Sở KH-ĐT Cà Mau rút kinh nghiệm trong tham mưu lập dự án chưa đúng quy trình

Gia Bách
Gia Bách
12/09/2023 14:26 GMT+7

Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau xin rút kinh nghiệm trong tham mưu lập dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn, phương án huy động vốn... dẫn đến chưa đảm bảo mục tiêu, làm tăng tổng mức đầu tư hơn 30 tỉ đồng.

Ngày 12.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Theo đó, đối với kiến nghị của KTNN, Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, KTNN cho rằng, UBND tỉnh Cà Mau quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây H.Trần Văn Thời (điểm dân cư vàm kênh Sào Lưới), khi chưa xác định rõ nguồn vốn, phương án huy động vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 18 và khoản 6 Điều 40 Luật Đầu tư công.

 Việc này dẫn đến dự án không thực hiện đúng theo tiến độ ban đầu, chưa đảm bảo theo mục tiêu của dự án, làm tăng tổng mức đầu tư đầu tư hơn 30 tỉ đồng (từ 72 tỉ đồng lên hơn 103 tỉ đồng).

Ngoài ra KTNN xác định, Dự án Sắp xếp dân cư khu vực sạt lở ven biển Đông (khu dân cư chợ Thủ xã Tam Giang Tây, H.Ngọc Hiển), lập tổng mức đầu tư theo nguồn vốn được cấp mà không xác định đầy đủ theo quy mô thực tế của dự án dẫn đến việc thực hiện dự án dở dang, chưa có vốn bố trí để hoàn thành các hạng mục theo thiết kế mà chỉ thực hiện theo số tiền được ngân sách trung ương hỗ trợ.

Ngoài việc nghiêm túc rút kinh nghiệm khi tham mưu lập dự án trên, Sở KH-ĐT lý giải thêm là trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, việc triển khai các dự án khu tái định cư trên địa bàn tỉnh thời gian qua phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ. Để được T.Ư xem xét hỗ trợ vốn đầu tư, địa phương phải có dự án đã được phê duyệt đầu tư để xem xét.

Cũng liên quan đến trách nhiệm tham mưu của Sở KH-ĐT Cà Mau, đơn vị này cũng xin rút nghiệm đối với việc nguồn vốn ODA được phân bổ cao nhưng tiến độ giải ngân chậm, chỉ đạt 38% kế hoạch vốn, dẫn đến việc phải hủy bỏ vốn gần 135 tỉ đồng của 3 dự án. Cụ thể là: Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải TP.Cà Mau (hủy 103 tỉ đồng); Tiểu dự án 8: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau (hủy gần 31 tỉ đồng); Dự án kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau (hủy 1 tỉ đồng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.