Sinh viên bảo tồn chợ nổi

26/11/2015 06:19 GMT+7

Một nhóm sinh viên Cần Thơ đã sống cùng cư dân chợ nổi Cái Răng suốt một tháng để đem những nguyện vọng của người dân gửi đến chính quyền, nhằm bảo tồn địa điểm du lịch nổi tiếng này.

Một nhóm sinh viên Cần Thơ đã sống cùng cư dân chợ nổi Cái Răng suốt một tháng để đem những nguyện vọng của người dân gửi đến chính quyền, nhằm bảo tồn địa điểm du lịch nổi tiếng này.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đi thực tế xóm bè trên chợ nổi Cái Răng 	- Ảnh: Đình TuyểnNhóm sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đi thực tế xóm bè trên chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Đình Tuyển
Ý tưởng từ những “thất vọng tràn trề”
Hoạt động ý nghĩa của nhóm sinh viên nằm trong dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân vào bảo tồn chợ nổi Cái Răng” (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ). Dự án do Trần Long Vi, sinh viên năm cuối ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ, viết và đoạt được giải thưởng trong chương trình Người khởi xướng - Phát triển các sáng kiến thanh niên do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức và tài trợ.
Vi cho biết ý tưởng làm dự án hình thành từ những “thất vọng tràn trề” khi làm hướng dẫn viên cho bạn bè nơi khác tới thăm chợ nổi, nơi vốn được xem là bộ mặt du lịch ở TP.Cần Thơ và là điểm tham quan nổi tiếng cả nước.
“Từ những nhận xét của bạn bè và chính cảm nhận của bản thân, tôi thấy chợ nổi đang ngày càng kém hấp dẫn, môi trường lại mất vệ sinh, người dân ít quan tâm đến việc giữ gìn, bảo tồn. Trong khi đó, chợ nổi có tồn tại hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào cư dân ở đó. Vì thế, người dân cần phải có tiếng nói”, Vi cho biết.
Homestay trên chợ nổi
Với những suy nghĩ đó, dự án của Vi tập trung vào vai trò của cư dân trên chợ nổi trong việc bảo tồn; tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh như nước sạch, vệ sinh môi trường... Những câu chuyện của cư dân chợ nổi được thể hiện bằng hình ảnh sinh động trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Vi đã tập hợp bạn bè thành lập nhóm khoảng 10 sinh viên cùng tình nguyện bắt tay làm dự án. Nhóm đã nhận được sự giúp đỡ của Viện Kinh tế xã hội TP.Cần Thơ (nơi được UBND TP.Cần Thơ giao hoàn thiện đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng), đồng thời lập fanpage “Người chợ nổi” trên Facebook.
Hơn 63,5 tỉ đồng cho đề án
UBND TP.Cần Thơ đã giao Viện Kinh tế xã hội thành phố sớm hoàn thiện đề án Bảo tồn, phát triển chợ nổi Cái Răng. Đề án bảo tồn chợ nổi sẽ tập trung vào giải pháp bảo tồn kết hợp giữa nguyên trạng và có can thiệp sắp xếp. Tổng kinh phí dự kiến để làm đề án này là hơn 63,5 tỉ đồng.
Sau một tháng thực hiện dự án, các thành viên nhóm đã quen thuộc mọi ngóc ngách chợ nổi, được các ghe thương hồ hay bè nổi của người dân tiếp đón như người nhà. “Đến nay, chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều câu chuyện về cuộc sống vất vả, khó khăn của người dân khi chợ nổi ngày càng mai một, ghe xuồng buôn bán giảm sút. Đặc biệt là chất lượng cuộc sống còn rất tệ. Người dân chợ nổi vẫn đi vệ sinh xuống sông rồi lại sử dụng nước sông để rửa đồ ăn, tắm giặt…”, Vi cho biết.
Cũng theo khảo sát của nhóm, người dân chợ nổi còn gặp nhiều khó khăn về điện sinh hoạt, con cái học hành và sinh kế. Chị Nguyễn Thị Tú Trinh, làm nghề bán nước trên xuồng nhỏ quanh chợ nổi, cho biết gia đình chị và hầu hết các hộ sống trên bè nổi ở chợ nổi Cái Răng phải câu điện để sử dụng với giá 4.000 đồng/kWh.
Còn chị Đặng Thị Trang, ở bè nổi kế bên, cho hay: “Phần lớn dân ở đây tạm trú, không có hộ khẩu nên chuyện học hành của trẻ nhỏ khổ lắm, phải nhập hộ khẩu nhờ mới được đi học. Mà con nít không cho đi học, bỏ ở nhà lại sợ rớt sông”. Một khó khăn nữa là hầu hết các bè nổi ở chợ nổi Cái Răng đều đã xuống cấp và cũ nát. Ngồi trên chiếc bè cũ ở chợ nổi, Brenna Mckee - sinh viên người Mỹ đang làm nghiên cứu tại Cần Thơ - cho rằng: “Sẽ rất tuyệt vời nếu ở chợ nổi Cái Răng người dân sinh sống trên bè được hỗ trợ đóng mới nhà cho sạch sẽ và thu hút khách du lịch đến ở homestay”.
Những câu chuyện, kèm theo hình ảnh về cuộc sống ở chợ nổi cũng như ý kiến đóng góp của du khách sẽ được nhóm sinh viên in thành sách ảnh để gửi đến cơ quan chức năng TP.Cần Thơ trong tháng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.