Sở Y tế Cà Mau nói gì về thông tin 'phó giám đốc sở bị tố vi phạm đấu thầu'?

18/03/2021 16:32 GMT+7

Một phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau bị tố 'có vi phạm' khi phụ trách mảng BHYT, đấu thầu trong khi vợ là giám đốc doanh nghiệp có chức năng khám chữa bệnh BHYT, đấu thầu cung ứng vật tư y tế

Trước đó ngày 27.1, Văn phòng Báo Thanh Niên tại ĐBSCL có nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc với nội dung một phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau có "vi phạm pháp luật về công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế Cà Mau".
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, người phản ánh đã cung cấp những tài liệu liên quan được cho là một phó giám đốc phụ trách BHYT, đấu thầu thuốc, vật tư y tế (VTYT) của Sở Y tế Cà Mau, có vợ là giám đốc của một công ty có đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT, tham gia đấu thầu, cung ứng VTYT tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Liên quan đến các phản ánh trên, PV Thanh Niên đã gửi các câu hỏi đến UBND tỉnh Cà Mau, Sở Y tế Cà Mau, đề nghị được hỗ trợ thông tin.
Mới đây, trong văn bản trả lời PV Thanh Niên, Sở Y tế Cà Mau cho biết theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công CP Vạn Phúc được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp (ngày 3.11.2016) thì người đại diện pháp luật là Tạ Như Ý, không phải là Tạ Thị Diệu Liên - vợ ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ năm 2005, Công ty CP Vạn Phúc đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu với người đại diện pháp luật là Tạ Thị Diệu Liên. Đến tháng 11.2016, công ty thay đổi người người đại diện pháp luật trên giấy đăng ký kinh doanh là Tạ Như Ý.
Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Y tế cung cấp cho PV, bà Tạ Như Ý có chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm giám đốc Công ty CP Vạn Phúc.  Tuy nhiên, những văn bản của Công ty CP Vạn Phúc gửi cho Sở Y tế Cà Mau, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau gần đây, người đứng tên giám đốc Công ty CP Vạn Phúc vẫn là bà Tạ Thị Diệu Liên.
Cụ thể, ở văn bản ngày 10.9.2.2020, Công ty CP Vạn Phúc bổ sung danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở KCB, người ký văn bản là Tạ Thị Diệu Liên với chức danh là giám đốc. Trong văn bản này có ký xác nhận của cán bộ Sở Y tế.
Còn ở tờ trình ngày 24.2.2020 của Công ty CP Văn Phúc gửi BHXH tỉnh Cà Mau (về nội dung phê duyệt danh mục bổ sung của Công ty CP Vạn Phúc kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc năm 2019 của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và của Sở Y tế Cà Mau - PV) cũng do bà Tạ Thị Diệu Liên ký với chức danh giám đốc.
Được biết, trong các năm qua, Công ty CP Vạn Phúc trúng nhiều gói thầu mua sắm VTYT trong tỉnh Cà Mau.

Văn bản thể hiện bà Tạ Thị Diệu Liên ký với tư cách là giám đốc Công ty CP Vạn Phúc

Ảnh: Gia Bách

Giám đốc Sở Y tế yêu cầu không đưa vào danh mục kế hoạch thầu nhưng 2 loại thuốc vẫn trúng thầu

Theo đơn phản ánh, từ năm 2016 đến nay, bên mời thầu (Sở Y tế) đưa vào nhiều loại thuốc giá cao bất hợp lý trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm tăng chi phí thuốc, gây ra vượt trần, vượt quỹ và bị từ chối thanh toán, gây thiệt hại cho các cơ sở KCB BHYT.
Trong đó, có là 2 loại thuốc alphachymotripsin 4,2mg dạng viên ngậm (gói thầu số 2) và paracetamol 650mg dạng viên sủi (gói thầu số 3)
Cụ thể như thuốc với paracetamol với hàm lượng 650mg dạng viên sủi không có trong Dược thư quốc gia, Dược điển Việt Nam và cũng không có biệt dược gốc đối chứng (Efferalgan). Mặc dù trong quá trình thẩm định có nêu trong báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu (số 02/SYT-TĐ ngày 7.8.2017), đề nghị bên mời thầu xem xét kiểm tra lại.
Tuy nhiên, bên mời thầu, cụ thể là ông Nguyễn Hoàng Sa (Tổ trưởng bên mời thầu) vẫn trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có 2 loại thuốc trên và được trúng thầu.
Theo văn bản trả lời của Sở Y tế cho PV Thanh Niên thì 2 thuốc trên cần thiết cho công tác khám chữa bệnh tại Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung. Và trong năm 2017, chỉ có 9/12 đơn vị dự trù 2 loại thuốc trên.
Còn theo tài liệu PV Thanh Niên có được thì ngày 26.6.2017, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau có công văn gửi gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu không đưa 2 loại thuốc trên vào danh mục, dự trù số lượng của kế hoạch đấu thầu 2017-2018...vì thuốc có đường dùng, dạng bào chế hoặc hàm lượng ít cạnh tranh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.