Số người Rohingya bỏ mạng trên biển cao kỷ lục sau 10 năm

23/01/2024 22:46 GMT+7

Trong năm 2023, số người Rohingya thiệt mạng hoặc mất tích khi đang bỏ chạy khỏi Myanmar và Bangladesh được ghi nhận ở mức cao nhất từ năm 2014.

Cơ quan Người tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ngày 23.1 thông báo ít nhất 569 người Rohingya đã thiệt mạng hoặc mất tích khi vượt biển để chạy khỏi Myanmar hoặc Bangladesh trong năm 2023. Số người này nằm trong số gần 4.500 người đã vượt biển Andaman hoặc vịnh Bengal để tìm đường thoát khỏi bạo lực.

Số người Rohingya bỏ mạng trên biển cao kỷ lục sau 10 năm- Ảnh 1.

Những người tị nạn Rohingya tại bờ biển trên đảo Sabang của Indonesia ngày 3.12.2023

AFP

Đây là con số thiệt mạng cao nhất từ năm 2014, năm có số thiệt mạng lên đến 730 người, Reuters dẫn báo cáo cho hay. UNHCR cho biết những người sống sót đã kể lại ký ức về việc bị bạo hành và bóc lột trên đường đi.

"Đa số những người thực hiện những hành trình này là trẻ em và phụ nữ, chiếm khoảng 66% tổng số người trải qua hành trình hành trình chết chóc này. Những người tị nạn đã xuất phát từ Bangladesh và một phần ít hơn là từ Myanmar", UNHCR cho hay.

Theo thống kê, hơn 1 triệu người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar sống trong những khu lều tạm bằng tre và tấm bạt ni lông tại huyện biên giới Cox's Bazar của Bangladesh. Hầu hết những người này rời khỏi Myanmar từ sau một cuộc truy quét của quân đội năm 2017.

Myanmar hiện nằm dưới sự quản lý của quân đội từ sau cuộc binh biến năm 2021. Chính quyền quân sự có rất ít động thái cho thấy sẵn sàng đưa người Rohingya thiểu số về nước.

Với tình trạng khó khăn tại trại tị nạn và viễn cảnh nói trên, nhiều người chấp nhận mạo hiểm tính mạng để lên thuyền tìm cuộc sống mới ở những vùng đất xa hơn.

Theo UNHCR, trong một tai nạn vào tháng 11.2023, khoảng 200 người Rohingya mất mạng khi chiếc thuyền của họ bị chìm tại biển Andaman.

Cơ quan của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia ven biển trong khu vực có hành động khẩn cấp để ngăn chặn những thảm kịch trong tương lai, khi ngày càng có nhiều người tuyệt vọng phải bỏ mạng do không được cứu kịp thời.

"Cứu mạng người và cứu những người đang gặp tai họa trên biển là mệnh lệnh nhân đạo và là nghĩa vụ lâu dài theo luật hàng hải quốc tế", UNHCR nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.