Sinh viên tập chơi chứng khoán, mạo hiểm với tiền ảo

30/09/2022 10:11 GMT+7

Muốn có thêm thu nhập, một số sinh viên chọn phương án đầu tư vào chứng khoán và tiền ảo, nhưng vẫn chưa rõ tính pháp lý cũng như độ rủi ro.

“Nước đi mạo hiểm”

N.N.Đ, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), đầu tư tiền kỹ thuật số hay còn gọi là tiền ảo được 2 năm. “Ban đầu, tôi đầu tư chứng khoán thông qua ứng dụng cho phép đầu tư-tích lũy tài sản vừa và nhỏ; cùng BO (hình thức đánh giá tỷ giá của các cặp tiền tệ, vàng…) nhưng lãi không cao nên chuyển sang tiền ảo. Tôi tìm hiểu về đầu tư tiền ảo qua mạng và người quen”, N.Đ nói.

Một nam sinh viên tìm hiểu về các mã chứng khoán để đầu tư

nvcc

Nam sinh cho biết: “Hiện tại, lợi nhuận tôi thu được gấp 2-3 lần vốn bỏ ra. Với tốc độ đó, khoảng 1-2 tháng tôi có thể thu hồi vốn. Việc hoàn vốn trong bao lâu còn tùy thuộc biến động thị trường, có một số thời điểm thì 3-4 tháng và lâu nhất là 5 tháng”.

“Tuy nhiên, đầu tư như vậy thì rủi ro cũng cao, tôi từng trải qua việc lỗ vốn, gồng lỗ, gồng lãi…”, N.Đ cảnh báo chia sẻ.

Tương tự, N.M.T, sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM, chia sẻ: “Ngoài việc làm thêm, tôi đầu tư tiền ảo từ tháng 8.2020 và một số sàn giao dịch ngoại hối để kiếm thêm thu nhập. Tôi thường đầu tư 'lướt sóng', 'đánh nhanh rút gọn' để giảm thiểu rủi ro, tối đa lợi nhuận".

“Vì không dám đầu tư nhiều nên tiền lời tôi thu về chỉ đủ chi cho các khoản đi cà phê và xăng xe. Đến tháng 7.2021, tôi ngừng đầu tư vì thua lỗ”, M.T kể.

Chọn chứng khoán làm nguồn thu nhập phụ

Tính đến nay, Bùi Trí Dũng, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đầu tư chứng khoán gần 1 năm. “Tôi xác định rõ đầu tư để kiếm thêm và tìm hiểu chứng khoán từ sách, internet cùng những anh chị đi trước”, Dũng chia sẻ.

Là một nhà đầu tư non trẻ, Dũng chia sẻ anh học được bí quyết là tránh việc thấy lời cao thì “chơi lớn”, mua đúng đỉnh hoặc “bán tháo” khi thấy âm vài phần trăm thì bán đúng đáy. “Nhà đầu tư nên phân vốn mua ở các vùng giá khác nhau để trung bình giá, tránh tình trạng ‘all in’ ngay đỉnh xem như chôn vốn hoặc bấm bụng cắt lỗ; cần cập nhật thông tin thị trường để cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý”, Trí Dũng chia sẻ. Hiện nam sinh viên thu về lợi nhuận khoảng 10-20% tổng tài khoản nhờ vào bán chốt lời đúng thời điểm.

Một rủi ro mà Trí Dũng cảnh báo là “mắc bẫy” những sàn chứng khoán lừa đảo mang danh đầu tư cổ phiếu nước ngoài. Nam sinh viên khuyên: “Người mới bắt đầu nên trang bị đầy đủ kiến thức, tìm hiểu những sàn giao dịch, công ty chứng khoán uy tín được nhà nước cấp phép”.

Cũng muốn cải thiện thu nhập, Nguyễn Thị Thanh Vy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế-luật TP.HCM, đầu tư chứng khoán sau khi tìm hiểu qua các kênh trực tuyến. Cô cho rằng độ rủi ro của đầu tư chứng khoán thấp hơn bất động sản hay tiền ảo. Nữ sinh viên chia sẻ: “Rủi ro nhiều thì lợi nhuận mang lại cũng sẽ cao nên tôi luôn chuẩn bị tâm lý sẽ mất 30-40% vốn. Vì theo ‘chủ nghĩa ăn chắc mặc bền’ nên khi thấy thị trường có dấu hiệu đi xuống thì tôi sẽ bán để thu hồi vốn”.

Thử sức nhưng chú ý vấn đề pháp lý

Với hơn 10 năm tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, anh Nguyễn Hoàng Anh Khoa, một cây bút chuyên mảng kinh doanh và đầu tư tại TP.HCM, bày tỏ: “Tôi ủng hộ các bạn trẻ thử sức với chứng khoán. Đây cũng là cơ hội thực hành cho sinh viên ngành kinh tế, tài chính”.

Để đầu tư hiệu quả, anh Khoa khuyên bạn trẻ cần đọc, tìm hiểu kỹ thị trường, lắng nghe bình luận của các nhà đầu tư, tổ chức đầu tư để chắt lọc mã cổ phiếu phù hợp, đồng thời luôn cập nhật thông tin kinh tế-xã hội trong và ngoài nước.

“Trong chứng khoán, song hành cùng rủi ro luôn là cơ hội. Mỗi nhà đầu tư có lập luận khác nhau, quan trọng là tin vào chính mình để biết quyết định nào đúng hay sai và đưa ra sự lựa chọn chính xác; đồng thời cần phải biết đâu là điểm dừng hợp lý, chứ đừng quá tham”, anh Khoa chia sẻ.

Một số sinh viên xem chứng khoán là kênh đầu tư kiếm thêm thu nhập

DẠ THẢO

Một số sinh viên không dám tự đầu tư đã chọn chứng chỉ quỹ làm kênh đầu tư chứng khoán. Về vấn đề này, anh Khoa nhận định: “Bản chất chứng chỉ quỹ dựa trên cơ sở chứng khoán nên nếu thị trường hay công ty biến động thì rủi ro vẫn biểu hiện. Tuy nhiên, nó giúp sinh viên giảm thời gian tự nghiên cứu từng mã cổ phiếu riêng lẻ. Ngoài ra, vàng và ngoại tệ cũng là kênh đầu tư hợp pháp có thể tham khảo”.

Về tính pháp lý khi đầu tư tiền kỹ thuật số, ông Nguyễn Duy Anh, luật sư điều hành Hãng luật A+, TP.HCM, cho biết, đây là hoạt động đầu tư rủi ro và Việt Nam không công nhận các loại tiền ảo.

Theo nhận định của luật sư Duy Anh, nhiều sinh viên đầu tư tiền kỹ thuật số chủ yếu là do tâm lý đám đông và muốn trải nghiệm cái mới.

Luật sư cảnh báo: “Sự tăng trưởng, thổi giá "chóng mặt" của tiền ảo sẽ càng thúc đẩy các bạn trẻ muốn sở hữu chúng. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, tiền ảo có giá trị bằng 0 ở Việt Nam, nên các bạn đã tham gia loại hình này nếu ‘rút chân’ được thì hãy rút nhanh chóng”.

Luật sư Nguyễn Duy Anh cho biết: “Về rủi ro pháp lý, hành vi cung ứng, phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán bị cấm theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 86 của Chính phủ. Và hành vi này có thể đối diện với khoản phạt hành chính từ 50-100 triệu đồng theo Điều 26 Nghị định 88”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.