Sống xanh cùng Thanh Niên

Minh Thùy
Minh Thùy
11/10/2022 16:55 GMT+7

Bắt đầu từ thứ Sáu, ngày 14.10.2022, trên trang thanhnien.vn/video và các nền tảng số của Báo Thanh Niên sẽ phát chuyên mục Cùng sống xanh định kỳ mỗi tuần một lần. Cùng sống xanh sẽ kể những câu chuyện thực tế áp dụng tài nguyên bản địa vào việc chăm sóc sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường với sự phân tích lợi ích từ chuyên gia có uy tín trong cả nước.

Cùng sống xanh là chương trình mới được phát định kỳ trên trang thanhnien.vn/video vào lúc 14 giờ mỗi thứ sáu hằng tuần và các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Cùng sống xanh là không gian để các nhân vật trong cả nước đã trải nghiệm các giải pháp sống xanh bằng việc tận dụng tài nguyên bản địa và thành công không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn giúp ích cho cộng đồng. Các giải pháp mà những nhân vật được chương trình giới thiệu sẽ được tư vấn bởi các chuyên gia có uy tín trong cả nước đem đến góc nhìn khoa học và hỗ trợ cộng đồng sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mà bảo vệ được sức khỏe con người và môi trường sống.

Cùng sống xanh
Tường duy- thanh chiêu - nguyễn bắc

Cô Bạch Lân ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai rất thích trồng cây. Cô đi xin những nhà hàng xóm xung quanh khu phố những khoảnh vỉa hè để đặt thùng xốp và trồng vào đó nhiều loại rau màu thông dụng như rau muống, rau mồng tơi, tía tô, hành, ngò, dấp cá… và cả chùm ngây. Cây lên rất xanh tốt, bà con trong khu phố ai cần ăn đều có thể đến lấy.

Để có sẵn nguồn phân bón đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, cô Lân ra chợ xin... đầu và ruột cá về nhà ủ phân. Cô ủ ngay trên tầng lầu của căn hộ mà gia đình cô đang ở. Điều thú vị là mớ đầu và lòng cá kia liên tục phân huỷ nhưng không hề có chút mùi hôi nào. Hằng ngày cô lên quấy khoắng nó xong đưa lên... mũi ngửi để kiểm tra độ phân hủy của ruột cá rồi dùng dịch của nó pha loãng đem đi tưới cây. Trên ban công nhà cô không thiếu các loại rau thông thường, thậm chí có cả cây cải xoăn - loại rau chuyên sống ở vùng lạnh chứ không phải khu vực nóng quanh năm như Biên Hòa. Cô Lân hoàn toàn yên tâm với "vườn rau" rải rác khắp khu phố của mình không hề có hóa chất độc hại.

Ông Nguyễn Như Toàn (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) làm thuốc sâu sinh học trừ sâu và muỗi

thanh chiêu

Ông Toàn, một cựu chiến binh ở huyện Vinh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã dùng các loại cây cỏ trong vườn nhà để trị sâu hại cây và... đuổi muỗi. Không những thế, ông dùng phương pháp ủ phân vi sinh bản địa và trồng gừng trong rác mà vụ gừng vừa qua ông thu được bẹ gừng dài... 70cm, ngang 20cm. Bẻ củ gừng ra, mùi thơm lan tỏa cả hội trường tập huấn khuyến nông ở huyện Vĩnh Cửu.

Chị Nguyễn Thị Ngọc ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có làn da bị nám. Chị dùng nhiều loại mỹ phẩm công nghiệp nhưng "không ăn thua", rồi chị tiếp cận với giải pháp vô cùng đơn giản, lấy các loại hoa trái trong vườn nhà như chuối, hoa hồng đem xay trộn với sữa chua, men tiêu hóa và mật ong lên men rồi thoa lên mặt. Sau khoảng 3 tháng, vết nám trên gương mặt của chị bay hết, da dẻ mịn màng. Hiện chị đang phụ trách công việc xử lý rác tại địa phương.

Cách để chị vận động chị em phụ nữ trong thôn phân loại và xử lý rác cùng mình là... chia sẻ giải pháp làm đẹp với chị em bằng tài nguyên bản địa. Chị cười sảng khoái: phụ nữ là phải vui, phải đẹp trước đã mới gìn giữ được hạnh phúc gia đình và đóng góp cho xã hội.

Còn rất nhiều chân dung áp dụng giải pháp nhân nuôi lợi khuẩn để tạo ra môi trường sống của chúng ta xanh, sạch và khỏe mạnh hơn. Thanh Niên mong muốn là nhịp cầu để quí vị chia sẻ câu chuyện của mình góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển cùng tự nhiên.

Chương trình kêu gọi sự tương tác và góp sức của cộng đồng trong cả nước đã trải nghiệm thành công những giải pháp ứng dụng tài nguyên bản địa giới thiệu cách làm của mình để chương trình phong phú hơn.

Mọi ý kiến đóng góp và tham gia chương trình quí vị có thể bình luận bên dưới bài hoặc gửi mail về địa chỉ cungsongxanhthanhnien@gmail.com.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.