Sống cùng ô nhiễm - Kỳ 4: Cả làng uống nước ô nhiễm

28/05/2015 07:00 GMT+7

Đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cho công bố kết quả điều tra mới nhất về nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” trong cả nước. Theo đó, trong số 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất, thì Lũng Vị xếp ở vị trí thứ hai.

Đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cho công bố kết quả điều tra mới nhất về nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” trong cả nước. Theo đó, trong số 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất, thì Lũng Vị xếp ở vị trí thứ hai.
Do chưa có nước sạch, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng ô nhiễm để sinh hoạt - Ảnh: Thanh TâmDo chưa có nước sạch, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng ô nhiễm để sinh hoạt - Ảnh: Thanh Tâm
Gần chục năm trở lại đây, thôn Lũng Vị (xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội) có nhiều người chết vì bệnh ung thư. Báo cáo của tiến sĩ Hồ Minh Thọ - Phó trưởng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung, Chủ nhiệm dự án điều tra nguồn nước tại 37 “làng ung thư”, đã chỉ rõ tại Lũng Vị nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của các hộ dân là nước giếng khoan, trong khi nguồn nước bề mặt xung quanh bị nhiễm asen, nhôm, mangan... rất cao. Đây là nguyên nhân khiến số người chết vì ung thư tăng theo thời gian.
“Sổ tử” của trưởng thôn
Theo ông Phạm Ngọc Kiên, Trưởng thôn Lũng Vị, cả thôn có hơn 400 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu. Trong cuốn “sổ tử” của ông Kiên ghi chép lại, năm 2014 có 12 người chết, đa số dưới 60 tuổi, người chết trẻ nhất chưa đến 30 tuổi. Có trường hợp như gia đình nhà cụ bà Nguyễn Thị Tuất (70 tuổi), từ năm 2011 - 2014, lần lượt 4 người con trai của cụ đều phải từ giã cõi đời do mắc phải căn bệnh ung thư gan, phổi...
Bà Nguyễn Thị Duy, cán bộ y tế xã Đông Phương Yên, cho biết cơ quan này đã đến thôn Lũng Vị kiểm tra và phát hiện 45 ca mắc bệnh ung thư, trong đó 40 trường hợp đã tử vong. Đa số bị ung thư phổi và ung thư gan. Điều bất thường là những ca mắc ung thư gan đều không nghiện rượu, bia.
Trước thực trạng này, cán bộ y tế đã tuyên truyền, vận động người dân cần có biện pháp xử lý nguồn nước sinh hoạt. Biện pháp thủ công nhất là mua thùng đựng nước, đổ cát và tro để gạn những cặn lắng, sau đó dùng vôi để khử chua. Đến nay, 75% dân trong thôn đã bỏ hơn 3 triệu đồng để mua máy lọc nước. Chỉ 6 - 7 hộ có điều kiện đã đầu tư xây bể đựng nước mưa về sinh hoạt. Tuy nhiên, do lượng nước sạch khan hiếm nên người dân chủ yếu dành để đun nấu, còn tắm giặt thì dùng nước chưa qua xử lý.
Đề án nước sạch vẫn còn trên giấy
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên, cũng xác nhận số người dân thôn Lũng Vị mắc bệnh ung thư nhiều bất thường. “Chính quyền địa phương đã kiểm tra và báo cáo lên cấp trên. Năm 2008, Sở Y tế tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước, kiểm tra. Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã về điều tra thực tế. Nhưng đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ các cơ quan chức năng. Người dân thì vẫn rất lo ngại về nguồn nước và loay hoay khắc phục. UBND huyện đã có đề án đầu tư dự án nước sạch tại địa phương. Tuy nhiên, đến giờ những đề án đó vẫn chưa được triển khai xây dựng”, ông Huấn cho biết.
Trong khi chờ đợi các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn vào cuộc thì người dân Lũng Vị vẫn từng ngày sống trong sợ hãi và tự tìm giải pháp để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Ông Trần Trọng Đức, một người dân của Lũng Vị, lo lắng: “Nguồn nước có mùi hôi và tanh lạ thường. Dùng nước này giặt quần áo sẽ xuất hiện những vết loang lổ. Nước chứa trong chậu sẽ tạo cặn, bên trên nổi váng...”.
Trên thực tế, nguồn nước tại Lũng Vị vừa khan hiếm, vừa bị ô nhiễm là do Lũng Vị nằm gần nơi có nhiều nhà máy hoạt động trước đây, như Nhà máy sản xuất sắt thép PHP (đã giải thể 6 năm trước do không đảm bảo các điều kiện bảo vệ môi trường), Nhà máy bia Trường Sơn cũng giải thể cách đây 3 năm và khu công nghiệp Trường Yên. Thời điểm các nhà máy còn hoạt động, nguồn nước xả thải chủ yếu đổ về xã Đông Phương Yên, qua Lũng Vị.
Một hộ làm bún làm khổ 5 hộ lân cận
Hơn chục năm qua, người dân tại 2 làng Linh Chiểu và Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, H.Triệu Phong, Quảng Trị) chịu hết xiết vì ô nhiễm do các hộ làm nghề bún gây ra. Một dự án quy hoạch, đưa các hộ làm bún vào khu riêng biệt, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm đã có gần 2 năm. Nhưng sau ngần đó thời gian, chỉ đủ để chính quyền và ngành chức năng... san ủi mặt bằng!
Ông Phan Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn thừa nhận tình trạng ô nhiễm do các cơ sở làm bún cho người dân 2 làng Thượng Trạch và Linh Chiểu là đáng quan ngại, kéo dài nhiều năm chưa thể giải quyết. “Cứ tính một hộ làm bún thì làm khổ 5 hộ lân cận và cả 2 làng này có đến 159 hộ làm bún, trong đó có 25 máy lớn. Các hộ này mỗi ngày thải ra ngoài từ 100 đến 200 m3 nước thải”, ông Vọng nói.
Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Trị đã đưa 2 làng Linh Chiểu và Thượng Trạch vào danh mục ô nhiễm cần khắc phục của tỉnh. Văn phòng chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục, cải thiện môi trường tỉnh cũng lập dự án, tìm nguồn đầu tư để tìm “lối thoát” cho 2 làng nghề, nhưng... chưa có kết quả.
Nguyễn Phúc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.