Sinh viên diễn kịch tiếng Anh: Làn gió thanh xuân thổi vào kịch nói

20/12/2017 14:29 GMT+7

'Trời ơi, tôi không nghĩ đây là nghiệp dư. Các em có năng khiếu vô cùng. Tôi nghĩ vở này cần được diễn rộng rãi cho lớp trẻ xem', đạo diễn Đặng Thanh Nga nói về vở Jane Eyre của sinh viên Trường Đại học Mở TP.HCM.

Thật sự khán giả đã có những đêm thú vị và bất ngờ khi ngồi xem 10 vở kịch tiếng Anh do sinh viên khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Mở TP.HCM diễn tại Nhà hát Kịch TP.HCM (rạp Công Nhân) từ ngày 2 đến 23.12. Hình như hoạt động “nghiệp dư” này đã thổi một làn gió thanh xuân và mới mẻ vào không khí của sân khấu Sài Gòn những ngày cuối năm se lạnh và tuyệt đẹp...
Những tác phẩm kinh điển như Jane Eyre, My sister’ keeper, A Christmas Carol, Lolita, And then there were none... được các bạn sinh viên tự viết lại thành kịch, hoặc viết lại từ phim, và biểu diễn với "cây nhà lá vườn", mà khán giả vẫn say sưa theo dõi và vỗ tay liên tục. Không bất ngờ sao được, vì chẳng ai được học một ngày nào về sân khấu nhưng diễn khá ngọt ngào. Ấn tượng nhất là vở Jane Eyre, một bi kịch với cốt truyện đầy đặn và khả năng diễn xuất hay đến nỗi khán giả phải lau nước mắt.
Đạo diễn Đặng Thanh Nga cũng có mặt trong khán phòng, chị xuýt xoa: “Trời ơi, tôi không nghĩ đây là nghiệp dư. Các em có năng khiếu vô cùng. Jane Eyre là bộ tiểu thuyết dài, nhưng các em đã làm gọn lại chỉ trong 60 phút, vẫn đầy đủ nội dung, đầy đặn tâm lý cho diễn viên bộc lộ tài năng. Tôi còn yêu các em ở chỗ quá thanh xuân, quá trong trẻo, khác hẳn với các diễn viên chuyên nghiệp trường lớp mà chạy theo thị trường tào lao, uốn éo. Tôi nghĩ vở này cần được diễn rộng rãi cho lớp trẻ xem”.
Vở My sister’ keeper Ảnh: H.K
Vở And then there were none Ảnh: H.K

Đúng là có thể chọn ra trong số 10 vở ấy chừng 3-4 vở khá nhất đem đi biểu diễn rộng rãi cho lớp trẻ thưởng thức. Thực sự các em nói tiếng Anh rất tốt, khán giả nghe và theo kịp nội dung. Đa số là sinh viên năm thứ 3, nhưng được thầy Lê Quang Trực “chuốt” thật kỹ nên ai cũng khen. Đến lượt đạo diễn Huỳnh Tấn chuốt kịch bản cũng thật kỹ. Anh nói: “Các bạn thường làm nhiều cảnh, mà sân khấu thì không thể thay cảnh liên tục được, tôi phải gom lại cho gọn. Còn diễn xuất dĩ nhiên là sửa tay sửa chân cực lắm. Nhưng các bạn yêu nghề vô cùng, cực mấy cũng ráng tập. Chúng tôi làm việc với nhau thật vui vẻ”. Anh cho biết thêm, sau đợt diễn này sẽ chọn lại vài vở tốt nhất rồi chuốt thêm, và đầu tư cảnh trí thêm, để diễn lại cho Tổng lãnh sự quán Anh và Mỹ xem, cũng như mời thêm các khách nước ngoài đang công tác hoặc du lịch tại Việt Nam.
Đây là hoạt động hằng năm của sinh viên khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Mở TP.HCM. Sinh viên khoa này phải học văn học Anh và văn học Mỹ, cuối học kỳ phải thuyết trình về các tác phẩm mà mình tự chọn. Nhưng từ 2009, trường đã chọn một hình thức khác là cho các em chuyển tác phẩm văn học thành kịch nói và biểu diễn trong trường. Thành công năm ấy đã làm nền cho các buổi biểu diễn tiếp theo. Đến năm 2012 thì ra mắt hẳn tại sân khấu chính quy là Nhà hát Kịch TP.HCM với sự hỗ trợ nhiệt tình của đạo diễn Khánh Hoàng (nguyên Giám đốc nhà hát) và đạo diễn Huỳnh Tấn (nhân viên nhà hát). 500 khán giả ngồi đầy rạp. Ai đến muộn phải ngồi ghế xúp. Mọi người gọi đó là “đêm diễn huyền thoại”.
Năm 2016 và 2017 các em tiếp tục bước ra sân khấu lớn như thế. Và hứa hẹn sẽ có thêm những luồng gió thanh xuân thổi vào làng kịch nói. Các em đã làm cho người học tiếng Anh mê kịch, và ngược lại, người mê kịch đâm ra ham học tiếng Anh. Kích thích lắm chứ!

tin liên quan

Hài kịch Broadway lần đầu trình diễn tại Việt Nam
Lend me a tenor (tác giả Ken Ludwig), vở hài kịch từng đoạt giải thưởng Tony Awards (giải thưởng thường niên của Mỹ dành cho những cống hiến xuất sắc trong nghệ thuật sân khấu, sánh ngang với Grammy trong âm nhạc) sẽ được nhóm Dragonfly Theater trình diễn tại Sân khấu Soul Live Project (TP.HCM) vào các ngày 24, 25, 26.11 và 1, 2, 3.12.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.