Sông Sài Gòn bị bức tử!

Trong suốt tuần qua, những hình ảnh gớm ghiếc diễn ra ở xã Minh Tâm (H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) được đưa trên truyền hình cho người ta thấy được hình ảnh thượng nguồn sông Sài Gòn đang bị bức tử.

Doanh nghiệp Việt Phước 100% vốn Đài Loan nuôi đến 27.000 con heo; ngày nào cũng có trên vài chục con heo chết vì bệnh. Thay vì xử lý heo chết trong lò thiêu, họ lại vứt xác heo ra bờ bãi đầu nguồn sông Sài Gòn; xác heo chết bị phân hủy trở thành nước chảy xuống dòng sông.
Trả lời tình trạng này, ông Li Kuo Hi - giám đốc trại heo, nói ông không biết vì ông mới về làm giám đốc; lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường H.Hớn Quản vừa cười vừa nói làm sao trả lời ngay được; Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Phước không tiếp nhà báo! Bản thân trại heo cũng có hành vi chống đối không cho nhà báo tác nghiệp, phải chờ ông trưởng công an xã có ý kiến mới chịu giở tấm bạt ra cho thu hình các bộ xương heo đang phân hủy.
Thế nhưng sông Sài Gòn không chỉ ô nhiễm do trại heo Việt Phước gây ra. Hai bên dòng sông dài 256 km này có đến 41 khu công nghiệp; rất nhiều nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp ấy hoặc công khai, hoặc lén lút xả thải trực tiếp ra dòng sông. Trên dòng sông chính, lục bình phát triển, ngăn chặn thuyền ghe qua lại. Cá sông chết nhiều ở Hớn Quản; bà con đánh cá ở các nơi khác căn bản không đánh bắt được gì.
Lưu vực con sông trải dài qua bốn địa phương gồm Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM, trổ ra nhiều chi lưu. Trên những chi lưu ấy là các khu dân cư, phần lớn là nhà ổ chuột. Chi lưu nào cũng đầy rác thải, chất thải đổ xuống. Không còn nghi ngờ gì nữa, sông Sài Gòn - con sông được lấy nước xử lý làm nước sinh hoạt hằng ngày cho hàng triệu người dân hạ du trong đó có người dân TP.HCM, đang bị bức tử.
Tình hình đáng báo động đến nỗi hằng năm Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phải chi khoảng 30 tỉ đồng để xử lý các chất ô nhiễm. Tại họng lấy nước sông lên, Sawaco phải thiết kế thêm một hệ thống lưới để ngăn rác và bao ni lông, không cho lọt vào bể chứa. Một tiến sĩ môi trường học cho biết nếu tình hình ô nhiễm này tiếp diễn thì Sawaco phải tìm một nguồn nước khác chứ không thể sử dụng nguồn nước tự nhiên của sông Sài Gòn.
Công an tỉnh Bình Phước và Công an H.Hớn Quản đang điều tra hành vi xả thải của Công ty Việt Phước. Vấn đề ở đây là hàng trăm họng xả thải công nghiệp của các địa phương còn lại chưa được cơ quan chức năng về môi trường quan tâm xử lý. Cho nên, tỉnh Bình Phước và H.Hớn Quản có xử lý rốt ráo vụ liệng xác heo thì dòng sông vẫn ô nhiễm.
Hãy cứu lấy sông Sài Gòn là mệnh lệnh từ trái tim và khối óc của các lãnh đạo chính quyền và ngành môi trường nơi có dòng sông đi qua. Dòng sông ấy không chỉ là nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người mà còn là dòng sông lịch sử của miền Đông Nam bộ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.