Sốc với giá trị đơn hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Mai Phương
Mai Phương
27/07/2023 06:34 GMT+7

Số lượng giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử quý 1/2023 tăng vọt bất thường, nhưng tổng giá trị giao dịch lại sụt giảm so với quý 4/2022. Tính trung bình, mỗi đơn hàng chỉ có giá trị khoảng... 1.000 đồng. Con số này gây kinh ngạc cho nhiều người.

Chỉ hơn 1.000 đồng cho một đơn hàng ?

Báo cáo từ Tổng cục Thuế mới công bố cho biết, Cổng thông tin thương mại điện tử (TMĐT) đến nay đã ghi nhận 333 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki… 

Cụ thể, thông tin của các sàn cung cấp thì trong quý 4/2022 có 159.218 cá nhân và 31.882 tổ chức có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, với 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt 15.272 tỉ đồng. Trong quý 1/2023 (tính đến ngày 24.6) có 64.327 cá nhân và 22.840 tổ chức kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, với 9 tỉ lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 11.478 tỉ đồng. 

Nếu tính bình quân thì trong quý 4/2022, giá trị giao dịch của một đơn hàng đạt hơn 301.000 đồng; tuy nhiên quý 1/2023, số lượt giao dịch tăng gấp 177 lần nhưng giá trị giao dịch bình quân lại giảm xuống hơn 300 lần, chỉ còn khoảng 1.200 đồng/đơn hàng. Con số này khiến nhiều chuyên gia kinh tế, cá nhân đều bất ngờ.

Sốc với giá trị đơn hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử   - Ảnh 1.

Số thu thuế từ hoạt động TMĐT vẫn thấp so với giao dịch thực tế

NHẬT THỊNH

Th.S Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay khi vừa đọc số liệu trên, ông hoàn toàn bất ngờ và không thể hiểu được vì sao 2 số liệu có sự chênh lệch rất xa nhau giữa 2 quý liền kề. Theo ông, có thể có 2 vấn đề xảy ra. Thứ nhất là các cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn TMĐT cũng có sử dụng công cụ để làm tăng lượt giao dịch như một chiêu quảng cáo, bán hàng. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ giao dịch thành công trên số lượt giao dịch trong quý đầu năm nay đạt đến 99,97% - hầu như tuyệt đối, nên loại trừ chuyện tăng lượt giao dịch "ảo". Thứ hai là người bán hàng có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp theo quy định.

Đồng tình, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng nhận định số liệu nói trên cho thấy rõ sự nghịch lý. Trong khi lượng giao dịch tăng vọt đến con số vài trăm lần thì giá trị giao dịch bình quân lại giảm mạnh hơn 300 lần là khó hiểu, vô lý. Điều này đặt ra vấn đề cơ quan thanh tra thuế, thanh tra Bộ Tài chính cần có sự kiểm tra lại các thông tin từ báo cáo của các sàn TMĐT. Từ đó công khai xem liệu có vấn đề gì sai sót hay không, có chuyện giấu doanh thu để trốn thuế hay không? Bởi từ trước đến nay, chính ngành thuế cũng đã thừa nhận TMĐT là lĩnh vực vẫn đang thất thoát thuế khá lớn, cơ quan thuế chưa kiểm soát được hết hoạt động kinh doanh mua bán cũng như doanh thu thực tế của nhiều cá nhân, tổ chức. Khi có những trường hợp sai phạm bị xử lý, truy thu thuế thì phải công khai rộng rãi để mang tính răn đe các hành vi tương tự có thể xảy ra, hạn chế thất thu thuế.

Sốc với giá trị đơn hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử   - Ảnh 2.

Hiếm có sản phẩm nào giá 1.000 đồng

Tổng cục Thuế cho biết đang khẩn trương xây dựng quy chế về khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu tiếp nhận được từ các sàn TMĐT, nâng cao hơn nữa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này. Về công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế đã phân công nhiệm vụ triển khai công tác kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với một số người nộp thuế là chủ sở hữu sàn TMĐT, các đơn vị là trung gian thanh toán, các công ty đối tác nước ngoài tại VN và một số nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại VN. Đến nay, ngành thuế đã ban hành và tiến hành kiểm tra tại 15/18 doanh nghiệp và đã hoàn thành, ban hành quyết định xử lý đối với 13 doanh nghiệp, với tổng số xử lý, phạt, truy thu thuế, lệ phí 129,1 tỉ đồng…

Theo Tổng cục Thuế, hiện có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, gồm các tập đoàn lớn như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp là 3.944 tỉ đồng, trong đó 3.405 tỉ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử và 539 tỉ đồng do các bên VN khấu trừ, nộp thay.

Mặc dù đã có những nỗ lực của cơ quan quản lý thuế nhưng nếu tính trên thực tế, số thuế thu từ hoạt động TMĐT vẫn quá nhỏ bé so với giá trị giao dịch. Cụ thể, tổng số thu thuế đối với hoạt động TMĐT nói chung (bao gồm cả hoạt động cung cấp dịch vụ trên nền tảng số) từ các tổ chức, cá nhân VN trên toàn quốc năm 2021 là 261 tỉ đồng; năm 2022 tăng cao với 716 tỉ đồng, bằng 274% số thu năm 2021; 5 tháng đầu năm 2023 đạt 246 tỉ đồng, bằng 34% số thu năm 2022. Trong khi đó, Sách trắng TMĐT VN năm 2022 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) của VN năm 2022 đạt khoảng 16,4 tỉ USD (tương đương hơn 393.000 tỉ đồng) thì con số thuế đã thu chỉ như "muối bỏ biển".

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét số liệu báo cáo từ các sàn TMĐT trong quý 1/2023 là quá lạ. Hàng hóa gì mà giao dịch bình quân chỉ hơn 1.000 đồng/đơn hàng? Trên thị trường hiện nay cũng rất hiếm có sản phẩm nào được bán với giá chỉ 1.000 đồng mà đã cao hơn rất nhiều. Tổng cục Thuế đủ sức để làm rõ thông tin này và có thể công khai để dư luận không còn thắc mắc. 

Quan trọng hơn, hoạt động TMĐT vẫn đang là xu hướng lớn không chỉ trên thế giới mà còn diễn ra mạnh ở VN. Tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng nhưng không khai báo, có thể giấu bớt doanh thu… có thể diễn ra. Trong khi giao dịch TMĐT sẽ ngày càng nhiều với giá trị càng lớn nên dư địa về nguồn thu thuế cũng sẽ cao. Ngành thuế vẫn cần phải có nhiều giải pháp để quản lý, thay vì chỉ tập trung vào các nguồn thu cũ như cá nhân làm công ăn lương, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã đăng ký hoạt động. 

Chẳng hạn như tập trung vào một số hàng hóa có giao dịch thường xuyên trên các sàn TMĐT và chỉ cần sử dụng công cụ tìm kiếm một lần là sẽ xuất hiện ngay các điểm kinh doanh lớn. Danh sách này có thể được lập ra và kiểm tra dần dần, thông qua việc phối hợp báo cáo từ các giao dịch với số tiền lớn từ ngân hàng thương mại hay cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giao dịch của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu kinh doanh qua mạng lớn…

Đồng tình, Th.S Vũ Quốc Chinh cho rằng việc kiểm soát được doanh thu của hoạt động TMĐT là quan trọng nhất. Ngành thuế có thể sử dụng thông tin từ các sàn TMĐT, kết hợp với thông tin từ các đơn vị giao hàng. Đặc biệt cần nghiên cứu sử dụng công cụ như trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm, sàng lọc thông tin giao dịch trên mạng theo các tiêu chí về nhóm hàng, địa bàn… "Xu hướng kinh doanh trên mạng là tất yếu và sẽ trở nên phổ biến hơn nữa. Thực tế đó có thể sẽ phát sinh ra nhiều bài toán về trốn thuế, lách thuế… mà cơ quan quản lý phải tính đến để giảm tình trạng hụt thu", ông Vũ Quốc Chinh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.