Số phận hẩm hiu của phi hành gia động vật

15/09/2014 02:00 GMT+7

Người Mỹ chuộng khỉ, người Nga thích chó và dù loài nào được chọn cũng đối mặt với vô số rủi ro khi bị buộc trở thành phi hành gia trong các cuộc thám hiểm không gian.

Người Mỹ chuộng khỉ, người Nga thích chó và dù loài nào được chọn cũng đối mặt với vô số rủi ro khi bị buộc trở thành phi hành gia trong các cuộc thám hiểm không gian.

Ham, tinh tinh đầu tiên lên không gian  
Ham, tinh tinh đầu tiên lên không gian - Ảnh: NASA

Cái chết tập thể của nhóm tắc kè trên vệ tinh Photon-M4 của Nga vào đầu tháng 9 là “thảm họa” mới nhất trong lịch sử hy sinh kéo dài của động vật trên danh nghĩa của thám hiểm không gian. Tổng cộng có 1 tắc kè đực, 4 tắc kè cái được nhốt chung vào một chiếc hộp trong cuộc thử nghiệm nhằm xác định liệu loài bò sát này có quen với tình trạng vi trọng lực khi cần giải tỏa tình dục hay không. Tuy nhiên, xác của chúng đã bị khô cứng một phần, cho thấy các con vật đáng thương đã chết trước khi vệ tinh quay lại bầu khí quyển khoảng 1 tuần. Nguyên nhân cái chết có thể là do hệ thống điện tử trên khoang gặp trục trặc, theo thông tấn xã ITAR-TASS dẫn lời người phát ngôn của Viện Các vấn đề sinh và y học tại Moscow. Một điều thú vị là đàn ruồi giấm cùng tham gia chương trình này đã sống sót trong điều kiện khó khăn và thậm chí còn sinh sản tốt.

Ý tưởng gửi động vật lên quỹ đạo đã bắt đầu từ năm 1948 khi Albert, một con khỉ nâu, bị trói vào tên lửa V-2, được phóng từ căn cứ tên lửa White Sands ở bang New Mexico (Mỹ). Albert đã không sống sót nổi trong chuyến bay kinh hoàng đó. Vì tình trạng nhạy cảm của các vụ thử tên lửa vào thời đó, không có một chú khỉ phi hành gia nào được nhắc đến. Nhưng điều này đã thay đổi vào năm 1952, khi một con khỉ tên Yorick, cùng với một đàn chuột 11 con, đã toàn mạng trở về trong đợt phóng tên lửa của không quân Mỹ ở độ cao 71.933 m, gấp hơn 7 lần độ cao của các máy bay thương mại. Trong thập niên 1950, cả Mỹ lẫn Liên Xô đều tiến hành thử nghiệm với nhiều loại động vật khác nhau trong các chương trình không gian. Nhưng trong khi người Mỹ thích sử dụng linh trưởng như Ham, tinh tinh đầu tiên lên không gian, và Gordo, một con khỉ sóc, người Nga lại chọn chó.

 Người Nga lúc đầu thường gửi chó lên quỹ đạo
Người Nga lúc đầu thường gửi chó lên quỹ đạo - Ảnh: National Space Centre

Đa số phi hành gia chó của Liên Xô là con cái, với nhiều cái tên như Dezik và Tsygan, Smelya và Malyshka. Smelya đã sổng chuồng trước buổi phóng, và người Nga cho rằng phi hành gia tiềm năng của mình đã rơi vào mõm sói. Tuy nhiên, cuộc chạy trốn chỉ kéo dài đúng 1 ngày, và chính đương sự tự quay lại. Thế là sứ mệnh lại tiếp tục được triển khai. Trong số này, một trong những anh hùng đầu tiên của chương trình không gian Liên Xô là một con chó trên Laika, vào năm 1957 trở thành động vật đầu tiên lên quỹ đạo bằng tàu Sputnik 2. Không may là Laika đã mất mạng và Sputnik cuối cùng bị đốt cháy ở lớp khí quyển ngoài cùng vào tháng 4.1958, 5 tháng sau khi phóng.

Người Nga tiếp tục tin tưởng vào các phi hành gia chó khi cuộc chạy đua vào không gian thật sự được triển khai vào thập niên 1960. Belka và Strelka trở thành cái tên của mọi nhà ở Liên Xô. Bản thân Strelka đã sinh ra một đàn chó con, và một đứa con của nó đã được tặng cho con của Tổng thống Mỹ John F.Kennedy. Sau đó, hai đối thủ trên đường đua đều lần lượt dùng đến thỏ, chuột, ruồi giấm, rùa, giun tròn… để thử nghiệm hiệu ứng của tình trạng không trọng lực và bức xạ từ không gian. Tuy nhiên, cho đến nay, không loài nào qua mặt được tardigrade (còn gọi là gấu nước), sinh vật nhỏ bé với chiều dài cơ thể tối đa 1,5 mm, không những sống khỏe bên trong phi thuyền mà còn tồn tại được trong môi trường chân không của không gian. Chúng trở thành những kẻ sống sót đích thực trong các cuộc thám hiểm vũ trụ.

Hạo Nhiên

>> Tàu vũ trụ Soyuz đưa 3 phi hành gia lên ISS
>> Nghiên cứu không gian với cặp phi hành gia sinh đôi
>> Nữ phi hành gia đầu tiên muốn đến sao Hỏa ở tuổi 76

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.