba và anh chị, Mót hầu như chẳng gần gũi ai.

Còn nhớ, có lần nghe bà kể, đêm nọ, hai mẹ con đang nằm trong buồng, chợt có tiếng rụng bịch bịch, đoán chừng dừa nhà ông Khôi rụng, Mót lật đật chạy ra sau vườn. Nơi ấy tối om, từng vạt cây dại chen chúc nhau kín lối. Góc vườn nhà ông Khôi là một nơi đầy huyền bí với cổng kín tường cao, với những loại cây ăn trái chín rụng thối vườn chứ nhất quyết không cho đứa trẻ con nào vào. Bà Hòe chờ hồi lâu, tưởng tượng ra miếng dừa khô béo ngậy kẹp bánh tráng nướng. Vị bùi bùi ngọt nhẹ cùng với cái thơm giòn của bánh tráng. Mùi thơm lừng béo ngậy, nhưng thôi, giờ mà có miếng dừa khô chấm muối tiêu nhai đủ ngon, rồi uống cả gáo nước chè nữa là no tới sáng.

Mà sao hắn đi đâu lâu kinh, dầu trong đèn đã vơi phân nửa, ngọn đèn tù mù hắt lên tường cái bóng nhỏ gầy liêu xiêu. Bọn thạch sùng tranh chỗ săn mồi ví nhau cắn tí tóe. Con cú già đêm nơi ngọn nhãn cứ như dọa người ta đến chết khiếp bởi khuôn mặt thiếu thiện lương. Ủa mà sao lâu kinh, cái con ni thiệt là, hay ngủ gục ngoài vườn rồi. Bà còn lạ gì tính hắn, cứ bạ đâu ngủ đó, ai cho chi ăn nấy. Khổ!

Minh họa: Tuấn Anh

Bà réo thằng Bụi, cái thằng chết dịch mi ra coi em ở đâu tau cái. Thằng Bụi, con trai bà, vẫn đang trong cơn ngái rượu nói vọng ra, chắc hắn ỉa vất đâu ngoài nớ. Bà lại gọi vọng ra: Mót ơi bớ Mót! Đêm trả lời bà bằng tiếng dế kêu râm ran, tiếng lũ côn trùng tỉ tê thống thiết. Đêm không trăng không sao. Bầu trời tối om như chiếc lọ thắt nút, ngột ngạt. Đêm phả vào bà cái hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Bà rùng mình, lật đật chạy vô nhà, réo thằng Bụi thêm lần nữa: Mi dậy đi kiếm em hử, Bụi! Dậy mau.

Thằng Bụi, sau một hồi làu bàu, dụi dụi mắt. Quờ tìm cái đèn pin, hắn lảo đảo ra sau vườn. Vợ hắn rút vú khỏi miệng con, thằng nhỏ khóc ngằn ngặt, chị ẵm luôn con xuống bếp lấy cây rựa đưa cho chồng.

Sau một hồi lùng sục không thành, Bụi quay vô bảo mẹ đi gọi nhờ thêm người. Bà Hòe lòng bời bời. Đứa con khờ dại của bà đi đâu được trong đêm tối mênh mông này. Con ơi là con. Mót ơi là Mót!

Nửa đêm thì mọi người cũng tìm được. Lúc ấy chắc tầm một hai giờ sáng. Nơi hốc tre già bên nhà, sau nhà đội, Mót nằm ngủ ngon lành, miệng dắt đầy phân bò, quần áo lành nguyên dù nằm sâu tuốt trong bụi tre. Bà Hòe ôm chầm lấy con, ai đó mang gáo nước khai ngấy bảo đem rửa mặt cho Mót. Hắn như bừng tỉnh sau một cơn mê dại. Bà Hòe dắt con ra sau hè, vục gàu vào mảng trăng non leo lắt nơi đáy giếng. Phân bò, lá cây đầy miệng Mót. Bà Hòe cho con súc miệng thật sạch, tắm táp xong thì vô ngồi kể chuyện cho mọi người nghe.

Hắn kể được một cô nào đẹp lắm dẫn đi ăn ngon, trời ơi đang đói quắt cái dạ dày mà trước mặt nào thịt bò, nào thịt gà, nào các loại bánh trái như đi ăn giỗ.

Mót kể mà mắt long lanh vui sướng. Bà Hòe quặn lòng, cả đời bà chưa từng sắm cho con một bữa ăn thịnh soạn vậy, để ma động lòng thết đãi. Bà khóc hồng hộc, mắt nhòe đi, cay xè.

Nhà đội là trường mẫu giáo được tận dụng làm nơi họp hành của bà con. Bọn chúng tôi thường tụ tập ban ngày, vừa thả bò vừa chơi trốn tìm. Nhưng cứ chạng vạng là đứa nào lo về nhà nấy nếu không muốn nghe tiếng cót két ghê người phát ra từ những lùm tre. Những ngọn tre biết chơi trò thót tim khi đang đêm vít sát đất rồi bỗng chốc dựng thẳng đứng giữa trời khuya tĩnh mịch.

Cái tin Mót bị xâm hại khiến cả làng sửng sốt. Bà Hòe miệng oang oang chửi, tổ cha cái đứa trời đánh thánh vật hãm hại con bà. Tổ cha cái đứa súc sinh dơ bẩn. Bà vừa đi, tay kéo lê chiếc tàu cau xoàng xoạc, miệng bà không ngớt chửi. Tau chửi cả dòng cả họ nhà bây quần dơ dáy. Hắn đã bịnh tình không biết chi bây còn dở trò đồi bại.

Cả làng nhìn nhau, cả xóm nhìn nhau. Ai cũng lắc đầu ái ngại. Mót vốn sợ nước nên người hơi nặng mùi, lại thêm ăn uống thiếu thốn vì thế da dẻ bủng rì xanh xao. Mỗi tội người cứ đẫy ra phốp pháp.

Mót không đi nhặt tàu cau cùng mẹ nữa. Không ai thấy Mót đâu, cũng không ai dám hỏi sợ cái miệng té tát cay nghiệt của bà Hòe. Thi thoảng người ta thấy Mót trong nhà, hễ ai đi ngang qua dòm vào là Mót lại nấp sau tấm màn cũ rách rưới.

Cuộc sống nghèo khó khiến lúc nào cũng phải lo cho chiếc nồi khoai nhiều hơn gạo. Nhưng đi đâu cũng nghe người ta hỏi han bàn tán về chuyện con gái khiến bà mệt mỏi. Bà Hòe thôi lê la nhặt tàu cau. Thân hình trơ kiệt đã bị vắt sạch những sinh khí mỏng manh. Mà bà cũng đâu ăn đời ở kiếp để lo cho Mót trọn vẹn kiếp người. Bà lâm bạo bệnh rồi trút hơi thở cuối cùng khi lòng còn canh cánh.

Mót như người lạc mất đức tin. Không còn vạt áo mỏng của mẹ cho Mót nép vào. Không còn cánh tay chở che của mẹ mỗi khi trời dông bão. Mọi thứ đã rời đi.

Rồi một đêm trăng, Mót nói với chị dâu muốn đi ngoài. Chị dâu ậm ừ. Một lúc sau, có tiếng chó sủa vang xóm. Cả lũ chó vẫn chơi cùng ngoài bãi cỏ, nay không hiểu sao cắn xé nhau inh ỏi. Chị dâu cầm đèn pin chạy ra. Chị sững người, con Vàng đang gầm gừ giữ một vật gì đó nhầy nhụa.

Cả bầy chó nháo nhác tấn công. Chị tiến lại con Vàng, ôi không, chị như sắp quỵ ngã. Đôi chân chị không còn bước được nữa. Hai môi đánh vào nhau cầm cập. Rồi chị tự trấn an, run run nhặt lấy đứa trẻ đang ngọ nguậy. Chị nhẹ tay móc dãi nhớt nơi miệng đứa bé cho nó thở. Xong chị cởi áo ngoài gói lại rồi ôm vào lòng. Dây rốn còn lằng ngoằng, dãi nhớt còn bám đầy miệng cháu. Lòng chị bời bời khôn tả. Làm sao đây… Làm sao đây? Chị còn một gã chồng nát rượu, một đứa con thiểu năng, một đứa trẻ mới hơn một tuổi và cô em chồng khờ dại không biết gì. Chị khổ quá rồi, chị như sắp ngã quỵ giữa cuộc đời.

Chợt chị nhớ đến ngôi chùa cách nhà vài cây số. Băng qua cánh đồng khuya gió vi vu rờn rợn, băng qua mấy con ngõ ngoằn ngoèo tăm tối, băng qua ngôi trường cũ rồi qua một đường ray tàu lửa. Lũ mèo hoang gọi bạn tình nheo nhéo đến gai người. Ôm chặt đứa bé vào lòng, chị lầm lũi bước.

Hai sư nữ bị đánh thức giữa đêm khuya không khỏi bàng hoàng. Chị dúi vào tay sư rồi sụp lạy. Con lạy Phật cứu độ, con lạy Phật cứu độ. Rồi ù té chạy.

Mót đâm tự kỷ. Chị giấu người trong một hóc tối nhất của ngôi nhà. Ai cho gì ăn nấy. Không đòi hỏi, không phản ứng. Cứ lầm lũi với góc tối của đời mình. Mùi xú uế bốc lên khiến ai nấy kinh hãi. Anh trai chị dâu kéo ra tắm rửa thì Mót nhất quyết từ chối. Cuối cùng mọi người phải mạnh tay mới lôi Mót ra khỏi cái góc bẩn thỉu ấy. Mót phản vệ bằng những cú cào cấu hòng giữ quyền tự do cho riêng mình.

Rồi Mót đâm trở bệnh nặng hơn. Anh trai nát rượu bỏ mặc cuộc đời. Chị dâu tay bế tay bồng. Những bi kịch nối tiếp nhau khiến chị chẳng còn sức mà lo cho em chồng. Mót cứ thế lầm lũi sống, lầm lũi như cây cỏ dại hoang vu. Chỉ cần nước và không khí. Mót được ăn ngày đôi bữa. Lúc vui, lúc buồn lại đập tung tất cả. Đến nỗi phải sống với xiềng xích gông cùm. Sự tử tế của người đời cũng bị khước từ bởi những cơn nổi loạn. Mót được nhốt riêng sau nhà kho với gà và những thứ lỉnh kỉnh.

Chúng tôi nhìn nhau ái ngại. Tôi bàn với út Việt xin phép chị dâu lắp cho Mót chiếc quạt thông gió và được chị đồng ý. Mót bóc từng chiếc bánh chúng tôi mang đến và ăn ngon lành, thi thoảng đưa mắt dò xét. Chị ăn khỏe, tỉnh táo, thi thoảng mỉm cười. Nụ cười e thẹn lấp lửng, đáy mắt xa xăm. Nụ cười ấy theo tôi nhiều năm tháng sau này.

Đường về xa quá, tôi bước những bước nhỏ nghe trĩu nặng cõi hồn. Có tiếng chuông chùa khỏa vào đêm thanh vắng. Chợt nhớ đến đứa bé rơi rớt đêm nào, bao nhiêu năm rồi nhỉ? Nếu sống được chắc nay em ấy cũng đã tới tuổi trưởng thành. Có bao giờ em tự hỏi cha mình là ai không? Và mẹ, mẹ em vẫn ngồi phe phẩy chiếc khăn cáu bẩn nơi góc nhà kho ẩm mốc, thi thoảng lại nở nụ cười trầm buồn da diết mông mênh.

Tôi tự dặn lòng, mỗi cuộc đời là một thế giới. Và mỗi chiếc lá riêng một cõi bồ đề. Đời người ngắn ngủi. Phận người mong manh. Những giọt chuông vẫn thả đều vào đêm tĩnh mịch. Cõi niết bàn xa quá. Nhưng biết đâu mai này, phải rồi, vẫn có người đang gióng những hồi chuông thao thiết mỗi đêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.