Sống mãi với nghề xưa: Giữ hồn lãnh Mỹ A

09/02/2015 08:20 GMT+7

Đã xa rồi thời hoàng kim nhưng lụa Tân Châu (lãnh Mỹ A) vẫn nổi tiếng trong và ngoài nước. Để rồi một nhà tạo mẫu phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của lụa Tân Châu, đưa đi trình diễn thời trang quốc tế đã gây tiếng vang lớn.

Đã xa rồi thời hoàng kim nhưng lụa Tân Châu (lãnh Mỹ A) vẫn nổi tiếng trong và ngoài nước. Để rồi một nhà tạo mẫu phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của lụa Tân Châu, đưa đi trình diễn thời trang quốc tế đã gây tiếng vang lớn.

Phơi lụa ở Tân Châu - Ảnh: Ngọc Minh
Phơi lụa ở Tân Châu - Ảnh: Ngọc Minh
Những năm trước, Tân Châu (An Giang) nổi danh là xứ tơ tằm. Lúc ấy, người dân nơi đây đi tới đô thị hay miệt đồng bưng nước lợ chỉ cần xưng là dân Tân Châu thì ai cũng biết liền: “Dân xứ lụa à?”. Theo Tân Châu xưa do Nguyễn Văn Kiềm biên soạn, Tân Châu nổi tiếng khắp miền Nam với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, nổi tiếng với cái tên lãnh Mỹ A, nên gọi là “xứ tầm tang”. Năm 1909, nhận thấy tầm quan trọng của nghề này, Pháp đã đồng ý cho dựng tại quận Tân Châu một công sở mang tên Sở Canh nông. Nghề trồng dâu nuôi tằm giúp nhiều người khá giả, có nhiều ông chủ dâu phát giàu đột ngột, vung tiền xài như công tử Bạc Liêu nên Tân Châu được ví là “xứ bòn vàng”. Lãnh Mỹ A được tiêu thụ khắp miền Nam và xuất sang Lào, Campuchia.
Vì sao lãnh Mỹ A lại nổi tiếng khắp nơi? Các bậc cao niên tại làng lụa đều nhớ rõ, lụa đó nhuộm từ mủ của trái mặc nưa nên có màu đen tuyền, mặc vào mùa nóng mát lạnh, mùa đông ấm áp, chất liệu lụa dai bền không hút nước, mặc càng lâu càng lên bóng nhìn quý phái... Lãnh Mỹ A có 2 loại: màu đen trơn và loại hoa bông. Thời ấy lãnh Mỹ A chỉ dành cho dân có tiền. Chiếc quần lãnh Mỹ A là niềm mơ ước của bao thiếu nữ, quý bà. Hồi xưa cưới vợ, gả chồng, quà tặng cho cô dâu trẻ và sui gia vùng xa là xấp lãnh Mỹ A. Nhưng tới năm 1970, theo thời thế, các hãng tơ tằm dệt bằng sợi ni lông thay cho tơ lụa truyền thống. Nương dâu ruộng tằm biến mất, cây mặc nưa bị đốn hạ, lần hồi xứ lụa trù phú ngày nào chỉ còn lại vài hộ cầm chừng giữ nghề xưa, trong đó có nghệ nhân Tám Lăng (tên thật là Nguyễn Văn Long). Ông Tám Lăng không đành lòng nhìn làng nghề hưng thịnh đang lụi tàn.
Lên sàn diễn thời trang quốc tế
Làng lụa mai một, nghe nhắc đến tên lãnh Mỹ A các thiếu nữ hững hờ, xa lạ. Đến năm 1992, xứ lụa lại rộn ràng nhưng cầm cự chẳng được bao lâu. Thế rồi năm 2003, lãnh Mỹ A lại lóe sáng khi anh Nguyễn Hữu Trí - con ruột nghệ nhân Tám Lăng - tìm tòi bí quyết nhuộm màu cho lụa, biến lụa đen truyền thống thành lụa có đủ sắc màu. Rồi cũng do cái duyên, nhà tạo mẫu Võ Việt Chung đã sử dụng lãnh Mỹ A làm chất liệu cho đề tài tốt nghiệp khóa tu nghiệp tại Ý. Từ đấy, lụa Tân Châu theo nhà tạo mẫu trẻ xuất hiện ở các tuần lễ thời trang quốc tế tại Malaysia, Đức...
Đình đám nhất là năm 2014, Võ Việt Chung đã đưa bộ thời trang làm bằng lãnh Mỹ A với tên gọi Huê khôi xứ Nam kỳ và lụa mặc nưa trình diễn tại Mỹ. Trang phục lãnh Mỹ A và mặc nưa do người đẹp Lý Nhã Kỳ khoác lên đã gây tiếng vang trong làng thời trang quốc tế.
Giữ nghề
Năm 2006, UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề tơ lụa Tân Châu là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Lãnh Mỹ A không tiêu thụ mạnh như xưa nhưng xứ lụa vẫn còn người tâm huyết như chủ cơ sở Hồng Ngọc, Tám Lăng, Út Sua, Hai Lộc, Chín Chừng. Thị trường tơ lụa Tân Châu chủ yếu tại Campuchia, Lào, Ý, Pháp... Mỗi năm các cơ sở sản xuất trung bình khoảng 100 cây lãnh Mỹ A, 600 cây ni lông - saten và khoảng 500.000 m gấm các loại. Hiện nay các cơ sở làm 3 mặt hàng gồm lãnh Mỹ A nhuộm trái mặc nưa giá bán khoảng 400.000 đồng/m; loại dệt ni lông - saten giá bán 40.000 đồng/m và gấm các loại dệt từ sợi polyte giá bán 20.000 đồng/m. Các chủ cơ sở nói ngắn gọn: làm nghề này sống được.
Những lúc tâm sự về lụa, ông Tám Lăng bồi hồi như sống lại thời trai trẻ. Ông đã hơn 60 năm gắn với cái nghiệp này. Mối thâm tình ấy đã thấm vào máu thịt không dứt ra được, bởi nghề lụa đến đời ông là đã đời thứ ba. Với lụa, ngoài cái tình, ông Lăng còn hồi ức bất tận về thời niên thiếu, về tình thân, niềm tự hào làng lụa truyền thống nên bao phen tưởng dứt nghề nhưng đâu bỏ được.
Bà Lê Thị Kiều Hạnh, chủ cơ sở Hồng Ngọc, là thế hệ thứ 3 gắn bó với nghề lụa. Bà tâm sự, nghề lụa đã dính kết với bà lúc còn thiếu nữ, nay bà đã bước sang tuổi 60 nhưng đam mê với lụa vẫn không bao giờ cạn. Bà Hạnh tự hào nay mai khi bà tuổi già sức yếu thì con bà là anh Trần Minh Trung sẽ kế nghiệp. Có điều, như bao nghệ nhân làng lụa khác, bà Hạnh vẫn buồn vì giữ được hồn lụa lại mất đi phần xác do thiếu cây mặc nưa, tơ tằm. Cây mặc nưa còn lác đác, tơ tằm cũng mất nên bây giờ dân xứ lụa phải lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) mua tơ, còn mặc nưa phải mua từ Campuchia.
Dân “Bàn tay đen”
Cây mặc nưa phải trồng gần nhà mới cho trái, lúc chín cho thứ mủ trắng đục nhưng khi dùng để nhuộm lụa lại tạo nên màu đen huyền trứ danh cho lãnh Mỹ A. Thợ nhuộm hàng rất dễ nhận ra vì hai tay đen xì, được gọi là “dân bàn tay đen” do mủ mặc nưa bám vào khó tẩy được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.