Sống thấp thỏm bên bờ sông sạt lở

Mạnh Cường
Mạnh Cường
16/08/2021 08:30 GMT+7

Hàng chục hộ dân ở xã Tiên Lãnh (H.Tiên Phước, Quảng Nam) đang trong cảnh bất an vì bờ sông Tranh sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Lộc (55 tuổi, ở thôn 4, xã Tiên Lãnh) cho biết sông Tranh trước đây vốn hiền hòa, ít xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, từ năm 2018, khi thủy điện Sông Tranh 3 tích nước, đã gây ra nhiều hệ lụy. Mùa mưa, thủy điện xả nước với lưu lượng lớn khiến bờ sông bị xâm thực, mỗi năm hai bên bờ mất gần 10 m. “Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông Tranh đoạn chảy qua địa bàn thôn 4 diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt, sau mùa mưa lũ cuối năm 2020, nước lũ xâm thực sâu hơn 15 m, cuốn trôi cây ăn quả của nhiều hộ dân. Sống ở đây hàng chục năm, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy bất an như hiện nay”, ông Lộc bày tỏ.
Trước đây, người dân địa phương trồng tre dọc bờ sông Tranh để ngăn sạt lở. Nhưng rồi các bờ tre này cũng bị nước cuốn trôi dần, kể từ khi thủy điện đi vào hoạt động. Nước xiết, trong khi ven sông Tranh là đất cát, nên tình trạng sạt lở diễn ra nhanh hơn. “Trước đây, bờ sông cách nhà cả trăm mét, nay qua 3 mùa mưa bờ sông Tranh chỉ cách nhà tôi khoảng 10 m. Sạt lở, sụt lún đất khiến căn nhà tôi xuất hiện nhiều vết nứt. Nếu không có phương án kè chắn, nguy cơ trong vòng vài năm nữa hàng chục ngôi nhà sẽ bị “nuốt chửng” bởi sông Tranh”, ông Lộc lo lắng.
Sống thấp thỏm bên bờ sông sạt lở1

Nhà ông Nguyễn Hữu Lộc xuất hiện vết nứt do sạt lở, sụt lún đất

Bà Trương Thị Hồng (56 tuổi, cùng ở thôn 4) cho hay đợt mưa lũ cuối năm 2020, nước dâng cao gây ngập sâu khiến lớp đất cát bị sụt lún, tạo rãnh đứt gãy kéo dài ra đến bờ sông. Phía sau nhà bà còn xuất hiện nhiều hố sâu. “Mảnh vườn của gia đình tôi bị xâm thực hơn 10 m, cây cối bị cuốn trôi. Chúng tôi đã trình báo sự việc lên chính quyền địa phương. Nếu không sớm có biện pháp kè chắn, e rằng chỉ vài mùa mưa nữa người dân sống dọc bờ sông Tranh sẽ không còn nhà để mà về”, bà Hồng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Sang, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, nhìn nhận tình trạng sạt lở bờ sông Tranh diễn ra khá nhanh trong những năm gần đây đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các hộ dân. Đặc biệt, những hộ sống gần khu vực sạt lở đối diện với rất nhiều nguy cơ. “Chúng tôi đã khảo sát, lập danh sách những hộ dân bị ảnh hưởng nặng và gửi lên UBND H.Tiên Phước. Địa phương cũng đã lập kế hoạch xây dựng khu tái định cư để di dời những hộ bị ảnh hưởng. Một số hộ dân đang sinh sống tại dốc Dương Thờ nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở cũng sẽ được di dời đến khu tái định cư”, ông Sang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.