Sớm giải tỏa xe hàng ùn ứ ở các cửa khẩu phía bắc

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/12/2021 06:19 GMT+7

Chiều qua 26.12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến ngày 25.12, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe ùn ứ, trong đó nông sản chiếm đến 80%. Lý do bởi thủ tục giao nhận, quy trình kiểm dịch thực hiện chặt chẽ hơn.

Vẫn còn hơn 5.000 xe hàng ùn ứ ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh

Hai Hiếu

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta thời gian qua là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch)… Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, các doanh nghiệp (DN) chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân dù Bộ đã chỉ đạo tăng cường năng lực tiêu thụ ở thị trường nội địa. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu thông tin trong 1 tháng qua đã hội đàm 50 cuộc các cấp, viết thư trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thông quan hàng hóa. Nhưng hiện 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe hàng hóa qua cả hai cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma, trong khi cửa khẩu Tân Thanh chưa mở lại. Ông đề nghị trước mắt DN cần hạn chế đưa hàng xuất khẩu lên biên giới; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh…

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu cùng với việc các địa phương hạn chế đưa hàng lên biên giới, các bộ Ngoại giao, Công thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa của cả hai nước đang ùn tắc tại cửa khẩu, trong đó ưu tiên cho hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container đang ùn ứ.

Về lâu dài, Bộ Y tế, ngành hải quan, UBND các tỉnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới. Đặc biệt, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân và DN chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, khai thác triệt để các dư địa của thị trường nội địa...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.