‘Sóng Cổ Cò vỗ nhịp’, mạch ngầm 550 năm danh xưng Quảng Nam của Lê Anh Dũng

Chảy theo mạch nguồn 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021), trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp (NXB Hội Nhà văn 2021) của nhà thơ Lê Anh Dũng, là những lát cắt tái hiện trầm tích lịch sử, truyền thống văn hóa thông qua một dòng sông.

Dòng sông Cổ Cò bàng bạc trong thơ của Lê Anh Dũng có tên xưa là Lộ Cảnh Giang, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cửa hội nhập đón nhận các thuyền buôn nhiều nước qua lại giao thương với xứ Đàng Trong mà cụ thể là xứ Quảng, từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) đến Cửa Đại (Hội An).

Trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp (NXB Hội Nhà văn 2021)

“Bất ngờ mà trùng ngộ/Bên chân núi Ngũ Hành/Sóng Cổ Cò vỗ cánh/Thành Nhất Trụ Trung Thiên” , tác giả dẫn dắt người đọc từ vùng đất văn hóa tâm linh được vua Minh Mạng ba lần về ngự xây dựng chùa chiền ở Ngũ Hành Sơn đến chợ Cầu (Điện Bàn).

“Xưa kia chợ Cầu Điện Dương/Dưới thuyền trên bến bốn phương tụ về/Hàng mộc, mây, ngói, đan tre/Thế giới xuất nhập vạn ghe bạn đường”, qua rừng dừa Bảy Mẫu: “Bồng bềnh thuyền, bềnh bồng mây/Bồng bềnh dừa nước hây hây nắng vàng/Chim, cò, sáo sậu ngân vang/Miền Tây thu nhỏ, Hội An ngỡ ngàng” hay về làng rau thơm danh tiếng Trà Quế, nhà thơ tự sự:“ Nhặt cọng rau giũ đất/Bỏ miệng nhai ngon lành/Rau- sống-phố thơm sạch/Mướt mát chiều thiên thanh

Do một trận bão năm 1916, sông Cổ Cò bị bồi lấp nhiều năm, hai năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã tổ chức nạo vét, từng bước khai thông mạch nguồn xưa đánh thức vùng lịch sử, xây dựng các làng nghề, khu đô thị sinh thái mới, thể hiện khát vọng làm giàu trong tiến trình hội nhập, phát triển:

Chảy đi Lộ Cảnh Giang/Chảy ngút ngàn cổ tích/Thức dậy bao trầm tích/Vùng lịch sử âm vang/Chảy đi Cổ Cò sông/Nối hai vùng di sản/Phố cổ và thương cảng/Một mạch nguồn khai thông”.

Sông Cổ Cò, đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Quảng Nam

Quốc tuấn

Sóng Cổ Cò vỗ nhịp là trường ca thứ 7 rất thành công của nhà thơ Lê Anh Dũng, mang hơi hướm sử thi về con sông Cổ Cò của vùng đất mở xứ Quảng, thể hiện khát vọng hội nhập, phát triển của Quảng Nam - Đà Nẵng trong hành trình mở cõi 550 năm; khi hoàn thành khai thông thì sẽ “trở thành một trong những con sông đẹp nhất Việt Nam” như lời Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh.

Được biết, nhà thơ Lê Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm thơ lục bát Vạn Xuân Việt Nam (còn có bút danh Hoa Cẩm Chướng), ông sinh năm 1962. Quê quán: Điện Bàn, Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 13 tập sách trong đó có 5 tập trường ca và 8 tập thơ.

Nhà thơ Lê Anh Dũng

NVCC

Trước khi cho ra đời trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp tựa mạch ngầm 550 năm danh xưng Quảng Nam, nhà thơ Lê Anh Dũng cũng từng đoạt nhiều giải thưởng: Giải ba cuộc thi truyện, ký của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng năm 2006; Giải ba cuộc thi thơ của Hội Nhà văn Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa thể thao Đà Nẵng; Giải thơ báo Lao động xã hội năm 2010. Ngoài ra ông cũng vinh dự nhận giải thưởng về Ký của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP.Đà Nẵng năm 2009.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.