Vườn rau xanh trên cánh đồng nứt nẻ

Đình Tuyển
Đình Tuyển
31/03/2020 06:33 GMT+7

Nếu như năm 2016, hạn mặn được xem là trầm trọng nhất lịch sử hàng trăm năm tại ĐBSCL thì chỉ 4 năm sau, một mùa hạn mặn khốc liệt hơn lại đến. Không còn cách nào khác, người dân hạ nguồn Mê Kông đang phải tìm cách thích nghi để “sống chung với hạn mặn”.

Ở Sóc Trăng, H.Long Phú được xem là “rốn” hạn mặn. Khác rất nhiều so với mùa khô hạn lịch sử 2016, năm nay nước mặn tới sớm từ cuối tháng 12 năm ngoái, len lỏi vào khắp các trục kênh chính nên hầu hết hộ dân không sản xuất vụ lúa xuân hè (còn gọi là lúa vụ 3). Cả vùng chuyên canh lúa Long Phú - Tiếp Nhật rộng hơn 40.000 ha của tỉnh Sóc Trăng gần như bỏ không, phơi nắng khô rang. Nhưng giữa những cánh đồng khô rang, những ruộng lúa vụ 3 chết héo vẫn có những vườn rau xanh đang thu hoạch, những vườn cây đang đâm chồi, nảy lộc.

Một rau bằng hai mươi lúa

Ngay cạnh cánh đồng khô khốc ấy, vườn rau rộng 3.000 m2 của vợ chồng ông Lâm Tal (61 tuổi, ở ấp Tân Lập, xã Long Phú) vẫn đang cho thu hoạch mỗi ngày. Đã mấy năm nay, gia đình ông Tal “sống khỏe” nhờ vào những liếp rau xà lách, cải ngọt, cải xanh và hành lá. Thậm chí vào mùa hạn rau càng có giá, ông Tal lãi càng nhiều. Ôm bó xà lách non mơn mởn, ông Tal phấn khởi bảo, mỗi liếp rau dài 10 m, ông thu hoạch được khoảng 50 kg, đem ra chợ bán với giá 25.000 đồng/kg. Liếp cải xanh, cải ngọt, năng suất thấp hơn một chút, giá bán 15.000 đồng/kg. Riêng hành lá giá hiện thời cũng được 20.000 đồng/kg. “Suốt từ Tết Nguyên đán tới giờ, mỗi ngày tôi thu gần 100 kg rau các loại đem ra chợ bán. Sau khi trừ các chi phí, kiếm lời được khoảng 80 triệu đồng. Tính ra một công trồng rau này có khi lời gấp hai chục lần trồng lúa”, ông Tal kể.
Sống chung với hạn, mặn: Vườn rau xanh trên cánh đồng nứt nẻ1Vườn rau xanh tốt của ông Lâm Tal cho thu nhập gấp 20 lần trồng lúa
Lợi nhuận “nghe thấy ham” vậy nhưng công sức ông Tal phải bỏ ra cũng cực gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ông bảo, làm màu cái quan trọng là chăm chỉ, chịu khó mỗi ngày. Sáng sáng thức dậy, phải xách từng thùng nước tưới rau, rồi làm đất gieo hạt. Chiều thì nhổ rau, xếp bó, đến khuya lại chở ra chợ bỏ mối. Nắng hay mưa đều vẫn phải lam lũ lao động. Cũng nhờ gieo hạt và thu hoạch luân phiên hết liếp này đến liếp khác nên vợ chồng ông Tal có rau bán gần như quanh năm. Ông Tal cho biết người làm rau vất vả nhất là những tháng hạn mặn dữ dội nhưng đây cũng là thời điểm nguồn cung hạn chế nên rau được giá nhất trong năm. “Không phải như mùa ngọt, nước sông bơm vô là tưới. Mùa này không có cách nào khác là xài nước ngầm, nhưng hết sức tiết kiệm. Nước được bơm lên trữ ở mương rồi hằng ngày múc tưới”, ông Tal nói và kể từ năm 2019, chính quyền địa phương không cho người dân khoan cây nước ngầm mới. “Mình may mắn có cây nước từ trước nhưng đâu dám ỷ y xài hao. Hết mấy tháng mặn cao điểm, mưa xuống nước ngọt dồi dào là lại xài nước sông, để cây nước nó phục hồi”, ông Tal nói.

“Nói không” với lúa vụ 3

Cạnh con lộ bê tông dẫn vào ấp Tân Lập, xã Long Phú là cánh đồng mênh mông đã ngưng sản xuất sau khi thu hoạch vụ đông xuân hồi tháng 1. Giờ đây cả cánh đồng khô queo, một số hộ đã đốt đồng, cày xới phơi đất chờ mưa. Dọc con kênh Bưng Long đưa nước vào nội đồng còn vài ruộng lúa vụ 3 đang “sống dở, chết dở” vì nhiễm mặn. Lúa trổ bông nhưng hạt không ngậm sữa, lép xẹp, xem như mất trắng. Chỉ tay về phía kênh Bưng Long nước mặn chát, ông Trần Văn Cửng (58 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Long Phú) nói: “Cuối vụ lúa đông xuân trước mặn đã vô tới con kênh này, vậy mà nhiều hộ vẫn liều xuống giống vụ 3. Một số sạ xong rồi bỏ, một số ráng đeo tới giờ cũng èo ọt không có ăn”.
Ông Cửng là nông dân trồng lúa có tiếng ở vùng Long Phú. Một mình ông gần như quán xuyến việc canh tác diện tích khoảng 120 công ruộng (12 ha) mà “khỏe re”. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Cửng cho rằng làm lúa vụ 3, trước kia nếu đủ nước thì trúng hơn cả hè thu và đông xuân. Nhưng khổ nỗi, mấy năm gần đây làm vụ 3 chẳng khác nào “đánh bạc” với thời tiết mà nông dân toàn cầm chắc phần thua. Ngay như ông, năm 2016 hạn mặn dữ dội, ông trồng vụ 3 thất thu, lỗ nặng. Tới năm 2017, sau vụ đông xuân, ông cho thuê ruộng với giá 1 triệu đồng/công/vụ 3. Năm đó, người thuê đất của ông cũng than như bọng vì lỗ vốn.
“Từ năm 2019 tới nay tôi chỉ trồng một năm hai vụ đông xuân, hè thu còn lại bỏ luôn vụ 3 cho đất nghỉ ngơi. Tính ra làm lúa vụ 3 không chỉ rủi ro cao mà đất canh tác quay vòng cả năm rất nhanh bạc màu, và phải sử dụng nhiều phân bón hóa học”, ông Cửng nói và cho biết: “Những diện tích trồng lúa vụ 3 nhiễm mặn như năm nay, tới vụ hè thu sẽ còn vất vả hơn. Trước khi làm đất, sẽ phải bơm nước xổ mặn vài lần, chưa kể xuống giống lúa chưa chắc đã sống. Ngược lại, ruộng ngưng vụ 3, sạ một lần là ăn ngay mà tiền giống, phân bón cũng giảm đáng kể”.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng), cho biết ngay từ cuối tháng 7.2019, khi mực nước sông Mê Kông xuống thấp nhất trong lịch sử, địa phương đã có dự báo xâm nhập mặn đến sớm trong năm nay. “Nhờ khuyến cáo người dân chủ động nạo vét kênh mương trữ nước, không xuống giống lúa vụ 3 mà diện tích lúa bị thiệt hại giảm rất đáng kể so với năm 2016”, ông Đạo nói. Nếu như 4 năm trước, cả tỉnh Sóc Trăng có tới 24.000 ha lúa, cây ăn trái bị ảnh hưởng nặng nề tới mất trắng thì năm nay chỉ có khoảng 2.000 ha lúa vụ 3. Hơn hết, chính người nông dân đã và đang tìm cách xoay chuyển, tìm những mô hình sản xuất thích nghi hơn với tình hình, với điều kiện thời tiết ngày càng nhiều biến đổi, khó khăn hơn. (còn tiếp)
Chuyển đổi cây trồng, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước
Cũng ngán ngẩm cây lúa, ông Trần Văn Hải, ở cách nhà ông Tal không xa vừa chuyển đổi 7 công ruộng thành vườn dừa xen canh chanh bông tím. Để biến ruộng lúa đã canh tác suốt 30 năm qua thành vườn cây đang đâm chồi như hiện nay, ông Hải phải đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và bỏ ra hơn 50 triệu đồng tiền đào mương lên liếp. Nặng vốn nhất là đầu tư một hệ thống tưới béc tự động cho cả khu vườn. Ông Hải tỏ vẻ tự hào khi hiệu quả lớn nhất ông thấy ngay là tưới nước siêu tiết kiệm, điều này vô cùng ý nghĩa với vùng đất thường xuyên phải đối diện với hạn mặn như Long Phú. “Trước đây, cũng diện tích này trồng lúa, tôi phải sử dụng máy công suất 9 mã lực bơm 3 giờ đồng hồ mới đủ nước cho lúa. Vậy mà giờ đây chỉ cần máy 2 mã lực bơm tới béc luân phiên 1 giờ là ướt như mưa”, ông Hải nói và tiết lộ đã lên kế hoạch trồng thêm mít Thái, chanh không hạt, sau đó xem loại cây nào hiệu quả sẽ ưu tiên phát triển mở rộng thêm diện tích vườn, cùng với đó là chăn nuôi thêm gà, nuôi bò, thả cá lóc, cá rô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.