Sở KH-ĐT TP.HCM: Doanh nghiệp phản ánh vẫn bị nhiều lần thanh, kiểm tra ngoài kế hoạch

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
26/09/2022 20:53 GMT+7

“ Doanh nghiệp phản ánh vẫn bị nhiều lần thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lực lượng thanh tra, kiểm tra không chỉ là phòng cháy, môi trường mà còn kiểm tra hầu hết từ hàng hóa, giấy phép, lao động…”, lãnh đạo Sở KH-ĐT TP.HCM nói.

Chiều 26.9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức buổi khảo sát tình hình thực hiện luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ ngày 1.1.2018 - 30.6.2022.

Quỹ bảo lãnh tín dụng chưa phát huy

Theo thống kê, tính đến ngày 30.6, TP.HCM có 264.407 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 97,5% trong tổng số 271.194 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Riêng trong giai đoạn từ ngày 1.1.2018 - 30.6.2022, TP.HCM có 184.194 doanh nghiệp mới thành lập, tập trung các ngành nghề bán buôn, sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ tư vấn, quảng cáo; công nghiệp chế biến, chế tạo… Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, có tới 128.470 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh và đã giải thể.

Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM Nguyễn Tiến Dũng nêu khó khăn khi tổ chức triển khai luật này chính là chưa có chính sách thuế riêng để hỗ trợ DNNVV. Ví dụ, hiện chưa có quy định cụ thể mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của luật hỗ trợ DNNVV. Điều này đòi hỏi việc nghiên cứu, ban hành bổ sung chính sách thuế ưu đãi riêng cho từng nhóm đối tượng DNNVV.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Đào Minh Chánh cho rằng việc tiếp cận chính sách hỗ trợ DNNVV gặp một số vướng mắc, như Quỹ phát triển khoa học công nghệ TP.HCM, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV và Quỹ phát triển khoa học công nghệ lập tại doanh nghiệp chưa phát huy tác dụng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận đầy đủ các nguồn vốn vay hay chính sách hỗ trợ theo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

ngọc dương

Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, việc thực hiện theo Nghị định 34/2018 của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV gặp khó khiến các tổ chức tín dụng trên địa bàn chưa triển khai việc cấp tín dụng đối với các khoản vay có bảo lãnh của quỹ này. Điều này đòi hỏi phải có sự thống nhất các quy định phối hợp trong cấp tín dụng có bảo lãnh giữa quỹ này và tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của Sở Tài chính TP.HCM, giai đoạn từ tháng 1.2018 - 6.2022, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV đã tiếp xúc, tư vấn cho 94 lượt đơn vị với tổng nhu cầu vốn vay 5.940 tỉ đồng, trong đó có 26 đơn vị được vay vốn với hạn mức tín dụng là 2.398 tỉ đồng. Sở Tài chính TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành cần có hướng dẫn việc mua bảo hiểm rủi ro hoạt động bảo lãnh tín dụng, xây dựng quy chế xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Gỡ vướng việc DNNVV không biết về chính sách hỗ trợ

Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Đào Minh Chánh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. “Tuy nhiên, doanh nghiệp phản ánh vẫn bị nhiều lần thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lực lượng thanh tra, kiểm tra không chỉ là phòng cháy, môi trường mà còn kiểm tra hầu hết từ hàng hóa, giấy phép, lao động, hóa đơn chứng từ…; có những trường hợp kiểm tra chỉ để thương lượng làm thế nào để khắc phục tình hình kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần”.

Vì vậy, cần có cơ quan theo dõi toàn bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh tình trạng kiểm tra chồng chéo, lạm quyền.

Một vấn đề được nhiều ý kiến trao đổi tại buổi khảo sát chính là việc DNNVV thiếu thông tin về các chính sách hỗ trợ. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa dẫn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào tháng 6.2022 cho thấy luật Hỗ trợ DNNVV đã triển khai được hơn 4 năm nhưng có dưới 8% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ và 51,3% doanh nghiệp không biết đến luật này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM kiến nghị Bộ KH-ĐT cần tập trung hệ thống thông tin chính sách, pháp luật cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV, có kết nối với địa phương để tổ chức, cá nhân có thể khai thác tiếp cận, phản ánh vướng mắc. Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp cần phải giữ mối quan hệ với các sở, bộ ngành thường xuyên, chặt chẽ để cập nhật, phổ biến thông tin, quy định mới của pháp luật cho các doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.