TNO

Ai có quyền nói về nhân quyền ?

15/12/2005 15:20 GMT+7

Những ngày này, các kênh truyền hình trên toàn thế giới chiếu những hình ảnh khủng khiếp từ Iraq. Phụ nữ, trẻ con, người già chết dưới hàng nghìn tấn bom "thông minh” của Mỹ. Tiếc là chính những kênh truyền hình Mỹ như CNN, FOX, NBC lại bị hạn chế sự thật, không đưa những hình ảnh đánh vào thường dân của liên quân Mỹ - Anh.

Nhà báo Mỹ kỳ cựu Peter Arnett lại bị hãng tin NBC sa thải vì ông đã dám nói lên sự thật về cuộc chiến tranh chống nhân dân Iraq.

Nhiều người Việt Nam dù còn chờ đợi tin nóng sốt về cuộc chiến vùng Vịnh lần 2 này, nhưng lại rất ngạc nhiên khi hay được tin Hạ nghị sĩ Mỹ Chris Smith ngày 3.4 họp báo công bố đưa lại dự luật Nhân quyền Việt Nam ra Hạ nghị viện.

Những người Việt Nam sinh ra và lớn lên trước 1975 không ai lạ gì nhân quyền và dân chủ kiểu Mỹ. Trong bóng tối, các đại sứ Mỹ và CIA đã nắm quyền sinh sát thay đổi, tổ chức các cuộc đảo chính đối với tất cả những người cầm quyền ở Sài Gòn cũ nếu không hoàn toàn tuân thủ những ý định của chính quyền Washington, dù những chính khách lúc đó đều được thảy ra từ trong tay áo của chính quyền Mỹ.

Các tu sĩ của Phật giáo và cả những tu sĩ Công giáo và các tôn giáo tiến bộ khác lúc ấy đều ở trong tầm ngắm của các cơ quan mật vụ của chế độ Sài Gòn và CIA Mỹ. Báo chí của các lực lượng tiến bộ, hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh phi nghĩa của Mỹ đều bị kiểm duyệt và bị đình bản. Nhiều nhà báo bị bắt bớ, tù đày cho đến tận ngày 30.4.1975.

Cứ xem bản báo cáo 8 chương của Quốc vụ viện Trung Quốc vừa công bố về "Tình hình nhân quyền ở Mỹ trong năm 2002" thì rõ, người phán xử nhân quyền cho toàn thế giới lại là một người phớt lờ mọi vi phạm nhân quyền ngay tại nước Mỹ và những hành động mà lính Mỹ tiến hành sát hại những dân thường vô tội Iraq và những nước có Mỹ đóng quân.

Thế nhưng, nước Mỹ mà cụ thể là một số chính giới cực hữu ở Mỹ và một số Việt kiều quá khích đã xem mọi thứ nhân quyền chỉ có thể có được ở Mỹ, còn lại nhiều nước, dưới mắt họ, chính quyền đều không do dân bầu lên, đều đàn áp tôn giáo và ngược đãi người thiểu số và mọi tiêu chí dân chủ đều xuất phát từ khuôn mẫu của Mỹ, kể cả nền dân chủ được mang đến trên cánh của tên lửa hành trình ở Iraq như Ngoại trưởng Nga Ivanov nói cách nay vài ngày.

Họ dựng lên những bằng cớ giả không biết từ đâu như báo cáo đưa ra ngày 3.4 của một tổ chức người Thượng ở Mỹ nói rằng an ninh Việt Nam đã hành hình ba người không rõ danh tính và bắn vào những dân thường không có vũ khí tại buôn Cu Mblin, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ở Đắk Lắk không người dân nào tìm thấy trên bản đồ Đắk Lắk mang tên buôn Cu Mblin, ngược lại không chỉ nhìn trên truyền hình người ta thấy có 13 thường dân trong đó có 5 trẻ em và phụ nữ bị lính Mỹ bắn chết trên một chiếc xe đò ở gần Al Najaf (Iraq) mà còn có hàng ngàn thường dân Iraq khác bị bom đạn Mỹ sát hại, chắc ngài Hạ nghị sĩ Mỹ Chris Smith chưa kịp đưa vào đạo luật về nhân quyền!

Đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, quyền con người được trả bằng máu, bằng các cuộc chiến đấu không mệt mỏi giành lại quyền sống, quyền cơm áo, dân chủ và nền độc lập dân tộc. Sau 17 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế khâm phục về những thành tựu đối với con người như khắc phục được nạn mù chữ, thực hiện thành công Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các chương trình xóa đói giảm nghèo đã đi vào những tầng lớp nông thôn vùng sâu vùng xa khó khăn nhất, đã không còn những người dân đói ăn, những người nghèo được tạo mọi điều kiện để thoát nghèo và vươn lên giàu có.

Diễn viên Michael Caine người Anh được đề cử giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar 2003 trong phim Người Mỹ trầm lặng đã nói: "Chuyến đi của tôi đến Việt Nam có những điểm tương đồng thú vị, vì mọi thứ tôi từng nghĩ về Việt Nam đều sai lầm. Tôi nghĩ mình sắp phải đến một đất nước của những người thù hận. Rồi tôi nhận ra họ sống vui vẻ và hạnh phúc, những con người tuyệt vời. Với họ, tôi trông giống người Mỹ. Vì thế tôi nghĩ họ sẽ ghét tôi hoặc có lời chỉ trích nhưng tôi chưa hề nghe bất cứ điều gì như vậy. Chúng ta nên học hỏi từ đấy".

Có lẽ tiếng nói nhân quyền không thuộc về ông Chris Smith mà thuộc về nhân dân và đất nước Việt Nam, một đất nước chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo và ngày nay vươn lên có một đời sống tinh thần và vật chất không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Nguyễn Sơn Trà
(Thanh Niên 2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.