Sinh viên làm gì để có kỳ thực tập nhiều trải nghiệm ?

07/07/2023 10:28 GMT+7

Đạt kết quả tốt, tích lũy nhiều kiến thức thực tế, có thêm trải nghiệm thú vị… là những mục tiêu sinh viên hướng đến trong kỳ thực tập. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đó, sinh viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khi còn là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Luật TP.HCM, Nguyễn Thanh Phước (26 tuổi, hiện làm việc tại Deloitte Việt Nam) đã xin thực tập tại công ty luật trong 3 tháng. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Thanh Phước kể ở tuần đầu tiên thực tập, anh đã gục khóc tại bàn khi nhìn thấy người chị hướng dẫn chỉnh sửa sản phẩm của anh rất lâu vì không dùng được. "Mình thấy có lỗi lắm, nhưng lấy đó là động lực để tiếp tục học hỏi, giảm sai sót nhằm hỗ trợ các anh chị tốt hơn", Thanh Phước nói.

Sinh viên làm gì để có kỳ thực tập nhiều trải nghiệm ?  - Ảnh 1.

Sinh viên luôn mong muốn sẽ đạt kết quả tốt, tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực tập

Tuyết Cẩm

Sau thực tập, Thanh Phước được ký hợp đồng chính thức với công ty. Thành quả đó khiến anh rất tự hào.

Cách đây vài tháng, Lê Văn Phước (22 tuổi), ngụ P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, chọn thực tập lập trình cho một công ty chuyên phần mềm. Sau thực tập, Văn Phước được nhận vào làm việc chính thức tại công ty. "Trước đó mình chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế, nhưng mình có kinh nghiệm thông qua các đồ án ở trường, nó giúp ích rất nhiều trong quá trình thực tập", Văn Phước cho biết.

Chia sẻ bí quyết để có kỳ thực tập thành công, Thanh Phước cho biết thực tập sinh có thái độ trung thực sẽ giúp công ty, cơ quan biết thế mạnh, điểm yếu của từng người để có chiến lược phân công công việc phù hợp. "Mạnh dạn hỏi khi chưa biết về một vấn đề tức là bạn đang tạo cho bản thân động lực để tìm hiểu, đồng thời bạn cũng đang phát "tín hiệu" để các anh chị hỗ trợ, hướng dẫn bạn những điều mới mẻ hơn", Thanh Phước chia sẻ.

Theo chị Lê Hiếu Tiên, phụ trách bộ phận nhân sự tại Công ty cổ phần PITO, kỳ thực tập là cơ hội tốt nhất để sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào môi trường thực tế, từ đó rèn luyện và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho công việc trong tương lai. Hơn nữa, kỳ thực tập còn cung cấp cơ hội để sinh viên thiết lập mối quan hệ với các chuyên gia trong ngành. Đặc biệt, kết quả của kỳ thực tập còn là điểm mạnh trong hồ sơ xin việc.

Chị Tiên lưu ý sinh viên trước khi thực tập cần chuẩn bị kỹ kiến thức, thông tin về nơi thực tập. "Điều này đảm bảo rằng sinh viên có khả năng áp dụng kiến thức đã học và làm việc hiệu quả trong môi trường thực tế. Đồng thời, sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp sinh viên thích nghi nhanh hơn và để lại ấn tượng tốt với công ty", chị Tiên nói.

Cũng theo chị Tiên, với việc áp dụng phương pháp "on the job training" (đào tạo tại chỗ) ngày càng phổ biến, sinh viên thực tập cần có tinh thần sẵn sàng học hỏi cao và có khả năng tự học hiệu quả. Không những vậy, sinh viên cần có tinh thần của một nhân viên thực thụ để có cơ hội trải nghiệm đầy đủ và chính xác nhất về công việc. Tinh thần cầu tiến, đề xuất cải tiến, tìm kiếm giải pháp cho các thách thức và vấn đề là những yếu tố cần thiết của sinh viên thực tập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.