Sống bất an dưới vùng sạt lở núi Cấm

21/11/2021 06:20 GMT+7

90 hộ dân với khoảng 150 nhân khẩu ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, H.Phù Cát (Bình Định) đã phải sơ tán khẩn cấp do núi Cấm bị sạt lở.

Trước đó, tối 14.11, núi Cấm bất ngờ sạt lở ở độ cao khoảng 150 m, tạo thành vệt sâu 6 - 7 m, hàng chục ngàn khối đất đá theo dòng nước tràn xuống, uy hiếp khu dân cư. Từ sáng 16 - 17.11, núi Cấm tiếp tục sạt lở nhiều lần tại vị trí thứ 2 (cách vị trí đầu tiên khoảng 300 m), bùn non, đất đỏ tràn vào khu dân cư. UBND xã Cát Thành đã phải sơ tán gần 90 hộ với khoảng 150 người sống dưới chân núi đến trường học và nhà dân ở nơi khác.

“Không dám ở đây nữa”

Dòng kênh dọc theo đường bê tông vào thôn Chánh Thắng đặc quánh bùn đỏ. Trên đường phủ một lớp dày bùn đỏ, phù sa, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Hầu hết gia đình phải dùng bao tải chứa cát, ván, cây gỗ… chặn trước cổng để ngăn bùn non tràn vào.

Núi Cấm bị sạt lở một vệt dài

HOÀNG TRỌNG

Từ chiều 15.11, 6 người trong gia đình ông Trần Bá Liêm (60 tuổi, ở thôn Chánh Thắng) được chính quyền sơ tán vào trường học để tránh xa điểm sạt lở trên núi Cấm. Sáng 16.11, khi núi Cấm lại sạt lở, đất, bùn non tạo thành dòng, chảy xuống xé toang 50 m bờ tường rào bằng gạch, tràn vào nhà ông Liêm. “Về nhà sợ lắm nhưng kẹt mấy con bò chưa biết sơ tán đâu nên phải về trông nom, chứ đâu dám ngủ ở nhà. Bây giờ chở lưới đi quây ở nhà họ hàng rồi sơ tán trước mấy con gà, vịt. Nếu trời mưa to thì núi Cấm còn sạt lở nữa, phải dời nhà đi nơi khác ở thôi”, ông Liêm nói.

Một người dân bật khóc khi thấy căn nhà của mình bị bùn đất lấp gần đến cửa sổ

Ngày 18.11, gia đình bà Đinh Thị Liền (61 tuổi, ở thôn Chánh Thắng) nhờ họ hàng đến hỗ trợ thu dọn đồ đạc, chuyển đến sống tạm tại nhà em gái ở thôn khác. Bà Liền kể sau đêm núi Cấm sạt lở tại điểm đầu tiên, tối 15.11, vợ chồng bà đóng cửa nhà, dắt con gái đang bị bệnh đến ở nhờ người quen đầu thôn. Sáng 16.11, cả gia đình dắt nhau về, khi đang dọn dẹp nhà cửa thì nghe núi lở ầm ầm, lập tức tháo chạy ra ngoài.

“Đồ dùng trong nhà ngập trong bùn đất. Nhà kho ngập sâu, có 22 bao lúa thu hoạch hồi tháng 5 và tháng 10 để dành ăn cũng ngập hết, còn lại 7 - 8 bao ở trên cao. Giờ tôi không dám ở đây nữa, lo sợ bị chôn sống lúc nào không hay”, bà Liền nói.

Do phá rừng trồng keo, bạch đàn?

Hiện núi Cấm có nhiều người trồng keo, bạch đàn, rồi san ủi núi làm đường để vận chuyển nên chân đất, đá bị hỏng, khi có mưa lớn sẽ xảy ra sạt lở. “Trên núi Cấm có nhiều tảng đá to, hiện 2 tảng đá đã bị xói lở, trôi xuống sát khu dân cư rồi nằm chắn giữa dòng chảy. Còn tảng đá Mục thì như cái bẫy trên đầu dân, nó mà sạt lở, lăn xuống nhà cửa, tài sản bị nghiền nát, người có khi còn không kịp thoát thân. Nhà chúng tôi ở bên dưới đá Mục, làm sao dám ở?”, ông Đỗ Văn Phước (70 tuổi, ở thôn Chánh Thắng) lo lắng.

Nhiều người dân thôn Chánh Thắng rất bức xúc, cho rằng núi Cấm bị sạt lở bất thường là do tình trạng trồng bạch đàn, trồng keo rồi san ủi núi làm đường gây ra sạt lở.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND H.Phù Cát và UBND xã Cát Thành đều cho rằng chưa xác định được nguyên nhân gây ra sạt lở núi Cấm.

Bố trí tái định cư cho dân

Sau sự cố sạt lở núi Cấm, UBND xã Cát Thành đã lập tổ công tác, cử ông Mai Văn Bé, Phó chủ tịch UBND xã Cát Thành, trực tiếp đến thôn Chánh Thắng để chỉ đạo công tác sơ tán và huy động các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả.

Theo ông Mai Văn Bé, có khoảng 35.000 m3 đất, đá tại 2 điểm sạt lở trên núi Cấm theo dòng nước chảy xuống khu dân cư. UBND xã Cát Thành huy động 3 xe đào, 7 xe công nông cùng lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân… đến giúp người dân thôn Chánh Thắng sơ tán tài sản, dọn dẹp bùn đất ngoài đường, khơi thông dòng chảy…

“Chúng tôi rà soát, căn cứ tình hình thực tế của địa phương đã xác định có khoảng 130 hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng của sạt lở núi Cấm cần được bố trí tái định cư. Hiện UBND xã Cát Thành đang lấy ý kiến người dân về điểm bố trí tái định cư ngay tại thôn Chánh Thắng hay ở thôn khác để báo cáo lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng xem xét”, ông Bé cho biết.

Ngày 20.11, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND H.Phù Cát, cho biết: “Để dân ở lâu bên dưới không thể yên tâm được. Nay sạt lở vậy chứ các đợt mưa sắp đến hoặc mùa mưa năm sau có khi sạt lở hơn nữa, đá lăn xuống thì nguy hiểm lắm. Chúng tôi cũng sẽ sớm có phương án để bố trí tái định cư cho người dân đang sống dưới chân núi Cấm”.

Đánh giá địa chất để có phương án khắc phục sạt lở

Từ ngày 25.10 đến nay, tỉnh Bình Định liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở núi. Trong đó, núi bà Hỏa (TP.Quy Nhơn) sạt lở ngày 25.10 khiến đất đá đổ ập xuống đường Nguyễn Tất Thành làm bị thương 1 người. Sáng 14.11, sạt lở núi làm hư hỏng 2 nhà dân ở P.Quang Trung (TP.Quy Nhơn) và núi Vũng Chua sạt lở khiến 2.000 m3 đất đá đổ xuống QL1D (thuộc P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn).

Chiều 14.11, đèo Bà Nam trên tuyến đường ĐT639 (thuộc xã Mỹ Thọ, H.Phù Mỹ) sạt lở, 150 m3 đất đá tràn xuống đường khiến 1 ô tô bị vùi lấp. Tối 15 và sáng 16.11, mưa lớn cũng gây sạt lở tại đèo Phú Thứ trên tuyến đường ĐT639 nối xã Mỹ Đức (H.Phù Mỹ) với xã Hoài Mỹ (TX.Hoài Nhơn) một đoạn 10 m, khối lượng 500 m3; tuyến đường Đèo Nhông - Mỹ Thọ (thuộc xã Mỹ Phong, H.Phù Mỹ) bị sạt lở dài 40 m, khối lượng 3.200 m3...

“Sau đợt mưa lũ này, UBND tỉnh Bình Định giao các sở, ngành, địa phương đánh giá toàn bộ địa chất để có phương án khắc phục các điểm sạt lở”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.