TNO

Ý kiến khác nhau

11/06/2005 23:18 GMT+7

Trong những ngày gần đây, có dư luận xã hội - chưa đúc kết rộng hẹp đến đâu về hiện tượng ở một số nơi, với một số người nêu một số ý kiến có mặt chưa đồng nhất, về lịch sử, cụ thể về kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cách đây 30 năm. Dư luận phân vân.

Đánh giá các sự kiện hay vài khía cạnh của một sự kiện lịch sử lớn như kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ với những cự ly khác nhau không phải là điều mới mẻ. Nhận xét và đánh giá một diễn biến của quá khứ, cùng thừa nhận sự kiện nhưng lại liên quan đến cách nhìn của từng người. Nghiên cứu lịch sử chính là lật bề nọ, bề kia của sự kiện và cần có một quá trình để có thể đi đến thống nhất và ngay cả thống nhất cũng ở mức tương đối.

Thử nêu một ví dụ: Tác phẩm Lý Thường Kiệt của giáo sư Hoàng Xuân Hãn không hoàn toàn ăn khớp với các bộ chính sử của các triều Trần, Lê, Nguyễn, trong khi Việt Nam đánh thắng quân Tống lại được khẳng định. Thắng quân Tống là một sự thật bao quát, cơ bản, còn việc đi đến thắng quân Tống được giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhìn ở nhiều góc độ, trong đó có những khó khăn, những mắc mứu của nội tình triều đình. Cho đến nay, nghiên cứu về cuộc chiến tranh chống và thắng Tống, có thể tác phẩm của giáo sư Hãn toàn diện và khách quan - hơn nhiều tác phẩm khác, song cũng có học giả chưa đồng tình hoàn toàn với giáo sư Hãn. Đó là mặt khoa học của nghiên cứu lịch sử.

Điều mà những người quan tâm đến thời cuộc hiện nay lo ngại nằm ở chỗ sự khác nhau mức này mức khác trong các phát biểu, các bài báo vượt quá tranh luận về quan điểm lịch sử, không có lợi cho nhận thức lịch sử đã đành mà cả cho sự đồng tâm nhất trí trong khối đại đoàn kết dân tộc để chinh phục những đỉnh cao hơn, lâu dài hơn. Càng đáng lo khi những ý kiến khác nhau ấy lại được các phương tiện truyền thông nước ngoài chuyển tải với mục đích riêng của họ. Chúng ta không sợ sự xuyên tạc, nhưng lại lo nếu sự xuyên tạc ấy tác động vào ý chí đại đoàn kết dân tộc, ý chí phấn đấu vươn lên của Việt Nam. Trên một nghĩa nào, dù có ý kiến khác nhau, mọi sự tranh luận phải không xa rời với đường lối của Đảng là quy tụ mọi lực lượng bất kể quá khứ ra sao, bất kể thuộc giai tầng, tín ngưỡng, sắc tộc nào, bất kể ở vùng nào của đất nước, đang sinh sống tại Việt Nam hay ngoài nước, miễn còn dòng máu Việt Nam, miễn hướng đến Nước mạnh, dân giàu, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Theo tôi, cái đáng tranh luận và cần tranh luận rốt ráo là những việc mà Quốc hội đang họp dồn tâm trí để xử lý. Chẳng hạn, làm sao chấm dứt nạn khan hiếm điện; làm sao chế ngự hay thu hẹp tác hại của hạn hán, lũ lụt; làm sao đảm bảo trường lớp cho học sinh, nhà ở cho người thu nhập thấp; làm sao thực hiện kiên quyết hơn chống tham nhũng, chống đầu cơ, chống tệ nạn xã hội, chống quan liêu, chống việc người có chức có quyền làm giàu bất chính...

6/2005
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.