Sớm trình chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa

23/10/2023 04:25 GMT+7

Chiều 22.10, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 cho ý kiến báo cáo công tác năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 của ủy ban.

Tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đã nghe các báo cáo đánh giá các lĩnh vực ủy ban phụ trách, gồm: văn hóa, thể thao, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, thông tin - truyền thông; giáo dục và đào tạo; thanh niên và trẻ em.

Sớm trình chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa 350.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Liên quan Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết Bộ đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ sớm trình các cấp có thẩm quyền về chương trình này. Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề cần quan tâm như tên gọi hay nguồn lực.

Về tên gọi theo bà Thủy, hiện cũng có nhiều ý kiến băn khoăn như tên gọi mà Bộ Chính trị đã giao là "chấn hưng và phát triển văn hóa, con người VN" hay chỉ đơn giản là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Về nguồn lực, theo bà Thủy là khó khăn lớn nhất hiện nay khi có nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng chưa có đủ căn cứ để trình nguồn lực.

Trước đó, thông tin từ Bộ VH-TT-DL cho biết nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này là 350.000 tỉ đồng. Nhiều bộ, ngành như Bộ KH-ĐT, Bộ Nội vụ đã có ý kiến đề nghị Bộ VH-TT-DL rà soát kỹ số kinh phí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng nguồn lực ít hay nhiều sẽ có sự cân đối; tuy nhiên quan trọng nhất chính là chương trình sẽ ưu tiên, tập trung cho việc gì và giải quyết thế nào.

Ông Vinh cũng đề nghị Bộ VH-TT-DL là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trao đổi, thông tin thêm về nhu cầu của phát triển văn hóa để tránh việc dư luận "hiểu hơi nặng nề về kinh phí". "Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất gần đây là thiếu thông tin. Ngay cả chúng tôi đọc báo mới biết con số 350.000 tỉ đồng chứ cũng chưa biết, chưa hình dung nó thế nào. Do đó, thay vì con số tổng thì Bộ VH-TT-DL cần giải thích cho người dân việc cần làm thì tôi nghĩ xã hội sẽ ủng hộ thôi", ông Vinh nói thêm.

Có nên phổ cập thi trắc nghiệm ?

Liên quan lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu thực tế các luật Giáo dục đại học và luật Công chức, viên chức chưa phù hợp lẫn nhau. "Giảng viên trường đại học đồng thời cũng là viên chức. Thực tế văn bản pháp luật chưa đồng bộ. Rất nhiều trường đại học khi thực hiện không biết tuân theo cái nào. Nhà giáo nói chung cũng như vậy", ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng cơ sở giáo dục đại học không chỉ là đơn vị sự nghiệp công mà còn đào tạo nhân lực, đây là việc đầu tư cho phát triển. Do đó, nếu coi giáo dục đại học chỉ như đơn vị sự nghiệp công mà không xem xét tính chất đặc thù thì chắc chắn còn nhiều vướng mắc.

Thừa nhận vướng mắc mà ông Sơn đề cập, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết hiện đã có kế hoạch xây dựng luật Nhà giáo để giải quyết những khác biệt, đặc thù này. Liên quan tới giáo dục phổ thông, ông Vinh nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt được nhiều kết quả. Theo ông Vinh, vấn đề băn khoăn nhất là việc tổ chức kỳ thi vào năm 2025, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục suy nghĩ về câu chuyện có nên "phổ cập thi trắc nghiệm" vì việc thi, kiểm tra ở những kỳ thi lớn có tác động lớn đến quá trình dạy và học của toàn hệ thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.