Sơ tổ tranh sơn mài Việt Nam là ai và câu chuyện ‘Dòng chảy’ Ngô Thanh Hùng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
17/11/2022 11:03 GMT+7

Chiều 18.11, tại The World Artspace, 21 Võ Trường Toản (Thảo Điền, TP.Thủ Đức), họa sĩ Ngô Thanh Hùng từ miền Trung sẽ mang kỹ thuật sơn mài mới vào Sài Gòn với triển lãm cá nhân Dòng chảy đầy cảm xúc, dưới góc nhìn mới lạ.

Giám tuyển Lý Đợi cho rằng: “Họa sĩ Ngô Thanh Hùng gọi kỹ thuật hình thành các bức tranh của mình là 'chất liệu mài tổng hợp', được anh tìm tòi từ năm 2020 cho đến nay. Xét về vật liệu và chất liệu, việc tìm tòi của Ngô Thanh Hùng gợi nhiều suy nghĩ về hành trình tranh sơn mài nói chung của Việt Nam. Gọi là 'sơn mài nói chung', vì tự trong khái niệm này đã bao hàm: 1) sơn mài mỹ nghệ; 2) sơn ta Phú Thọ; 3) sơn mài truyền thống; 4) sơn mài Thủ Dầu Một; 5) sơn mài Nam Vang; 6) sơn mài Nhật; 7) sơn mài tổng hợp; 8) sơn mài mà không mài…".

Tác phẩm Ánh trăng (mài tổng hợp, 80x160 cm, 2022)

Tác phẩm Khải huyền (mài tổng hợp, 80x240 cm, 2021)

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng mang kỹ thuật sơn mài mới vào TP.HCM với triển lãm cá nhân Dòng chảy đầy cảm xúc

NVCC

Ngô Thanh Hùng chịu ảnh hưởng của Jackson Pollock

Qua các kết quả của nhà nghiên cứu Phạm Long, Nguyễn Đình Đăng và vài tác giả khác chứng minh có thể sơ tổ tranh sơn mài của Việt Nam chính là Jean Dunand (1877-1942), một họa sĩ gốc Pháp, sinh ra tại Thụy Sĩ.

Nhìn lại lịch sử tranh sơn mài nói chung, mỗi kiểu sơn được họa sĩ áp dụng có khác nhau, tạo ra hiệu quả và hiệu ứng khác nhau cho tác phẩm. Trước đây, đã có các quan niệm bảo thủ cho rằng chỉ sơn ta Phú Thọ hoặc sơn mài truyền thống mới đủ sức làm nên tác phẩm mỹ thuật sơn mài đúng nghĩa, các loại khác thì không. Quan niệm này ngày nay đã dần vắng bóng, vì thực tế cho thấy vật liệu hoặc chất liệu chỉ là phương tiện, chẳng thể là cứu cánh, là đích đến của sáng tạo. Đã có nhiều họa sĩ thành công với các vật liệu và kỹ thuật phi truyền thống, làm cho sơn mài nói chung thêm trẻ trung, phong phú và hấp dẫn. Nhìn như vậy, có thể nói “chất liệu mài tổng hợp” của Ngô Thanh Hùng là một gợi ý thú vị cho số 8 trong “dãy quang phổ” của sơn mài nói chung.

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng gọi kỹ thuật hình thành các bức tranh của mình là "chất liệu mài tổng hợp", được anh tìm tòi từ năm 2020 cho đến nay

NVCC

Được biết, theo nghiên cứu của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng thì một thế kỷ trước, năm 1920 nhiều thợ sơn mài mỹ nghệ Việt Nam đã được thuê sang Pháp làm việc trong các xưởng nghề tại quận 14, Paris. Mỹ nghệ và trang sức có liên quan đến sơn mài đã được bán và xuất khẩu từ Paris đến nhiều nước. Tại sao có được điều kỳ diệu này? Vì trước đó 10 năm, “ngày 18.2.1912, tại Paris, Jean Dunand đã gặp Seizo Sugawara (1884-1937) - sư phụ sơn mài Nhật Bản (urushi). Sau đó ông đã được Sugawara dạy kỹ thuật sơn mài Nhật Bản, gồm 13 buổi học trong 2 tháng”.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho biết: “Từ đó sơn mài đã trở thành một trong những chất liệu chủ đạo trong các tác phẩm của Jean Dunand. Trong Đệ nhất Thế chiến, Jean Dunand đã dùng sơn ta để sơn bảo vệ cánh quạt gỗ của máy bay chiến đấu. Các thành công của ông đã khích lệ nước Pháp cho mở Hội sơn mài Đông Dương (La Société Des Laques Indochinoises) tại Boulogne-sur-Seine năm 1917. Trong phân xưởng sơn mài Jean Dunand mở tại Paris ngay sau Đệ nhất Thế chiến, ông dùng sơn ta nhập từ An Nam và thuê thợ bản xứ từ An Nam”.

Qua các kết quả của nhà nghiên cứu Phạm Long, Nguyễn Đình Đăng và vài tác giả khác, có thể thấy sơ tổ tranh sơn mài của Việt Nam chính là Jean Dunand (1877-1942), một họa sĩ gốc Pháp, sinh ra tại Thụy Sĩ. Ông đã có ảnh hưởng sâu đậm về quan niệm vật liệu và chất liệu của Joseph Inguimberty (1896-1971) và Alix Aymé (1894-1989), hai vị thầy trực tiếp về tranh sơn mài cho các sinh viên Việt thời kỳ đầu. Chính bối cảnh quốc tế và quốc nội như vậy, nơi mà “sơn mài nói chung” đang mới mẻ, có sức hút, thì việc Joseph Inguimberty mở khoa sơn mài tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1928 là việc tất yếu.

Do giảng dạy tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, lại liên hệ trực tiếp với các đơn vị xây dựng, am hiểu và cập nhật nhiều vật liệu mới, Ngô Thanh Hùng đã có được cơ sở thực nghiệm cho việc tìm ra “chất liệu mài tổng hợp”.

Nói về trừu tượng và chất liệu, họa sĩ Ngô Thanh Hùng chia sẻ: “Đối với tôi, trừu tượng như là huyết mạch, như một sự giải phóng cảm xúc, giải phóng nguồn năng lượng tích tụ để đạt được cái thăng hoa. Vẽ trừu tượng rất khó, vì đó là cả quá trình nghiên cứu, tu luyện với hình và vẽ hình rất nhiều, thì mới có được cảm giác 'vô hình'. Phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ càng trước khi vẽ, còn trong quá trình vẽ, thì sẽ kết hợp đường nét, mảng hình, màu sắc… với cảm xúc, ý niệm. Thầy tôi, họa sĩ Trương Bé, có câu: 'Trừu tượng không phải là không có hình, mà là có rất nhiều hình trong đó'. Từ sinh viên năm đầu tiên, tôi đã rất thích dòng tranh trừu tượng của thầy, không hiểu sao lại thích như vậy, dù tôi đã biết và đã vẽ biểu hiện, hiện thực…".

Tác phẩm Phù sa (mài tổng hợp, 120x180 cm, 2022)

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng chia sẻ: “Đối với tôi, trừu tượng như là huyết mạch, như một sự giải phóng cảm xúc, giải phóng nguồn năng lượng tích tụ để đạt được cái thăng hoa"

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng bên một tác phẩm hoành tráng của mình

NVCC

Nói về tranh họa sĩ Ngô Thanh Hùng, giám tuyển Lý Đợi phân tích thêm: “Về mặt thị giác, mới nhìn thoáng qua, thấy tranh Ngô Thanh Hùng chịu ảnh hưởng chút ít của Jackson Pollock (1912-1956), bậc thầy vảy sơn (drift painting), mang lại một hiệu ứng thị giác đặc biệt cho kỹ thuật biểu hiện trừu tượng sống động. Điều thú vị ở đây là 'chất liệu mài tổng hợp', nó vốn được định hình từ các tính toán về lớp lang và mài, không thể tung tẩy giống như vảy sơn. Chính vì vậy mà, dù về bề mặt thị giác có chút tương đồng, nhưng quá trình tạo tác và định hình cảm xúc là hoàn tác khác nhau, trở thành một liên nối thú vị. Nói khác đi, nếu chỉ dừng lại ở việc 'chuyển thể chất liệu' tranh Jackson Pollock thành 'sơn mài nói chung', đã đáng ghi nhận, nhưng Ngô Thanh Hùng làm được nhiều hơn thế. Nghệ thuật là kết quả của quá trình tiệm tiến, mỗi đóng góp, dù nhỏ dù lớn, đều là nỗ lực tìm tòi không mệt mỏi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.