Sinh viên nước nào bị từ chối cấp thị thực sang Canada nhiều nhất?

18/11/2022 15:39 GMT+7

Từ lâu được xem là một quốc gia đa văn hóa , Canada gần đây thừa nhận rằng hệ thống di trú nước này vẫn còn tồn tại sự phân biệt chủng tộc, chẳng hạn tỷ lệ sinh viên châu Phi bị từ chối cấp visa gia tăng.

80% du học sinh châu Phi bị từ chối cấp thị thực?

“Tôi được biết có những người từ châu Phi bị từ chối thị thực (visa) hơn 5 lần dù được các ĐH của Canada chấp nhận”, Serge Nouemssi, nghiên cứu sinh tiến sĩ người Cameroon tại ĐH Quebec (tỉnh bang Quebec, Canada), nói với AFP ngày 17.11.

ĐH Quebec có gần 15.000 sinh viên, trong đó 65% là sinh viên quốc tế và phần lớn là du học sinh từ châu Phi. “Tuy nhiên, chúng tôi chứng kiến 80% du học sinh châu Phi bị từ chối cấp thị thực (visa)”, hiệu trưởng ĐH Quebec, ông Christian Blanchette cho biết, đồng thời lưu ý tình trạng này kéo dài "trong vài năm".

Theo AFP, trong báo cáo được công bố vào cuối tháng 9, Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada cho biết cơ quan này "thừa nhận sự phân biệt chủng tộc hiện diện ở Canada và trong tổ chức của chúng tôi”.

Các số liệu chính thức cho thấy Quebec có tỷ lệ sinh viên châu Phi bị từ chối cấp visa cao nhất, khoảng 70% đến từ các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp trong giai đoạn 2017-2021.

Trong khi đó, các du học sinh Pháp, Anh hoặc Đức nộp đơn xin thị thực để đến học tập ở Quebec hầu như luôn được chấp nhận, với tỷ lệ chấp thuận khoảng 90%, theo AFP.

Bên trong ĐH Laval tại tỉnh bang Quebec, Canada

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH ulaval

Chứng minh tài chính vẫn bị từ chối cấp visa

Ngoài việc phải đóng học phí trung bình 17.000-19.000 CAD/năm để theo học tại Quebec, sinh viên châu Phi còn phải chứng minh tài chính. “Đối với những người châu Phi chúng tôi, các viên chức lãnh sự nhấn mạnh vào việc chứng minh tài chính để xác định liệu rằng chúng tôi có đủ khả năng sinh sống và học tập tại Canada”, anh Nouemssi chia sẻ.

Luật sư di trú Caroline Turcotte-Brule cho hay: “Có những trường hợp, thân chủ chứng minh nguồn tài chính gần 1 triệu CAD. Tuy nhiên, viên chức lãnh sự từ chối cấp visa với lý do thân chủ không có đủ nguồn tài chính”.

Bên cạnh đó, lý do không cấp visa thường là sinh viên châu Phi không trở về nước sau khi tốt nghiệp, theo bà Turcotte-Brule. “Thật khó hiểu khi sinh viên quốc tế có quyền cân nhắc ở lại Canada sau khi tốt nghiệp”, Krishna Gagne, một luật sư khác, lưu ý.

Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada hồi tháng 10 thông báo đã xử lý hơn 452.000 hồ sơ xin visa du học trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn con số 367.000 hồ sơ của cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều sinh viên vẫn phải đối mặt tình trạng hồ sơ bị trì hoãn.

Trong một trường hợp cụ thể, bác sĩ Imene Fahmi (người Algeria) kể cô đã bị từ chối cấp visa hai lần dù đã được nhà trường chấp nhận trước khi đến được Quebec để học tập. Mathieu Piche, người hướng dẫn nghiên cứu cho bác sĩ Fahmi, bức xúc nói: “Tình trạng hồ sơ cấp thị thực bị trì hoãn hoặc từ chối vì những lý do không thỏa đáng không chỉ ảnh hướng đến sinh viên mà còn cả giảng viên hướng dẫn nghiên cứu”.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên. Hồi tháng 7, Canada bị chỉ trích sau khi từ chối cấp thị thực cho hàng trăm đại biểu, bao gồm người châu Phi, tham dự hội nghị AIDS 2022 ở TP.Montreal, theo AFP.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 9, chính phủ Canada cam kết sẽ đào tạo tốt hơn cho các viên chức phụ trách xét duyệt thị thực, đồng thời cân nhắc triển khai thanh tra viên hoặc phần mềm để xử lý vấn đề phát sinh liên quan đến cấp thị thực.

Động thái này được hoan nghênh nhưng luật sư Turcotte-Brule cho rằng "tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống diễn ra trong một thời gian dài ở Canada và sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều”.

Cục Giáo dục Quốc tế Canada vừa công bố kết quả cuộc khảo sát mới đây với 41.000 sinh viên quốc tế từ 67 cơ sở giáo dục. Kết quả khảo sát cho thấy 59% du học sinh ở Canada có ý định nộp đơn xin cấp thẻ thường trú nhân.

Gần đây, chính phủ Canada tuyên bố sẽ tạm thời bỏ giới hạn giờ làm thêm đối với sinh viên quốc tế từ ngày 15.11.2022-31.12.2023 trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.