Sống chậm thời Covid-19

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/03/2020 07:33 GMT+7

Nhiều người trẻ đang gọi quãng thời gian này là sống chậm thời Covid-19 . Dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều mặt của cuộc sống . Nhưng ở góc độ tích cực, nó đang khiến mỗi người có thêm thời gian để tĩnh tâm.


Sống chậm bên gia đình

Là một người kinh doanh hoa cho các đám cưới, sự kiện tại Memory Wedding & Event, dịp Covid-19 này nhiều đám cưới, sự kiện bị hủy anh Phạm Hà Phú (31 tuổi, trú Q.Thủ Đức, TP.HCM) gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong lúc rảnh rỗi nhất trong suốt nhiều năm làm nghề của mình, anh Phú chọn cách suy nghĩ tích cực hơn, đó là dành thời gian sống chậm cho mình và người thân. Anh chăm chỉ nấu ăn hơn, thay cho thói quen ăn uống ở ngoài tiệm tốn kém và không an toàn. “Tôi nấu những món ăn theo mùa, như chè hạt đác, bánh lá dứa, vừa để ăn lại tặng cho những người bạn. Rồi có nhiều thời gian trồng thêm mấy thùng rau ở sân thượng, coi vậy mà hay bởi chăm sóc, tưới rau hằng ngày cũng để thời gian trôi qua ý nghĩa, lại có rau sạch để ăn”, anh Phú chia sẻ.
Công việc tại nhà sách trong dịp Covid-19 nhàn rỗi hơn, anh Mai Hưng (31 tuổi, trú 20C Đoàn Hoàng Minh, TP.Bến Tre) chọn lối sống chậm tích cực hơn bằng việc chăm chút cho số rau xanh và cây hoa hồng trồng trên sân thượng. Mỗi ngày ngắm những bông hoa mới nở, anh thấy như được truyền thêm năng lượng tích cực.

Tĩnh tâm bên trang sách

Trong dịch Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường khi không cần thiết, tránh tập trung nơi công cộng đông người, đồng thời các quán bar hay karaoke tại nhiều nơi cũng đóng cửa. Nhân dịp này, nhiều bạn trẻ lựa chọn giải trí ở nhà, lấy sách làm bạn.
Chị Phan Thị Hồng Huệ (28 tuổi, nhân viên Ngân hàng ACB, chi nhánh Q.5, TP.HCM), cho hay hết giờ làm việc ở văn phòng, thay vì bình thường đi cà phê với bạn bè, cùng ăn uống bên ngoài, dạo phố, thì thời gian phòng chống Covid-19, chị và em gái ở nhà nhiều hơn, mọi người cũng chăm chỉ nấu nướng hơn và sau đó cùng pha trà, đọc sách.
“Ở nhà tôi có cả tủ sách. Những dạng sách như hạt giống tâm hồn, chữa lành tổn thương tôi thích đọc hơn cả. Trong mỗi sự kiện xảy đến với mình, mình đọc được một cuốn sách đúng thời điểm cảm giác rất quý. Nó khiến mình thấy dịu lòng hơn, dễ tha thứ, bỏ qua hơn”, chị Huệ nói.
Lấy mục tiêu trong năm 2020 sẽ đọc xong 30 cuốn sách, và mỗi cuốn sách sẽ ghi lại những dấu ấn đặc biệt bằng những dòng ghi chú trong một cuốn sổ, nhưng sau chưa đầy 3 tháng đầu năm nay, chị Nguyễn Ngọc Thiện (29 tuổi), giáo viên một trường mầm non quốc tế tại H.Bình Chánh, TP.HCM, đã đọc xong 15 cuốn sách. Nấu nướng cũng là điều yêu thích của chị Thiện, và dịp này khi áp lực công việc không nặng như trước nên chị có cơ hội để sống chậm hơn cho cả hai sở thích. “Trước đây tôi thích đọc những cuốn sách như làm kinh tế giỏi, làm giàu cách nào hay làm sao để mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Sau này, tôi quan tâm tới những cuốn sách nền, giải quyết những nguồn gốc, cội rễ sâu xa của những vấn đề. Như cuốn Đúng việc của thầy Giản Tư Trung tôi đang đọc và rất thích, hay Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau của tác giả Brian L.Weiss. Tôi thường tự nhủ mỗi ngày phải đọc ít nhất 50 trang sách nhưng có khi với cuốn sách hay, tôi thường đọc không dứt ra được”, chị Thiện chia sẻ.
Người thành công luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Nói như bạn trẻ Phạm Hà Phú, Covid-19 là cơ hội để mỗi người tự refresh - làm tươi mới lại chính mình, chờ khi cuộc sống bận rộn trở lại: “Nếu chỉ biết than vãn và suy nghĩ tiêu cực, mọi thứ không tốt lên mà chỉ tồi tệ đi. Bình tâm giữa dịch bệnh, sống chậm lại, suy ngẫm những gì mình đã làm được và cần nỗ lực gì hơn, đó là lựa chọn của những người trẻ tích cực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.