Số phận chìm nổi của hai cô công chúa gốc Việt

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
05/11/2020 06:20 GMT+7

Cô con gái Martine thật sau đó được đưa qua Trung Phi một cách âm thầm. Tổng thống Bokassa tuyên bố vẫn nhận cô Ba-xi là con gái (nuôi) của mình.

Đại gia đình Bokassa gọi họ là Martine lớn (thật) và Martine nhỏ (giả, tức Ba-xi). Họ cùng chung sống, thường được cho mặc đồ giống nhau. Năm 1973, Bokassa tổ chức kén rể cho cả hai cô con gái gốc Việt. Cuối cùng Martine nhỏ lấy Fidel Obrou - chỉ huy trưởng lực lượng cận vệ Tổng thống Bokassa, còn Martine lớn lấy bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode.
Năm 1976, Bokassa tự xưng là Hoàng đế Bokassa Đệ nhất, đổi tên nước là Đế quốc Trung Phi. Hai cô con gái gốc Việt nghiễm nhiên trở thành công chúa. Tuy nhiên, tính tình Bokassa ngày càng lập dị, độc tài và xa hoa; chỉ riêng lễ đăng quang của ông đã tiêu tốn đến 22 triệu USD.

Từ cuộc sống xa hoa đến đời lưu vong

Thói ăn chơi xa hoa và sự độc tài đã khiến Bokassa trở thành một bạo chúa dưới mắt người dân Trung Phi và quốc tế. Đầu năm 1979, con rể của Bokassa là đại úy Fidel Obrou (chồng của Ba-xi) âm mưu lật đổ cha vợ nhưng bất thành và bị tử hình. Cùng lúc đó Ba-xi hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Bokassa sai người đưa mẹ con sản phụ vào quân y viện do bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode (chồng của Martine lớn) phụ trách rồi lệnh cho ông này tiêm một liều thuốc độc vào người đứa bé cho “tiệt nòi giống phản phúc”.

Jean-Barthélémy Bokassa, con trai của Martine thật, sống ở Pháp

Ảnh: Nigel Dickinson

Phần Ba-xi, sau khi đã nghỉ dưỡng cứng cáp, Bokassa cho cô một số tiền để cô về Việt Nam sinh sống. Tuy nhiên trên đường ra phi trường, cô đã bị thủ tiêu do hai tên cận vệ thấy cô có nhiều tài sản quý giá nên đã ra tay. Tội nghiệp Ba-xi, cô chỉ được hưởng sung sướng chưa tới 7 năm rồi trở về cát bụi...
Ngày 21.9.1979, nước Pháp hậu thuẫn cho vị tổng thống tiền nhiệm Trung Phi là David Dacko tổ chức lật đổ Hoàng đế Bokassa Đệ nhất, buộc Bokassa phải sống lưu vong ở Bờ Biển Ngà rồi sau đó là Pháp, nơi ông có nhiều lâu đài nguy nga. Bokassa bị chính quyền mới kết án tử hình vắng mặt.
Chồng của Martine lớn - bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode bị David Dacko ra lệnh xử tử về tội đi theo Bokassa và tội giết chết con của “người anh hùng” chống Bokassa là đại úy Fidel Obrou (chồng của Ba-xi) cũng như thuộc gia đình “có nhiều tội ác”. Đại gia đình Bokassa gồm 13 người vợ và gần 40 người con tứ tán khắp nơi, riêng Martine lớn đưa 3 đứa con trốn qua Pháp. Tại đây, họ sống trong lâu đài Hardricourt.
Sau này, Martine lớn bảo lãnh cho mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ sang Pháp sống với con và các cháu (Martine Bokassa sinh được 3 người con: con trai tên Jean-Barthélémy Bokassa Dévéavode, hai con gái tên Marie-Catherine Bokassa Dévéavode và Marie-Jeanne Bokassa Dévéavode). Martine Bokassa làm chủ hai nhà hàng lớn ở Pháp, một tại Paris và một tại đảo Corse (do người con gái lớn đã lấy chồng ở đấy trông coi). Người con trai Jean-Barthélémy Dévéavode (sinh năm 1974) hiện đang sống tại Pháp. Anh biết nói tiếng Việt và từng viết cuốn sách tiếng Anh có tựa đề The Diamonds of Treasons kể về những tính tốt của ông ngoại (Bokassa) nhưng bị nước Pháp phản bội... Jean-Barthélémy Bokassa cũng nhớ có lần ông ngoại Bokassa viết thư gửi mẹ mình, ngoài phong bì ghi “Gửi công chúa Martine Bokassa de Berengo”. Người đưa thư tới nhà hỏi ở đây có công chúa nào không, Martine lớn cười đáp: “À, đó là thư của cha tôi đấy!”.
Về phần Bokassa, sau thời gian sống lưu vong ở Bờ Biển Ngà và sang Pháp thì ông qua đời ngày 3.11.1996 trong sự nghèo khó, túng quẫn.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.