Sống chung với dịch: ‘Pháo đài’ đừng ‘chĩa' vào doanh nghiệp

Chí Hiếu
Chí Hiếu
11/09/2021 15:24 GMT+7

Mỗi địa phương hãy là một pháo đài chống dịch, nhưng không ít địa phương làm quá, đã chĩa "nòng pháo" vào cả những doanh nghiệp còn sản xuất kinh doanh được trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch.

“Mỗi địa phương hãy là một pháo đài chống dịch thôi, đừng chĩa nòng pháo vào doanh nghiệp sản xuất. Nhưng tôi cảm giác như lãnh đạo tỉnh “thà bị kiểm điểm vì sản xuất đình trệ còn hơn là phải chịu trách nhiệm nếu dịch tại địa phương bung, nên nhiều khi pháo đài chĩa thẳng vào doanh nghiệp”.
Một chuyên gia kinh tế, từng nhiều năm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, rất có kinh nghiệm về chuỗi sản xuất, làm ăn với nhiều đối tác trong và ngoài nước, đã thốt lên như vậy khi chúng tôi hỏi về việc làm sao để duy trì sản xuất trong bối cảnh hiện nay.

Bản tin Covid-19 ngày 11.9: Cả nước 11.932 ca nhiễm | Tiến tới mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc

Nhiều đơn hàng bị thu hồi 

Ông nói: "Quả thật tôi không hiểu, vì sao Chính phủ chỉ đạo rất nhiều không để đứt gãy sản xuất, lưu thông mà đợt dịch nào cũng có vài địa phương bị các bộ ngành nêu đích danh ngăn sông cấm chợ. Hình như, có lãnh đạo địa phương loay hoay không biết phải làm sao, nhưng có lẽ cũng có nhiều lãnh đạo phân vân lựa chọn giữa trách nhiệm trong phòng chống dịch và trách nhiệm trong duy trì sản xuất. Có lẽ chỉ còn cách lý giải như vậy may ra mới hợp lý!".
Đó cũng là tâm trạng mà ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, chia sẻ với chúng tôi vào cuối tuần rồi. Giọng ông Giang thấy rõ sự mệt mỏi, chứ không còn quyết liệt, bức xúc khi nói về các vướng mắc của doanh nghiệp như cách đây 1 tháng.
“Lý do là vì đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng không còn là nguy cơ nữa mà đã là sự thật. Hầu hết các doanh nghiệp dệt may ở phía nam đã dừng sản xuất. Câu chuyện một hãng thời trang lớn có nhà máy ở miền Nam không kịp giao áo đấu cho câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới là hoàn toàn thật. Các nhãn hàng lớn đã bắt đầu rút đơn hàng, và trong số đó không ít là để chuyển cho ông hàng xóm, vì họ đã gần như phục hồi sản xuất”, ông Giang nói.
Ông Giang kể nếu như cách đây vài ba năm về trước, ngành dệt may Việt Nam chỉ tham gia công đoạn cuối trong chuỗi sản xuất toàn cầu của ngành may mặc là gia công thành phẩm rồi bàn giao cho nhãn hàng, thì giờ đây mọi việc đã thay đổi rất nhiều.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư rất nhiều vào khâu thiết kế, sáng tạo để cùng chào mẫu cho nhãn hàng. Nhờ đó, khi được nhãn hàng chọn mẫu và giao lại để sản xuất thì giá trị thu về trong chuỗi được nâng lên rất nhiều.
“Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với rủi ro, khó khăn nhiều hơn nếu chỉ làm gia công, nhất là trong tình hình hiện tại, bởi vì tính thời vụ rất ngắn. Ví dụ bây giờ đáng ra phải sản xuất để kịp giao hàng theo mode thu đông, nhưng tình hình này thì không còn kịp, mà không kịp là lỗi mode, thì đóng nguyên liệu đã nhập về nguy cơ phải bỏ chứ chưa chắc phù hợp với sản phẩm cho mùa xuân hay mùa hè sang năm”, ông Giang phân tích, và nói thêm đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp bị đối tác huỷ đơn hàng, để nhãn hàng chuyển sang cho các đối thủ khác.
“Sản phẩm từ khu thiết kế không ra được xưởng thêu, không xuống được nhà máy. Rất nhiều doanh nghiệp ở Long An, Tiền Giang có người người lao động, nhất là lao động ở khâu sáng tạo, quản lý là người TP.HCM, mà việc đi lại giữa các pháo đài giờ rất khó. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian dài thực hiện 3 tại chỗ đã phải dừng hẳn, không chỉ là chuyện vì chi phí cao mà vì thiếu lao động. Một dây chuyền 40-50 người mà giờ chỉ còn 25-30 thì làm sao chạy được. Cho nên hiện nay, chỉ còn các doanh nghiệp phía bắc mới hoạt động được thôi”, ông Giang than thở.

Covid-19 sáng 12.9: Cả nước 601.349 ca nhiễm, 363.462 ca khỏi | TP.HCM triển khai VNEID

Không thể bó hẹp trong 1 địa phương

Cuối cuộc trò chuyện, ông Giang cũng “báo tin” các doanh nghiệp vừa nhận được bản lấy ý kiến của TP.HCM về dự thảo quyết định của UBND TP.HCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch, chuẩn bị cho mở dần hoạt động kinh tế.
“Vấn đề là các địa phương khác cũng phải mở, vì TP.HCM có mở mà các địa phương khác vẫn loay hoay với thiết yếu hay không thiết yếu thì chuỗi cũng không thể hoạt động trôi chảy được vì tính liên kết của nó chứ không thể bó hẹp trong 1 địa phương”, ông Giang lưu ý.

Cứu lấy những phần còn sản xuất được đang là yêu cầu cấp thiết

Ngọc Thắng

Chuyên gia kinh tế Ngô Văn Tuyển nhận định, nếu chúng ta bị đình trệ trong bối cảnh cả thế giới cùng đình trệ (như đầu 2020) thì không nguy cấp bằng việc chúng ta đình trệ trong bối cảnh thế giới đã mở lại và hồi phục sản xuất.
“Vì khi đứt gãy chuỗi quốc tế thì lấy lại đơn hàng rất khó, các tập đoàn đa quốc gia sẽ dịch chuyển nhà máy để duy trì sản xuất. Điều này, với một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, với kim ngạch 300 tỉ USD, sẽ là vấn đề lớn với chuỗi cung ứng”, ông Tuyển cảnh báo.
Ông Tuyển lưu ý thêm các linh kiện, cụm chi tiết của các nhà máy ở những khu chế xuất phía nam đều là hàng giữa chuỗi sản xuất. Giá trị các mặt hàng này có thể chưa cao bằng nếu đem so với dệt may, da giày, điện thoại, nhưng một khi đánh mất bạn hàng thì khó hơn nhiều để lấy lại so với các ngành nghề thuỷ sản, lương thực, dệt may. Chưa kể, khối này lại rất nhiều nhà máy và lao động nên nếu đình trệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề an sinh xã hội.
Trước mắt, để tháo gỡ những đứt gãy liên quan đến các chuỗi cung ứng, một báo cáo của ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện đã đưa ra một số khuyến nghị với Chính phủ. Chẳng hạn, “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16. Thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành”.
Cùng với đó, cần cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư.
“Cơ chế “luồng xanh” cần được thay thế bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động”, báo cáo này khuyến nghị.
Trong suốt tuần qua, cả khi họp với các địa phương về phòng chống dịch lẫn khi lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp nước ngoài về đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá, sản xuất, Thủ tướng đều nhắc nhở các địa phương phải đảm bảo việc duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bên cạnh các biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương không ban hành các quy định không phù hợp với tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ về việc duy trì, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.