Sớm hoàn thiện thể chế kinh tế vùng

23/06/2023 06:18 GMT+7

Ngày 22.6, tại TP.HCM, Hội đồng Lý luận T.Ư phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học 'Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng bộ TP.HCM trên các lĩnh vực'.

Hội thảo thu hút hơn 80 đại biểu đến từ Hội đồng Lý luận T.Ư, đại diện các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và TP.HCM.

Sớm hoàn thiện thể chế kinh tế vùng - Ảnh 1.

Cần đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ giữa TP.HCM với khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ

Độc Lập

"Đầu tàu" TP.HCM khó huy động vốn

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ TP.HCM đang tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, còn Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ vào cuối tháng 7.2023. Do vậy, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện quá trình triển khai tổ chức thực hiện; xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá cũng như những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.

Hiện Quốc hội đang xem xét thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại kỳ họp đang diễn ra. Ông Hải đánh giá nghị quyết mới sẽ tạo nên những thuận lợi, tạo đà và động lực cho TP.HCM phát triển xứng tầm hơn.

Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định tuy TP.HCM đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chưa ghi nhận dấu hiệu đột phá trong phát triển, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào vốn và lao động. "Điều này cho thấy TP.HCM gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển cũng như việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công", ông Hoan đánh giá.

Ngoài ra, TP.HCM còn đối mặt với nhiều thách thức như quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm; thị trường bất động sản, thị trường tài chính và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; hạ tầng kinh tế, xã hội quá tải ngày càng gia tăng; năng lực quản trị có phần không theo kịp yêu cầu quản lý phức tạp của một đô thị quy mô lớn…

Nêu giải pháp tập trung từ nay đến năm 2025, ông Hoan cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Về nguồn nhân lực, TP.HCM sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng thành phố thông minh, xã hội số...

Đẩy nhanh giao thông liên vùng

Trao đổi tại hội thảo, đại diện các địa phương điểm lại quá trình tổ chức thực hiện và một số kết quả quan trọng sau nửa nhiệm kỳ. Các tham luận, ý kiến đều tập trung vào 3 đột phá chiến lược: thể chế, nhân lực và hạ tầng. Vấn đề liên kết vùng, đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ giữa TP.HCM với khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ được nhiều đại biểu cho rằng cần phải đẩy nhanh, đặc biệt là dự án Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân tích với vai trò hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, cần định hình cơ cấu kinh tế TP.HCM trên phạm vi vùng và xây dựng thể chế kinh tế vùng. Trong đó, tập trung vào 4 nội dung liên kết: quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, lĩnh vực và địa bàn; xây dựng kết cấu hạ tầng chung, nhất là giao thông; giải quyết vấn đề môi trường chung; phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung.

Các hoạt động kinh tế phải "thị trường" hơn

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đặt ra, thì TP.HCM phải có tốc độ tăng trưởng cao hơn 1,2 - 1,5 lần bình quân cả nước, các hoạt động kinh tế phải "thị trường" hơn các nơi khác.

Bên cạnh đó, TP.HCM phải nâng cao vai trò là cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế, mà dự án trọng điểm là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

Về thể chế, chuyên gia này cho rằng TP.HCM phải là nơi thực hiện thử nghiệm các cơ chế mới cao hơn quy định chung cả nước thì mới thu hút được nguồn lực. Nếu như trước đây, TP.HCM là nơi lập nghiệp của người dân các tỉnh, thì trong tương lai phải là nơi khởi nghiệp của cả nước và cả khu vực.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng tại các địa phương là rất quan trọng trong hoàn cảnh rất đặc biệt, như tác động của đại dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine. Riêng TP.HCM, dù trong điều kiện đặc biệt khó khăn, phức tạp nhưng vẫn giữ được tăng trưởng, thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Kết quả này cho thấy TP.HCM nỗ lực rất lớn, đóng góp quan trọng vào nguồn thu chung cả nước.

Lãnh đạo Hội đồng Lý luận T.Ư cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các góp ý tại hội thảo và tiếp thu có chọn lọc để xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chủ trương chung của Đảng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.