Sinh viên xa nhà và những cuộc gọi 'thỏa niềm mong nhớ'

29/10/2018 18:00 GMT+7

Niềm vui mới ở thành phố chẳng thể nào lấp đầy nỗi nhớ nhà, nhớ giọng nói mẹ cha của các bạn sinh viên. Phần lớn họ chọn rút ngắn khoảng cách địa lý với gia đình bằng những cuộc gọi yêu thương.

Gói nỗi nhớ vào những cuộc gọi
Trần Thị Như Quỳnh (20 tuổi, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi mùa nhập học, kéo vali đi được mấy bước, quay lưng lại vẫn thấy bố mẹ đứng ngóng ở cổng là mình lại chạnh lòng. Thành phố đông đúc, nhiều bạn bè nhưng đâu có ai yêu thương, chiều chuộng mình nhiều như bố mẹ. Những lúc nhớ nhà quá, mình chỉ biết gọi điện, tâm sự với bố mẹ cho vơi đi nỗi nhớ. Suốt 3 năm xa nhà, mình vẫn duy trì thói quen gọi điện về 2, 3 lần/tuần”. 

Những ngày mưa, nỗi nhớ nhà của sinh viên càng thêm quay quắt. Nếu như khi ở nhà, các bạn trẻ thường sợ bố mẹ la rầy thì lúc xa nhà, những giây phút đó trở nên quý giá. “Mình thèm nghe tiếng cằn nhằn của ba, tiếng thở dài của mẹ và tiếng cãi vã của anh chị em. Năm đầu tiên lên thành phố học, mới được một tháng mình đã không chịu nổi mà bắt xe về thăm nhà rồi. Giờ thì đỡ hơn, nhớ quá thì mình gọi video để nhìn cả nhà. Lúc nào gọi mẹ cũng nhắc 'ăn nhiều vô nha chứ sao má thấy bây ốm quá'”, Nguyễn Mai Tâm (23 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM) cho biết.
Song, không phải sinh viên nào cũng thường xuyên gọi về cho gia đình. Tần suất gọi điện của mỗi người là khác nhau, nếu như có bạn gọi về mỗi ngày thì cũng có bạn mỗi tháng gọi 1, 2 lần.
Nguyễn Văn Thuận (22 tuổi, sinh viên Trường đại học Ngoại thương - cơ sở 2 TP.HCM) cho biết: “Mỗi tuần mình gọi điện thoại về nhà khoảng 5 phút, chủ yếu là hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông bà, bố mẹ và chuyện học tập của em trai. Là con trai nên mình ngại bày tỏ tình cảm với bố mẹ, nhớ thì cũng để trong lòng thôi chứ không nói ra”.
Nguồn động viên từ đầu dây bên kia
Rời quê đến vùng đất mới học tập cũng là lúc sinh viên đối diện với nhiều thử thách, đó có thể là khối lượng bài học, là quan hệ bạn bè, là cách cân bằng giữa việc học và làm thêm.
Đặng Thị Thùy Trang (19 tuổi, du học sinh tại Đại học Bangkok, Thái Lan) sợ bố mẹ lo lắng nên hạn chế tâm sự những khó khăn mà mình đang gặp phải. Hầu như nội dung cuộc gọi của Trang với gia đình chỉ xoay quanh chuyện học tập, còn những vấn đề khác trong cuộc sống Trang thường tâm sự với bạn bè. Song, Trang luôn hiểu gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất của mình.
“Bằng cách nào đó, mỗi khi mình gặp chuyện buồn, bố mẹ đều gọi đến đúng lúc. Có một lần, mình xích mích với bạn bè nên khóc rất nhiều. Thế mà bố mẹ gọi, mình đã vội lau sạch nước mắt nhưng bố mẹ vẫn tinh ý hỏi 'hôm nay có chuyện gì à, sao mặt trông buồn thế'. Từ lần đó mình hiểu, có đi đâu làm gì, bố mẹ vẫn luôn bên cạnh mình”, Thùy Trang chia sẻ.
Gọi điện về cho gia đình có thể là thói quen, cũng có thể là cách thể hiện tình yêu thương. Nhưng sẽ ra sao nếu một ngày, cuộc gọi ấy bị ngăn cách?
Hồ Mai Quỳnh (23 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM) kể: “Năm ngoái, mình nghe tin ở quê đang lụt lớn nên rất lo lắng. Gọi mãi gọi mãi mà bố mẹ, anh chị đều không bắt máy nên mình càng sốt ruột hơn. Đến chiều hôm sau, mình nhận được cuộc gọi báo bình an của mẹ. Thực sự, mình chưa bao giờ phải trải qua cảm giác chờ đợi một cuộc gọi từ gia đình đến thế”.
Những cuộc gọi cách hàng trăm, hàng ngàn cây số đong đầy tình yêu thương. Khoảng cách không khiến tình cảm của các bạn sinh viên với gia đình giảm đi. Hơn hết, nỗi nhớ nhà được chuyển hóa thành những lời chia sẻ, động viên và đó là nguồn động lực để sinh viên học tập tốt hơn.
Phan Ngọc Thúy (23 tuổi, du học sinh tại bang Texas, Mỹ) chia sẻ: “Cuộc gọi gần đây nhất, mình báo tin vừa nhận được học bổng. Khỏi phải nói, mẹ mình vui và tự hào lắm. Nhờ những cuộc gọi tỉ tê, tâm sự chuyện buồn vui với mẹ mà mình mới vượt qua thử thách nơi xứ người.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.