Sống để mình rạng rỡ

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
13/01/2019 06:55 GMT+7

Rất ít khi người ta có thể nhìn vào cõi sâu thẳm bí mật của một con người sắp từ giã cuộc đời. Quyển sách này lại tự người đó viết ra trong những ngày có thể gọi là “đếm ngược thời gian”.

Trần Thị Cúc Phương, tác giả, không phải là người nổi tiếng, không phải là người quan trọng, cô ấy chỉ là một phụ nữ bình thường và nghĩ về những điều bình thường nhất của cuộc sống.

Để thấy mình có ích

Nhà báo, đạo diễn Trần Thị Cúc Phương, hội viên Hội Điện ảnh VN, phụ trách Phòng Văn nghệ Đài PT-TH Đà Nẵng, là CTV thường xuyên của Báo Thanh Niên. Chị từng đoạt giải nhất cuộc thi viết về gương tình nguyện của T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức với tác phẩm Mỗi ngày ba mươi bảy vạn bước chân.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, người biên tập quyển sách Ngoài kia, trời rất xanh, nhận xét: “Chị Cúc Phương đã viết ra được cả những chấn động mạnh mẽ lẫn những rung động li ti trong tâm hồn mình. Vừa dữ dội, vừa bi thương, nhưng lại vừa nhân ái, ngọt ngào, tất cả dồn nén để làm hiện ra một con người với chất người sống động nhất”.
Đó là quyển sách của Trần Thị Cúc Phương viết trong những ngày cuối cùng chống chọi với căn bệnh ung thư và kịp hoàn thành trước lúc đi xa. Ngoài kia, trời rất xanh ra mắt bạn đọc đúng vào ngày giáp năm của cô ấy. Sau 10 ngày phát hành, sách đã được tái bản.
Cô ấy là vợ tôi.
Bình thường, rất hiếm khi (hoặc không bao giờ) chồng lại viết về sách của vợ và ngược lại, vì sẽ khiến người đọc nghĩ ở khía cạnh khác, kiểu “con hát cha khen”, nhưng tôi lại muốn tự mình làm điều này, bởi vì, tôi đã đọc nó không dưới một trăm lần kể từ khi cô ấy nói: “Em có viết quyển sách để trong máy tính, anh mở ra đọc, nếu trích được vài kỳ đăng trên Thanh Niên trước khi xuất bản lấy nhuận bút phụ thêm để mua thuốc”.
Lúc đó, Phương đã chiến đấu bốn năm rưỡi với hai căn bệnh ung thư trên một con người. Khi nghe cô ấy nói, tôi đã gần như gào lên: “Em cứ yên tâm điều trị, nhà mình còn tiền, nếu hết, chúng ta sẽ bán hết tất cả, nếu thiếu nữa thì ba con anh có thể đi làm thuê cả đời để trừ nợ. Miễn là em ở lại với ba con anh!”.
Phương cười rất hiền: “Em biết, nhưng như thế thấy mình vẫn có ích hơn”.
Tôi lặng đi, cứ để mặc hai hàng nước mắt giàn giụa.
Mong muốn của Phương là chia sẻ với bệnh nhân và người nhà của họ cách vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất. Đó cũng là cách mà cô ấy vẫn thấy mình có ích.

Chữ viết hoa kiêu hãnh

Một phụ nữ vốn dĩ nhìn thấy cái kim tiêm cũng ngất xỉu đã phải đối mặt với sự thật tàn nhẫn nhất. Trong lúc gia đình bấn loạn thì chính cô ấy lại rất bình tĩnh: “Đối diện với các vấn đề thay vì lẩn tránh chúng, ta sẽ giải quyết chúng tốt hơn”. Và cô ấy đã tự mình sắp xếp mọi chuyện.
Ngoài việc hợp tác với các bác sĩ để điều trị, cô ấy vẫn làm việc ở cơ quan với tư cách là người phụ trách Phòng Văn nghệ của Đài PT-TH Đà Nẵng. Thời gian mỗi ngày được chia ra rất nhỏ để có thể hoàn thành từng thứ một, tiết kiệm từng giây phút mà mình có cho đến tận phút cuối cùng.
“Cuộc đời của mỗi người cũng giống như một cuốn sách, có thể sẽ dày mỏng khác nhau. Trong cuốn sách đó, sẽ có rất nhiều chương. Có những chương vui, có những chương tẻ nhạt và khó đọc. Nhưng với tôi, cho dù chương tiếp theo có thế nào thì tôi cũng sẽ bắt đầu chương đó bằng một chữ viết hoa đầy kiêu hãnh”, Phương viết.
Điều cô ấy làm được là cho dù trong bi thương, những trang viết thấm đẫm lòng nhân ái, ngọt ngào. Cô ấy viết, như một sự thu xếp cho một cuộc chia tay. Viết cho từng người, ôn lại những kỷ niệm, nhắn lại những yêu thương và những chiêm nghiệm về cuộc sống.
“Viết cho mẹ chồng, các dì các o, cho anh trai, cho cháu ruột, viết cho đồng nghiệp, cho bạn bè, cho các bác sĩ y tá, cho một cô gái còn chưa biết tên, cho một chiếc lá, một bản nhạc, một ý tưởng vừa nảy ra trong đầu… Yêu thương tất cả và bao dung tất cả, không hậm hực, hờn dỗi với cuộc đời”, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, người biên tập quyển sách, cảm nhận.
Phương nghĩ: “Tại sao lại cứ phải loay hoay than khóc khi mà những người ta yêu thương đang rất muốn được nhìn thấy ta vui cười?”.
Vì sao tôi phải tự viết về quyển sách này? Là vì, hơn ai hết, suốt gần 5 năm gia đình tôi cùng Phương chiến đấu với bệnh tật, hơn ai hết, tôi cảm nhận được suy nghĩ của những gia đình, người thân cùng hoàn cảnh, có người bị ung thư, và tôi biết quyển sách sẽ rất có ích cho họ. Trong gần 5 năm cuối cùng, ít ai biết là Phương bị bệnh, vì lúc nào cô ấy cũng chăm chút để mình vẫn luôn tươi tắn, xinh đẹp nhất có thể. Cô ấy đã viết hẳn một chương có tựa: “Sống để mình rạng rỡ”.
Sinh thời, Phương nói: “Điều khó nhất của cuộc đời là làm một con người bình thường”. Hồi đó tôi không hiểu lắm và có phần thắc mắc, nhưng đọc xong quyển sách này, bạn sẽ chia sẻ ý nghĩ đó.
Và Phương đã làm được người bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.