Số hóa bản đồ ngập lụt để người dân chủ động phòng tránh

Đức Huy
Đức Huy
04/12/2021 17:06 GMT+7

Ngày 4.12, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT dẫn đầu, đã về Phú Yên để tìm hiểu quá trình xả lũ gây ngập lụt vùng hạ du sông Ba trong đợt mưa lũ vừa qua.

Trong đợt lũ này, do các thủy điện đồng loạt xả lũ cộng với mưa lớn gây ngập lụt diện rộng nên hàng chục ngàn người dân Phú Yên không kịp trở tay. Toàn tỉnh có 8 người chết, 50.140 căn bị ngập, 5 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 533 ha lúa vụ mùa bị ngập nước, 288 ha hoa màu và 1.780 ha cây trồng khác bị thiệt hại, 44.094 con gia cầm và 741 con gia súc bị cuốn trôi, hàng chục ngàn mét kênh mương, đường giao thông bị sụp đổ, sạt lở, hư hỏng…

Hồ thủy điện xả lũ

ĐỨC HUY

Quy trình có vấn đề

Qua chuyến công tác thực tế, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định trận lụt vừa qua tại Phú Yên có đỉnh lũ tương đương với trận lụt năm 2009 và năm 2013. Theo ông Hiệp, lưu vực Sông Ba Hạ rất rộng, hơn 13.000 km2 với 280 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó chỉ có 6 hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ, còn lại không có hồ nào có chức năng cắt lũ. Toàn bộ 280 hồ chứa này tích khoảng 1,6 tỉ m3 nước nhưng 6 hồ chứa cắt lũ chỉ chứa được khoảng 530 triệu m3 nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, trao tiền hỗ trợ gia đình có người chết trong đợt lũ vừa qua tại Phú Yên

ĐỨC HUY

Theo ông Hiệp, trong quá trình vận hành xả lũ liên hồ chứa có một số điểm chưa thuận. Đó là khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ, đặc biệt là mưa lũ lớn, các thủy điện và các hồ chứa thủy lợi phải giảm mực nước xuống mực nước đón lũ, thì chủ các hồ chứa thực hiện chưa nghiêm. “Ngày 27.11, mặc dù Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các địa phương về cảnh báo lũ lớn thì một số hồ vẫn chưa thực hiện nghiêm chuyện xả nước trước để đón lũ về”, ông Hiệp nói.

Tiếp đến, quy trình vận hành liên hồ hiện nay đang nghiêng nhiều về cho an toàn hồ chứa mà chưa tính toán nhiều đến chuyện hỗ trợ cắt lũ với nhau. Chính vì vậy, khi gặp phải lũ về cùng một lúc thì cùng xả, gây áp lực rất lớn cho thủy điện Sông Ba Hạ, buộc Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phải ra lệnh xả ở mức lớn nhất là 9.400 m3/giây.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế thiệt hại trong đợt lũ vừa qua.

ĐỨC HUY

Ông Hiệp nhìn nhận: “Lúc này hạ du đỉnh lũ đang cao, nhưng không còn cách nào khác nữa. Xem xét lại thì chúng tôi thấy quy trình vận hành liên hồ chứa đang có một số vấn đề trong quá trình thực hiện. Đợt này về, chúng tôi rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt hơn và kỹ hơn”.

Giải pháp nào?

Để giải quyết câu chuyện xả lũ về hạ du, tránh trường hợp như ở Phú Yên vừa rồi, ông Hiệp đã đưa ra các giải pháp. Trước hết, Bộ NN-PTNT sẽ tính toán, tham mưu lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa toàn bộ lưu vực Sông Ba Hạ. Trong đó, vào những thời điểm báo động cao như vừa rồi, thì Trung ương sẽ chỉ đạo trực tiếp việc xả lũ cho vùng này.

“Phải tính toán chi tiết hồ nào xả vào lúc nào để cắt lũ bớt cho các hồ bên dưới và phải xả xen kẽ, để chốt chặn cuối cùng xả lũ về hạ du là thủy điện Sông Ba Hạ đảm bảo được 2 mục tiêu: không xả lũ mà lúc đỉnh lũ ở hạ du đang cao và không xả lũ vào lúc triều cường đang cao. Chỉ có như thế mới giảm ngập lụt cho hạ du”, ông Hiệp đưa ra giải pháp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra bản đồ vùng ngập lụt hạ lưu sông Ba.

ĐỨC HUy

Ông Hiệp cũng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu toàn bộ lưu vực Sông Ba Hạ để xem hồ chứa nào có thể nâng dung tích được và giao cho một số hồ thủy lợi, thủy điện tăng dung tích cắt lũ. Dung tích cắt lũ phải tối thiểu là 1 tỉ m3 thì mới có thể cắt lũ lâu dài, bền vững cho hạ du được (hiện dung tích phòng lũ chỉ có 530 triệu m3).

Ông Hiệp cũng khẳng định, Trung ương và các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong vận hành xả lũ và lưu ý: Địa phương không nên thông báo xả lũ chung chung mà phải thông báo thời gian xả lũ, mức lũ lên cao bao nhiêu mét nước, thì người dân mới có thể chủ động chuyện đảm bảo tài sản và tính mạng.

“Phải tính toán lại, tham mưu lại để ra quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp hơn, phải gắn với trách nhiệm của chủ hồ, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong thông báo xả lũ và với quyết định của mình”, ông Hiệp chia sẻ.

Đề xuất số hóa bản đồ ngập lụt

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết nếu các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện có chức năng cắt lũ thì sẽ giúp Phú Yên điều tiết lũ tốt hơn, vì hiện nay những hồ này chỉ có chức năng phát điện mà không có chức năng cắt lũ để điều tiết lũ.

“Lượng nước từ các hồ này cứ đổ dồn về hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ thì khả năng xử lý lũ trong tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay là rất khó khăn”, ông Thế nói và đề xuất: Trong thời gian tới, để việc phối hợp giữa Phú Yên với các tỉnh Tây nguyên tốt hơn thì nên xây dựng bản đồ ngập lụt số hóa để cho người dân vùng ven sông nắm được khi nào nước lên, khi nào họ cần phải sơ tán.

Theo ông Thế, người dân chỉ quan tâm đến việc xả lũ có nguy hại đến tài sản và tính mạng của mình hay không mà thôi. Vì thế, xây dựng nền tảng số hóa bản đồ ngập lụt để mọi người dân đều biết, để khi đến mùa mưa lũ, mọi người chủ động phòng tránh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.