Sinh viên phải làm gì để dễ dàng thích ứng trong thế giới đầy biến động?

Quý Hiên
Quý Hiên
02/12/2023 18:23 GMT+7

Theo các học giả, các chuyên gia, những người tham gia viết cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh, việc chuẩn bị năng lực cơ bản sẽ giúp sinh viên khi ra trường dễ dàng thích ứng với một thế giới đầy biến động.

Hôm nay 2.12, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra cuộc tọa đàm giới thiệu cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh, chủ biên là GS Trần Văn Thọ và nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến. 

Tại đây, các học giả, chuyên gia không chỉ giới thiệu về nội dung cuốn sách mà còn chia sẻ suy nghĩ nhằm giúp thế hệ sinh viên hôm nay đĩnh đạc trở thành chủ nhân của đất nước Việt Nam giàu mạnh vào thời điểm 20 năm tới, trong một thế giới đầy biến động

Năng lực cơ bản là năng lực gì? 

Theo GS Trần Văn Thọ (giáo sư danh dự ĐH Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản), Việt Nam đặt mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển. Thế hệ sinh viên hiện nay là những người trẻ trên dưới 20 tuổi. Vài ba năm, sau khi tốt nghiệp đại học, các em sẽ vào đời với sứ mạng cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Các em sẽ phải là những người dẫn dắt, góp phần quyết định để Việt Nam có đạt được mục tiêu đó hay không.

Sinh viên phải làm gì để dễ dàng thích ứng trong thế giới đầy biến động? - Ảnh 1.

Tọa đàm ra mắt cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh

QUÝ HIIÊN

Trên hành trình trở thành chủ nhân của đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, sinh viên ngày nay đang đối mặt với một thách thức lớn là sự biến động liên tục, nhanh chóng về địa chính trị, về khoa học công nghệ. 

"Về địa chính trị, cách đây 5 năm chúng ta không thể nào tưởng tượng được thế giới sẽ đang có như ngày hôm nay. Và bây giờ, chúng ta cũng không thể nào lường được địa chính trị thế giới 5 năm nữa sẽ như thế nào! Khoa học công nghệ cũng thế, cách đây 10 năm chúng ta làm sao hình dung nổi internet, kỹ thuật số phát triển được như bây giờ! Và 10 năm tới sẽ ra sao, không một ai có thể biết trước câu trả lời", GS Thọ chia sẻ.

GS Thọ cho rằng, để giải quyết thách thức này, sinh viên chỉ phải chuẩn bị tốt cho mình năng lực cơ bản. Một khi năng lực cơ bản có rồi, thì dẫu có sự biến động mạnh mẽ của thế giới, của khoa học công nghệ, thì các em cũng sẽ dễ dàng thích ứng. 

Nhưng thế nào là năng lực cơ bản? "Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng khi trả lời câu hỏi này, riêng tôi thì năng lực cơ bản tựu trung chỉ có một số điểm chính yếu: khả năng suy nghĩ độc lập, khả năng sử dụng tài nguyên số, khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc", GS Thọ nói.

Về khả năng suy nghĩ độc lập, theo GS Thọ, sinh viên không chỉ cần đọc nhiều, mà cần đọc sách, tài liệu có chất lượng. Trong thời đại này, việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn rất nhiều so với trước, là điều kiện thuận lợi hình thành nên năng lực cơ bản của sinh viên. 

"Nhưng mặt trái là thông tin nhiều. Vậy thì các bạn cần phải nhận biết đâu là tri thức giữa ngồn ngộn thông tin đó? Dù các bạn có nhiều thông tin nhưng chưa hẳn đã là người có tri thức. Bạn phải phân tích, chọn lọc, để phát hiện ra cái mới, thì các bạn mới có tri thức. Từ thông tin đến tri thức, chuyển thông tin thành tri thức, đó là một quá trình mà các bạn cần phải học", GS Thọ phân tích.

Đọc nhiều, đọc có chọn lọc

Theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, để xứng đáng là những chủ nhân tương lai của một đất nước Việt Nam giàu mạnh, thế hệ sinh viên hôm nay phải làm chủ được tri thức, trên cơ sở đó tạo cho bản thân năng lực tư duy phản biện. Muốn có tư duy phản biện, điều đầu tiên là sinh viên cần phải đọc sách nhiều.

"Thời còn là sinh viên, tuy ít tiền mua sách nhưng chúng tôi có thư viện, chúng tôi biết tận dụng lợi thế của thư viện nên chúng tôi vẫn đọc được nhiều. Còn thời nay, mỗi bạn trên tay đều có điện thoại thông minh, nhiều bạn có iPad, nhưng liệu các bạn đã khai thác được lợi thế đó của mình chưa? Đã chiếm lĩnh được kho tàng tri thức qua các công cụ khai thác thông tin thuận lợi đó chưa?", ông Tiến đặt câu hỏi.

Theo ông Tiến, tạo niềm yêu thích đọc sách cho học sinh, sinh viên là điều các nhà trường (từ phổ thông lên đại học) có thể làm được. Tuy nhiên, các nhà trường cũng cần giúp các em đọc có chọn lọc. Các thầy cô giáo, các giáo sư cần nêu gương trong việc đọc nhiều nhưng có chọn lọc. Vai trò của các cơ quan truyền thông cũng rất quan trọng. Không chỉ các trường ĐH mới là những nơi nên tổ chức các cuộc thảo luận về những cuốn sách mang lại giá trị tri thức, hoặc những cuốn sách gây tranh cãi, mà các cơ quan báo chí có thể chủ động đứng ra tổ chức các cuộc thảo luận đó.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho biết ông chỉ có một lời khuyên dành cho các bạn sinh viên, bao gồm 2 từ khóa gắn liền với nội dung của cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh, đó là khát vọng và thời gian. Sinh viên cần có khát vọng, gắn khát vọng của cá nhân mình với khát vọng của đất nước. Và cần phải biết cách sử dụng thời gian một cách thông minh thì mới có thể hiện thực hóa khát vọng của mình.

Cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh do tác giả Trần Văn Thọ và Trần Hữu Phúc Tiến đồng chủ biên, được xuất bản bởi Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội. 

GS Trần Văn Thọ đang công tác tại ĐH Waseda Nhật Bản, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

TS Trần Hữu Phúc Tiến là nhà báo quen thuộc của nhiều tờ báo và là tác giả của các cuốn sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua (2016) và Sài Gòn Then & Now – Sài Gòn hai đầu thế kỷ (2017).

Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh có sự tham gia của 23 tác giả gồm các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà kinh tế uy tín đang công tác ở trong và ngoài nước như GS Trần Văn Thọ, TS Nguyễn Sĩ Dũng, GS Nguyễn Xuân Xanh, GS Trần Văn Nam, GS Hồ Tú Bảo…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.