Sinh kế sau bão lũ: Khó khăn chất chồng

29/11/2020 06:29 GMT+7

Sau các trận bão lũ mà nhất là bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi đã tự gượng dậy nhưng vì thiệt hại quá nặng, lên đến 4.850 tỉ đồng, nên hiện tỉnh này thiếu vốn trầm trọng để giúp nông dân khôi phục sản xuất...

Nông dân kiệt quệ

Gần một tháng kể từ ngày bão số 9 làm ngã đổ vườn cây ăn quả, ông Nguyễn Văn Triều (40 tuổi, ngụ thôn Tân Lập, xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành) lòng vẫn nặng trĩu. Khu vườn của ông Triều rộng hơn 1,5 ha, trồng cây ăn quả được 4 năm, với tất cả vốn liếng mà ông đã dành dụm từ mười mấy năm trời làm thuê, làm mướn.

Nhiều hộ dân còn màn trời chiếu đất

Mưa bão đi qua đã nhiều ngày nhưng tại đảo Bé (xã An Bình, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi), cảnh hoang tàn đổ nát vẫn ngổn ngang. Hàng trăm ngôi nhà nơi đây bị tốc mái, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục, đến nay nhiều gia đình vẫn màn trời chiếu đất.
Ông Ngô Lắm, một người dân ở đảo Bé, cho biết gần một tháng cô lập với đảo Lớn khiến mọi thứ ở đảo Bé đều trở nên thiếu thốn, khan hiếm lương thực, thực phẩm, vật tư xây dựng... Tất cả đều trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng. “Dân đảo sống nhờ du lịch. Nhưng năm nay dịch bệnh Covid-19 rồi thiên tai liên tục ập đến khiến cuộc sống của người dân đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Không có thu nhập thì người dân lấy tiền đâu sửa chữa nhà cửa để ổn định cuộc sống”, ông Lắm than.
Ông Võ Minh Quang, Trưởng thôn An Bình (đảo Bé), cho biết: Những đợt mưa bão vừa qua khiến 95% số nhà dân ở đảo Bé bị tốc mái, hư hại từ 30 - 80%; hàng chục nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ homestay, trường học bị mưa bão gây hư hỏng nặng, tuyến bờ biển đông nam đảo bị sạt lở nặng bởi sóng biển, triều cường… Ước tính thiệt hại do mưa bão gây ra tại đảo Bé lên đến hàng chục tỉ đồng.
Mịnh Văn
 
Ông Triều cho biết vườn cây có 100 gốc quýt và 100 gốc cam sành đang cho quả đợt đầu, còn 140 gốc sầu riêng chỉ cần một năm nữa sẽ cho quả, cũng là hy vọng hái ra tiền, quên đi những năm quá vất vả khi ông bắt đầu khởi nghiệp làm vườn. Nhưng giờ đây, ra vườn cây ăn quả này, lòng ông quặn thắt khi tất cả đã tan tác, ngã đổ. Những cây sầu riêng đã bật gốc rồi, dù có chống đỡ để gượng dậy nhưng sẽ không cho quả nữa.
“Vườn cây ăn quả này, tôi dày công suốt 4 năm trời. Gia đình tôi từng khuyên kiếm nghề khác để sống, nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng vườn cây ăn quả đến cùng, thậm chí còn dựng căn lều nhỏ giữa vườn để dành thời gian chăm sóc cây trái, thế mà giờ đây bão đã cuốn sạch trơn”, ông Triều buồn rầu nói và cho biết thêm, ông cũng không nhớ mình đã đầu tư bao nhiêu tiền cho khu vườn, vì cứ làm được đồng nào là ông đầu tư đồng đó cho vườn cây. “Bay mái nhà, sửa lại một tuần là xong chứ cây đã gãy đổ thì phải mất gần 5 năm mới có thể phục hồi. Đau xót quá!”, ông Triều nói.
Và dù rất muốn khôi phục vườn cây nhưng ông Triều không biết bắt đầu từ đâu, bởi vườn cây đã ngã đổ, bật gốc, không đốn đi thì để cũng vô ích, trong khi số tiền dành dụm suốt mấy năm qua đã hết sạch. Cứ thế, suốt cả tháng qua, ông cứ vắt tay lên trán, loay hoay tìm hướng ra cho mình, hướng nào cũng bế tắc...
Ở sát thôn Tân Lập là thôn Bình Thành, vợ chồng ông Võ Hương đến nay vẫn cứ như người mất hồn. Hình ảnh ông già hơn 80 tuổi ngày ngày ngồi ôm mấy gốc cây đã ngã đổ khiến ai thấy cũng đau lòng. Ông Hương là một trong những người đầu tiên trong thôn đưa cây ăn quả về trồng. Vườn của ông đủ loại cây, nào là sầu riêng, mận, chôm chôm... đã gần 20 năm tuổi. “Chứng kiến cái cây mình chăm bón suốt mấy chục năm, là nguồn sống của gia đình, giờ gãy đổ ngay trước mắt ai mà cầm lòng cho được”, bà Lạt, vợ ông Hương, nói như khóc.

Bưởi da xanh bị rụng đầy gốc tại nhiều vườn cây ăn quả ở xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành

ẢNH: THANH QUÂN

Nhiều nơi “đói” vốn

Chúng tôi trở lại Trường tiểu học xã Bình Chánh (H.Bình Sơn) lần này, thấy học sinh đã học lại 2 ca/ngày. Tuy nhiên, bức tường bị hỏng, xà gồ và mái trường 200 m2 bị gió bão thổi bay vẫn chưa khắc phục được, dãy phòng học 2 tầng còn trống hoác. Đây là ngôi trường có học sinh thuộc diện đông nhất H.Bình Sơn, với hơn 30 lớp. Ông Nguyễn Hữu Pháp, Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh, cho biết xã có 3 ngôi trường tốc mái, đổ ngã tường, thiệt hại 1,15 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa sửa chữa được vì xã không có kinh phí, đang đợi cấp trên và các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Bà Trịnh Thị Phương Linh, Phó phòng GD-ĐT H.Bình Sơn, cho biết cả huyện có 66 điểm trường của 22 xã, thị trấn bị thiệt hại, kinh phí phải khắc phục khoảng 33 tỉ đồng. Địa phương đang kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, trước mắt có một vài trường được các nguồn lực xã hội giúp đỡ, còn lại đang chờ kinh phí. Cũng theo bà Linh, nếu đủ kinh phí thì đến hết học kỳ 1 năm học này, các trường bị hư hỏng do bão số 9 gây ra mới khắc phục xong.
Đó chỉ là tình cảnh của một huyện, còn cả tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 làm thiệt hại 452 trường học các cấp; ngành y tế cũng thiệt hại quá lớn với 135 cơ sở y tế bị hư hỏng, đến nay vẫn chưa khắc phục hoặc khắc phục chắp vá, do thiếu kinh phí. Không chỉ về dân sinh, mà các công trình, dự án của tỉnh hiện đang hư hỏng nặng nề chưa có vốn khắc phục, trong đó chỉ riêng hệ thống thủy lợi, đê, kè sông, biển đã thiệt hại 600 tỉ đồng..., ảnh hưởng trực tiếp nhiều khu dân cư.
Tỉnh Quảng Ngãi còn có 26 điểm sạt lở ở các huyện miền núi, đe dọa đời sống hàng trăm hộ trong vùng. Một nỗi lo lớn về kinh phí sửa chữa nữa là 171.924 ngôi nhà bị thiệt hại do bão, trong đó hơn 4.000 ngôi nhà bị sập và hư hỏng từ 50 - 70%, hơn 14.000 ngôi nhà hư hỏng từ 30 - 50%.
Sinh kế sau bão lũ: Khó khăn chất chồng

Một vườn sầu riêng ở xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị ngã đổ vì bão số 9

Ảnh: Thanh Quân

Cần trung ương chi viện

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành, cho biết địa phương đã làm thủ tục, hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cây ăn quả, xác lập diện tích 500 ha. Thế nhưng bão số 9 đã làm hư hỏng 365 ha. Hiện tại hầu hết hộ dân trồng cây ăn quả tại huyện này vẫn chưa thể gượng dậy sau bão số 9, trong khi ngày tết sắp đến mà kế sinh nhai đã bị mất đi.
“Để giúp nông dân khôi phục vườn cây ăn quả, H.Nghĩa Hành hỗ trợ giống, kỹ thuật và hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến nông. Sang năm 2021, địa phương sẽ cơ cấu nguồn vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp và xin thêm tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ nông dân khôi phục, trồng lại diện tích cây ăn quả cũng như triển khai trồng mới khoảng 500 ha cây ăn quả”, ông Sâm nói.
Ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi, cho biết để hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão lũ gây ra, ngân hàng đã chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc rà soát, đánh giá kịp thời để hỗ trợ bà con phù hợp. Theo đó, hộ vay nào bị thiệt hại dưới 40% sẽ được gia hạn nợ; từ 40% trở lên sẽ được khoanh nợ 3 - 5 năm tùy theo người vay và miễn lãi vay trong thời gian này. Những trường hợp nào có nhu cầu vay vốn để tái đầu tư sản xuất, ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện cho vay.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, do mức độ thiệt hại quá lớn, trong khi ngân sách của tỉnh hiện rất khó khăn do hụt thu, mất cân đối hàng ngàn tỉ đồng trong 2 năm 2019 và 2020. Vì vậy, tỉnh đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai hỗ trợ 450,8 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại bão lũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.