Sợ đồng rúp trượt giá, người Nga đổ xô đi rút tiền, đổi ngoại tệ

28/02/2022 11:52 GMT+7

Người Nga đã xếp hàng dài tại các máy ATM trên cả nước để rút ngoại tệ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mới của phương Tây làm dấy lên lo ngại rằng đồng rúp Nga có thể mất giá.

Mọi người xếp hàng bên ngoài chi nhánh của ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank ở Prague, CH Czech để rút tiền tiết kiệm và đóng tài khoản vào ngày 25.2

afp

Bloomberg ngày 27.2 đưa tin người dân Nga đang đổ xô đi đổi ngoại tệ, bất chấp việc một số ngân hàng chỉ chấp nhận đổi đồng USD với tỉ giá cao hơn 1/3 so với mức đóng cửa thị trường ngày 25.2. Các chuyên gia kinh tế nhận định Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tăng lãi suất khi đồng rúp trượt giá còn 100 RUB/USD

Chuyện này xảy ra trong bối cảnh người dân Nga đón nhận thêm thông tin châu Âu sẽ đóng cửa không phận đối với các chuyến của Nga và các hệ thống thanh toán phổ biến như ApplePay sẽ ngừng hoạt động.

Cuối tuần qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT và đóng băng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga để đáp lại việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine. Việc châu Âu đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga có thể gây khó khăn cho việc vận chuyển tiền mặt vào nước này.

Người dân Nga đổ xô đi rút tiền, đổi ngoại tệ vì sợ đồng Rúp trượt giá

Nhiều dấu hiệu cũng cho thấy giá đồng rúp có thể giảm mạnh khi mở cửa phiên giao dịch ngày 28.2. Tỷ giá hối đoái giữa các ngân hàng đã bắt đầu có sự chênh lệch vào ngày 27.2. Tại ngân hàng Alfa, 98,08 rúp đổi được 1 USD. Tại Sberbank PJSC, tỷ giá là 99,49 RUB/USD. Trong khi đó, 105 rúp đổi được 1 USD tại VTB Group và 115 rúp đổi được 1 USD tại ngân hàng Otkritie. Trong khi đó, giá đồng rúp đóng cửa ở mức 83 RUB/USD trên Sàn giao dịch Moscow vào ngày 25.2.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo tăng cường cấp tiền mặt cho các máy ATM để đáp ứng nhu cầu. Cơ quan này ngày 27.2 cũng ra một tuyên bố khác cam kết đảm bảo nguồn cung đồng rúp "không bị gián đoạn" cho các ngân hàng khác. Tuy nhiên, thông cáo không đề cập đến khả năng hỗ trợ ngoại tệ hay các lệnh trừng phạt.

Lần gần nhất Nga phải đối mặt với một đợt cạn kiệt tiền mặt lớn là vào năm 2014, khi giá dầu lao dốc do các lệnh trừng phạt của phương Tây, tác động đến tỷ giá hối đoái. Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, đã dùng hết 1,3 ngàn tỉ rúp (16 tỉ USD) chỉ trong một tuần.

"Vũ khí hạt nhân tài chính" SWIFT sẽ ảnh hưởng Nga ra sao?

"Tình hình hoàn toàn không ổn định. Các lệnh trừng phạt và hạn chế đối với ngân hàng trung ương chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Người dân đang vội vã rút tiền khỏi ATM, nhưng không máy rút tiền nào đáp ứng nổi dòng người đang đua nhau rút tiền khỏi các ngân hàng đang bị trừng phạt", bà Alexandra Suslina, chuyên gia ngân sách tại Economic Expert Group tại Moscow, nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.