Việt Nam 'cho không' các nước số tiền thuế rất lớn?:

Sớm thống nhất một mức thuế suất

13/08/2023 05:04 GMT+7

Trong khi doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi từ chính sách thuế giá trị gia tăng thì doanh nghiệp trong nước đang khổ sở vì bị găm tiền hoàn thuế. Nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm thống nhất một mức thuế suất để tránh những bất cập trên.

"Găm" thuế

Đến đầu tháng 6, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến và xuất khẩu gỗ chưa được cơ quan thuế hoàn lại lên đến hơn 6.000 tỉ đồng. Sau rất nhiều công văn, đơn kiến nghị của DN lẫn hiệp hội, theo ông Lê Minh Thiện, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, trong 2 tháng 6 và 7 vừa qua, số lượng DN trong ngành được hoàn thuế GTGT đã tăng so với các tháng đầu năm. 

Dù vậy, còn nhiều DN hiện vẫn tiếp tục phải chờ khâu xác minh đối với các bên liên quan. Để việc hoàn thuế GTGT cho DN diễn ra nhanh hơn, ông Thiện cho rằng cần thực hiện theo đúng quy định của luật Thuế GTGT. Riêng đối với vấn đề xác minh hồ sơ thì không chỉ cơ quan thuế mà cần phải có cơ chế phối hợp với các ban ngành khác nhanh hơn. Ví dụ, đối với những DN bị vướng vào vấn đề hóa đơn mà sau đó cơ quan thuế chỉ ra là DN xuất hóa đơn không còn… thì phải có sự tham gia, kiểm tra từ Sở Kế hoạch - Đầu tư. Đồng thời cơ quan thuế phải cập nhật thông tin các DN vi phạm đó liên tục để các đơn vị sản xuất biết. 

Song song đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành. Hay có một số trường hợp xác định có DN cố tình trục lợi để gian lận tiền thuế GTGT thì cũng phải có điều tra và kết luận nhanh hơn. Không vì một vài đối tượng vi phạm mà ách lại hồ sơ của các đơn vị sản xuất chân chính. Bởi việc chậm hoàn thuế GTGT đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu vốn, buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động.

Sớm thống nhất một mức thuế suất - Ảnh 1.

Số tiền thuế GTGT của các DN ngành chế biến và xuất khẩu gỗ thường chậm được cơ quan thuế hoàn lại

Phạm Hùng

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) mới đây cho rằng quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đang gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Điều này cần được giải quyết một cách thấu đáo trong lần sửa đổi luật Thuế GTGT tới đây, nếu không sẽ khiến sản xuất trong nước tiếp tục chịu thua thiệt, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của đất nước. 

Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để loại bỏ các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế theo một số nguyên tắc. Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà VN không nhập khẩu từ nước ngoài (hoàn toàn tự sản xuất, cung ứng và tiêu dùng trong nước) thì tiếp tục duy trì diện không chịu thuế. Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà VN có nhập khẩu từ nước ngoài để tiêu dùng trong nước thì cần loại bỏ khỏi diện không chịu thuế mà chuyển sang các mức thuế suất phù hợp.

VCCI đưa ra 4 phương án nhưng nghiêng về phương án cuối cùng. Đó là toàn bộ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước (không thuộc diện xuất khẩu) được phân loại vào hai nhóm với thuế suất 5% và 10%. Cụ thể, chuyển toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế sang diện thuế suất 5%; không còn diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế. Nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% được bổ sung vào diện cho phép lựa chọn phương pháp tính thuế khấu trừ hoặc phương pháp tính thuế trực tiếp. 

Như vậy, đối với các DN trong nước sản xuất các mặt hàng không thuộc diện chịu thuế theo pháp luật hiện hành có chi phí thuế chưa được khấu trừ trong giá thành sản phẩm nhỏ hơn 5% sẽ có xu hướng lựa chọn phương pháp tính thuế trực tiếp (thuế suất 0% trên doanh thu và không được khấu trừ đầu vào). Về lý thuyết, diện không chịu thuế và diện thuế suất 0% trên doanh thu theo phương pháp trực tiếp là tương đương, do đều không có thuế đầu ra và không được khấu trừ thuế đầu vào. Như vậy, việc kê khai và nộp thuế đối với nhóm này không có gì thay đổi lớn so với hiện hành.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, nhận xét: Phương án này có ưu điểm là cơ quan soạn thảo không cần thực hiện khảo sát để tìm hiểu chi phí thuế chưa được khấu trừ trung bình của các loại hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước là bao nhiêu. Đồng thời cũng không phát sinh các mức thuế mới mà vẫn chỉ có các mức 5% và 10% như hiện hành. Nhược điểm là có nguy cơ bị phản ánh là hàng hóa nhập khẩu bị đối xử kém thuận lợi hơn so với hàng hóa trong nước, do hàng hóa nhập khẩu buộc phải nộp thuế 5% trên giá trị hải quan, còn hàng hóa trong nước được lựa chọn nộp theo phương pháp khấu trừ (5% trên GTGT) hoặc phương pháp trực tiếp (không được khấu trừ thuế đầu vào). Tuy nhiên, nguy cơ này không cao, do hiện nay VN đã có quy định về việc cho phép DN trong nước được chọn giữa phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp, trong khi hàng hóa nhập khẩu buộc phải nộp thuế theo trị giá hải quan.

Cần giảm bớt thuế suất, thống nhất một mức khi thực hiện

Trong dự thảo sửa đổi luật thuế GTGT lần này, ban soạn thảo thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT, đưa lên chịu thuế suất 5%. Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng cần có phần đánh giá tác động cụ thể những ảnh hưởng khi điều chỉnh thuế suất thuế GTGT những mặt hàng này như thế nào đến thị trường cũng như người dùng. Việc sửa luật hiện nay không những nhằm khắc phục những bất cập tồn tại trong thực tế mà cần hỗ trợ cho DN trong sản xuất kinh doanh. Ngoài việc điều chỉnh đối tượng không chịu thuế, trong lần điều chỉnh thuế GTGT lần này, ban soạn thảo còn điều chỉnh những mặt hàng thuế suất 5%, 10%. Điều này cần xem xét một cách thấu đáo, không nên chú trọng quá nhiều vào việc tăng thu ngân sách. 

Trong 2 năm khó khăn hiện nay, nhà nước đã thực hiện điều chỉnh giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, thế nhưng số thu thuế GTGT vẫn ở mức cao. Ngoài ra, chính sách thuế cần tính đến thống nhất một mức thuế suất GTGT, ở mức 8%. Bởi mức này đã có kinh nghiệm thực hiện thời gian qua nên dễ thực hiện, đồng thời vấn đề hoàn thuế GTGT cũng rõ ràng, minh bạch hơn, khắc phục những hạn chế trong hoàn thuế GTGT, cũng như gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cùng quan điểm, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng về nguyên tắc, những hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích, ưu đãi không chịu thuế GTGT, hay thuế suất 5%, thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, tiếp cận được giá thấp. Thế nhưng trong trường hợp DN rơi vào tình trạng thuế suất đầu vào và đầu ra GTGT có chênh lệch thì chưa chắc giá thành sản phẩm đã thấp. DN muốn tồn tại phải có lãi, trong khi thuế suất đầu vào 10% mà đầu ra 0% hay 5% họ cũng phải tính vào giá thành khi chi phí tăng lên. Ở đây, nhà nước không thu được thuế mà người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi. Ông Trần Xoa kiến nghị: "Trong trường hợp chữa cháy thì cho các đối tượng thuộc diện không chịu thuế nhận tiền hoàn thuế nếu có chênh lệch, còn không thì được tính vào chi phí. Về lâu dài, cần thống nhất một mức thuế suất GTGT để dễ thực hiện, không gây ra những bất cập trong thực tế".

Cần bỏ đối tượng không chịu thuế

Cần bỏ đối tượng không chịu thuế trong sửa đổi luật Thuế GTGT nhằm hỗ trợ người mua tiếp cận được giá thấp, cũng như hỗ trợ phát triển ngành nghề, lĩnh vực đó. Đối với những lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thì giữ lại mức thuế suất 5%. Ngoài ra, ban soạn thảo cũng nên cân nhắc điều chỉnh giảm thuế suất 10% xuống còn 8% trong đợt này.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.