Sinh viên thiếu 'lửa'

09/07/2015 07:00 GMT+7

Nỗ lực 12 năm đèn sách để quyết tâm thi đậu ĐH, CĐ thế nhưng không ít sinh viên sau khi đạt mục tiêu này lại mất phương hướng, thiếu động lực, bỏ bê học hành.

Nỗ lực 12 năm đèn sách để quyết tâm thi đậu ĐH, CĐ thế nhưng không ít sinh viên sau khi đạt mục tiêu này lại mất phương hướng, thiếu động lực, bỏ bê học hành.

Giảng đường thường xuyên chỉ có 20 - 30 SV ngồi học trong khi số lượng SV đăng ký môn học này là 80 người  - Ảnh: M.Q
Một giảng viên dạy môn luật tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Lớp có khoảng 80 sinh viên (SV) nhưng chỉ khoảng 50 SV thường xuyên có mặt trên giảng đường. Môn học gồm 12 buổi thì càng về sau càng vắng. Những buổi cuối chỉ có khoảng 25 - 30 SV đi học. Nếu làm thẳng tay thì chỉ 25 - 30 người được thi do nghỉ quá 20% số tiết”.
Tình trạng SV không đến lớp học rồi sau một thời gian nghỉ hẳn, diễn ra khá thường xuyên ở nhiều trường.
H.H.T, SV năm 1 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: “Nhiều bạn tới lớp nhưng ngồi nói chuyện, làm việc riêng hoặc ngủ. Có những bạn không chuẩn bị bài từ nhà nên khi cô hỏi thì không trả lời được. Cuối tiết học đa số mình cô độc thoại ai nghe được thì nghe. Ngay cả những môn học thú vị, cô giảng cuốn hút nhưng không phải ai cũng chăm chú thực sự”. T. cho rằng không ít trong số các bạn chán học là do chọn sai ngành, học vì bố mẹ muốn, học theo bạn bè...
Tiến sĩ Lê Quang Đức, giảng viên Khoa Điện - Điện tử viễn thông Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lý giải thêm: “Các em mới lên thành phố thường ham chơi, năm 1, năm 2 không chịu tập trung học hành nên dần dần mất căn bản về kiến thức và tư duy, do đó mất luôn sự tự tin và quyết tâm”.
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Theo quy chế đào tạo học chế tín chỉ thì thái độ học tập của SV, đến lớp có thường xuyên hay không… sẽ được giảng viên chấm vào điểm đánh giá quá trình. Ở các học phần lý thuyết, giảng viên được toàn quyền quyết định các mục đánh giá này. Nếu chặt chẽ thì sẽ thường xuyên điểm danh, ra bài tập, tiểu luận... lúc đó SV nghỉ là sẽ không có điểm”.
Với thái độ học tập như vậy, nhiều SV nhận được kết quả thấp, dẫn đến việc phải học lại, thậm chí bị đuổi học. Qua khảo sát học kỳ 1 năm 2015, có 290 SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bị buộc thôi học do không tham gia đầy đủ các đánh giá học phần. Ngoài ra, có 1.000 SV bị cảnh báo lần 1 về kết quả học tập yếu. Theo quy chế, bị cảnh báo 3 lần sẽ bị buộc thôi học.
Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, 130 SV Trường ĐH Sài Gòn cũng phải thi lại đến lần thứ 2 một số môn chung của học kỳ 1 năm 2014 - 2015, 100 SV ngành giáo dục mầm non phải thi lại lần 2 môn chuyên ngành và 92 SV ngành giáo dục tiểu học cũng chung tình trạng này.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hằng năm có từ 7 - 10% SV bị thôi học do học kém và chỉ hơn 50% SV tốt nghiệp đúng thời hạn.
Nói về việc SV chán học, nghỉ học, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên môn ứng dụng toán học tối ưu hóa trong kỹ thuật Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng điểm danh chỉ là một phương pháp phụ, quan trọng là giảng viên phải thỏa thuận với SV ngay từ đầu về những nguyên tắc để thầy trò cùng thực hiện. Và người thầy phải biết phân loại SV, đối tượng nào đi học thực sự, đối tượng nào đi học do bị ép... để có cách nhắc nhở riêng chứ không thể la mắng chung cho tất cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.