Sôi động đường đua xe mô hình tự chế của sinh viên

17/07/2016 14:15 GMT+7

Các đội cho xe đua vào mô hình được thiết kế riêng, với tổng chiều dài đường đua là 76 m, có dốc; mỗi xe phải hoàn thành 2 vòng đua/trận...

Những chiếc xe mô hình do sinh viên (SV) Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tự chế có cấu tạo và nguyên lý hoạt động giống như chiếc xe trong thực tế. Tuy nhiên, kích thước thu nhỏ (dài: 80 cm, rộng: 50 cm, cao:50 cm), do SV tự thiết kế và chế tạo hơn 50% trong toàn bộ chiếc xe.
Các đội cho xe đua trên vào mô hình được thiết kế riêng, với tổng chiều dài đường đua là 76 m, có dốc; mỗi xe phải hoàn thành 2 vòng đua/trận. Xe chạy bằng động cơ xăng và có một thành viên đứng trong vòng đường đua để điều khiển từ xa bằng một cái remote thông qua sóng RF hoặc bluetooth.
Lần đầu tiên cùng cả đội tập tành thiết kế động cơ xe, Nguyễn Anh Toàn hào hứng: “Một điều thú vị là những người tham gia luôn có cảm giác chờ đợi chiếc xe của mình trình diễn như thế nào trên đường đua, vì phần lớn xe dự thi do tự mày mò chế tạo. Vì vậy, cứ sau một vòng đua thì người chơi sẽ nhận ra chiếc xe của mình còn những hạn chế, khiếm khuyết ở chỗ nào để bổ sung, khắc phục cho nó hoàn thiện hơn”.
Mặc dù là nữ nhưng Phạm Thị Thanh Giang, SV khoa điện - điện tử, cũng cảm thấy thú vị: “Ngay từ nhỏ em đã có niềm đam mê với việc chế tạo máy móc và thiết kế ra những chiếc xe. Khi tự chế xe, em được trải nghiệm và học nhiều điều thú vị. Đó là để có một sản phẩm sáng tạo thành công, chúng ta phải có sự đầu tư trong nghiên cứu, trao đổi, thử nghiệm nhiều lần. Học được cách vận hành từ lý thuyết vào thực tế một cách tốt nhất, cũng như kỹ năng sáng tạo, làm việc nhóm một cách hiệu quả”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạnh, Phó trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: “Việc tổ chức cho SV thiết kế xe mô hình tự chế nhằm giúp SV biết cách vận dụng những kiến thức lý thuyết từ sách vở, sau đó tổng hợp để tạo ra những sản phẩm có thể áp dụng thành công trong thực tế. Điều đặc biệt là sản phẩm xe mô hình có sự kết hợp giữa phần cơ khí, điện và điện tử. Chính vì vậy, SV học những ngành khác nhau có cơ hội được cọ xát nhiều hơn với thực tế, tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên môn đa ngành”.
Theo thạc sĩ Thạnh, SV ngành ô tô có thể làm quen với cấu tạo và nguyên lý hoạt động của một chiếc ô tô, biết về động cơ xăng 2 thì để hiểu và có thể chế tạo thành công bộ truyền động cho xe chạy trên thực tế. Còn SV ngành điện - điện tử, cơ khí có thể hiểu kết cấu và nguyên lý của hệ thống điều khiển điện tử để kết nối điều khiển xe từ xa: điều khiển tay ga, rẽ trái, phải; ứng dụng các môn học vẽ kỹ thuật, hàn, nguội, công nghệ chế tạo máy để thiết kế và chế tạo các chi tiết và khung xe...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.